Sốt xuất huyết bất thường nhưng nhiều người vẫn chủ quan!

Thứ Ba, 18/07/2017, 06:50
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thời điểm này, cả nước ghi nhận đã có 45.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH), với 13 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh phức tạp hơn khi tại khu vực TP Hồ Chí Minh, số ca mắc SXH vẫn tăng cao, có 3 ca đã tử vong vì SXH.


Thêm nữa, trong tháng 7, tại TP Hồ Chí Minh có 2 trẻ bị tử vong vì viêm não Nhật Bản. Tình hình dịch bệnh là rất bất thường theo nhận định của các chuyên gia dự phòng.

Theo nhận định của Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh, điều kiện thời tiết thành phố ban ngày thì nắng nóng, chiều tối mưa như hiện nay là rất thuận lợi cho muỗi sinh đẻ. Dự báo thời gian tới, SXH sẽ tiếp tục gia tăng nhanh, có nguy cơ lây lan trên diện rộng tại khu vực phía Nam. 

PGS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, những năm gần đây, SXH đã dịch chuyển đáng kể từ Tây Nam Bộ sang các tỉnh, thành có kinh tế phát triển nhanh như Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, số người mắc SXH vào điều trị trong 6 tháng đầu năm 2017 đã tăng gấp đôi so với cùng thời gian năm ngoái. Trong đó, trong vòng 5 năm trở lại đây, số người lớn mắc bệnh có xu hướng tăng. Vào năm 2012, khi dịch SXH hoành hành dữ dội tại phía Nam, riêng tại BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận 8.921 ca nhập viện do SXH, trong đó SXH người lớn chiếm rất cao: 6.506 ca. Nhiều ca SXH nặng.

Khoa Nhiễm thần kinh - Bệnh viện Nhi đồng 1, nơi chăm sóc nhiều bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng.

Cho tới thời điểm này của năm 2017, tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận có 9.628 ca SXH, tăng 14% so với cùng thời kì. Trong đó số lượng người lớn mắc SXH rất cao.

Đáng lo ngại, tại khu vực TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân vẫn chưa nắm được kiến thức cơ bản về phòng chống SXH. Trong khi, các tỉnh thành khu vực phía Nam là nơi lưu hành chủ yếu của bệnh SXH với 80% ca mắc và 90% ca tử vong của cả nước.

Bác sĩ tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 cho hay, trong những ngày này, đường dây nóng của BV thường phải giải đáp thắc mắc của người dân về bệnh SXH. Mới đây, một bà mẹ hoảng hốt gọi điện tới BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1, cho biết con gái chị bị sốt nhưng trên người bé không có những nốt chấm màu đỏ li ti như "đài, báo" hay nói, chị nhờ bác sĩ chỉ giúp.

Theo BS Trương Hữu Khanh - BV Nhi đồng 1, SXH là bệnh lây qua trung gian muỗi vằn, do virus Dengue gây ra. Trong đó, việc theo dõi quá trình sốt của bệnh nhi là vô cùng quan trọng, để nhận biết những dấu hiệu đặc biệt để phát hiện bệnh kịp thời, phân biệt với những loại sốt khác (sốt siêu vi, sốt phát ban, sốt viêm màng não), nhằm đưa ra những hướng xử trí đúng nhất. Hai bệnh sốt siêu vi và sốt phát ban đều có triệu chứng nổi ban đỏ giống bệnh SXH. Do vậy, có một cách phân biệt, đó là sau 2 ngày bệnh nhi bị bệnh, có thể dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên tì lên mặt da, căng vùng da tại chỗ có nốt phát ban. Nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là SXH.

Ở sốt phát ban, từ ngày thứ 4 trở đi thường hết sốt, da có thể bị nổi phát ban 3-5 ngày rồi lặn dần. Ở sốt siêu vi, xuất hiện từng cơn sốt rất cao từ 38-39 độ C, thậm chí có lúc 40-41 độ C. Đầu và cơ thể sẽ có cảm giác đau, mỏi. Đồng thời sẽ có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, họng đỏ, mặt mũi người bệnh thường có dấu hiệu sưng to, chảy nước mắt và mắt đỏ…

Trong SXH, bệnh triệu chứng ban đầu cũng là sốt cao 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu vùng thái dương, mỏi các cơ, khớp, nôn mửa, ở trẻ em có thể kèm đau bụng, rát họng. Sau đó, xuất hiện chấm xuất huyết dưới da.

Khoa Cấp cứu hồi sức tích cực chống độc người lớn - BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh ghi nhận vào năm 2012, toàn khu vực phía Nam có số ca mắc SXH Dengue (SXHD) lên tới 67.852 ca. Trong năm này, con số bệnh nhân tử vong vì SXH lên tới 61 ca ở khu vực phía Nam. 

Tại BV Bệnh nhiệt đới, năm 2012 tiếp nhận 9.130 ca SXH (ngang với số ca mắc SXH tại thời điểm này của 2017), là 9.628 ca. Trong đó có 197 ca SXH nặng. Đa số là người lớn. 162/197 ca bị sốc; 77/197 ca có biểu hiện tổn thương nội tạng; 42/197 ca có biểu hiện xuất huyết nặng và 28 trường hợp sốc kèm xuất huyết nặng cùng tổn thương tạng. Theo đó, có 21/197 ca đã nỗ lực điều trị nhưng vẫn tử vong.

Theo đánh giá từ những BS chuyên khoa điều trị SXH, thực tế ai cũng biết SXH là bệnh do muỗi truyền nhưng có một nghịch lý là người chưa bị thường lơ là với dịch, chỉ có người từng bị SXH rồi mới phòng ngừa. Vì thế, nhiều người nhập viện trong tình trạng bệnh nặng. Nhiều người bệnh khi nhập viện mới thú nhận, cho biết, họ còn không muốn cán bộ y tế dự phòng tới phun thuốc trừ muỗi định kỳ xung quanh nhà. Thậm chí đóng cửa khi bên ngoài phun thuốc muỗi mà không mở cửa nhà để thuốc có thể xông vào nhà...

Đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân của việc gia tăng ca người lớn mắc SXH dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.

Huyền Nga
.
.
.