Người phụ nữ bị xương cá găm chặt trong phế quản suốt 1 năm

Thứ Sáu, 09/07/2021, 09:33
Sau khi ăn canh chua bị sặc, người phụ nữ SN 1963 ở Cà Mau bị xương cá găm chặt trong phế quản suốt 1 năm, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ lấy ra thành công. 


Ngày 9/7, BSC2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) cho biết, các BS của BV vừa lấy thành công mảnh xương găm chặt trong phế quản nữ bệnh nhân. Đáng chú ý, mảnh xương này đã nằm trong phế quản bệnh nhân suốt 1 năm.

Theo đó, bệnh nhân H.T.H. (SN 1963, ngụ Cà Mau) được tuyến trước chuyển đến BVĐKTƯCT với chẩn đoán dị vật đường hô hấp; tăng huyết áp. Khoảng 1 năm trước, bệnh nhân ăn canh chua bị sặc. Từ đó liên tục ho đàm, khò khè từng đợt kéo dài; triệu chứng ho thường xuyên, kèm khạc đàm, cảm giác nặng ngực và thở khó. 

Mảnh xương cá trong phế quản bệnh nhân 1 năm đã được các BS lấy ra. 

Đặc biệt triệu chứng này đã kéo dài suốt 1 năm mà không rõ nguyên nhân, điều trị không giảm dù trước đó bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có cản quang ghi nhận ở phế quản gốc trái có dị vật cản quang không rõ bản chất. 

Ngày 7/7, ê kíp nội soi phế quản gồm BSCK1 Nguyễn Văn Tuyết; Ths-BS Lý Phát; BSCK1 Đặng Duy Thanh thực hiện nội soi phế quản ống mềm có gây tê để lấy dị vật. Kết quả ghi nhận phế quản gốc trái có 1 dị vật màu trắng dính chặt vào thành phế quản, tạo mô hạt xung quanh. 

Mảnh xương nằm trong phế quản bệnh nhân suốt 1 năm. 

Các BS dùng kìm gắp thành công dị vật xương cá ra khỏi lòng phế quản; bơm rửa, kiểm tra lòng phế quản thông thoáng. Hiện, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, các triệu chứng ho, khò khè, khó thở giảm nhiều, ăn uống được.

TS.BS Cao Thị Mỹ Thúy (Trưởng khoa nội hô hấp) cho biết, quá trình lấy dị vật này rất khó khăn do dị vật nằm quá lâu trong lòng phế quản, gây viêm phổi nghẽn, tăng sinh mô hạt nhiều nên phải giải phóng mô hạt, súc rửa phế quản sau đó mới tiến hành gắp dị vật. 

Sức khỏe bệnh nhân ổn định, chuẩn bị xuất viện. 

Thời gian dị vật nằm trong phế quản càng dài gây kích thích tăng sinh mô hạt càng nhiều ở vị trí phế quản tiếp xúc với dị vật gây nên tình trạng viêm phổi nghẽn tái đi tái lại, gây khó khăn khi lấy dị vật. Dị vật phế quản có thể gây những biến chứng cấp tính như ngưng thở hay mạn tính như nhiễm trùng phế quản phổi tái đi tái lại và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng bệnh nhân.  

Cũng theo TS-BS Cao Thị Mỹ Thúy, dị vật đường thở rất nguy hiểm, nếu lớn có thể bít cả đường thở gây suy hô hấp, thậm chí tử vong. Nếu dị vật ở trong phế quản phổi lâu ngày sẽ gây ra nhiễm trùng đường hô hấp, nặng hơn có thể xuất hiện áp xe phổi, tràn mủ màng phổi, giãn phế quản…

Văn Đức
.
.
.