Người bệnh được bảo vệ lợi ích từ việc quản lý chặt chẽ trang thiết bị y tế

Thứ Sáu, 22/07/2016, 17:50
Tại hội nghị về vấn đề quản lý TTB y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-7 đã chỉ ra, không chỉ BV tuyến Trung ương mà còn khá phổ biến ở các BV tuyến huyện là tình trạng “dính bẫy” nhiều đơn vị cung cấp TTB.

Ths. Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, với các qui định về quản lý trang thiết bị (TTB) hiện nay, khi bán TTB cho các bệnh viện (BV), đơn vị cung cấp thường giấu hồ sơ kỹ thuật, nên sau khi đã mua hàng, các BV thường không thể biết được thông tin về hãng sản xuất thiết bị để liên lạc khi cần. 

Có đơn vị cung cấp thiết bị xong là “biến mất” trên thị trường, nên khi máy móc hỏng, cần bảo hành hay sửa chữa, BV cũng đành “bó tay”. Xảy ra nhiều nhất là tình trạng bán các máy xét nghiệm cho các BV, sau đó, do không có thông tin về nơi sản xuất, bảo hành, các BV thường bị ép mua hóa chất hoặc dịch vụ sửa chữa với giá “cắt cổ”. Thậm chí, có máy móc chỉ sử dụng một thời gian đã phải “đắp chiếu” vì không có linh kiện thay thế.

Tại hội nghị về vấn đề quản lý TTB y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-7 đã chỉ ra, không chỉ BV tuyến Trung ương mà còn khá phổ biến ở các BV tuyến huyện là tình trạng “dính bẫy” nhiều đơn vị cung cấp TTB. Lợi dụng vào các qui định chưa chặt chẽ, nhiều đơn vị bán TTB cho BV tuyến huyện, rồi không hoạt động thương mại nữa, hoặc sau khi bán thiết bị xong cố tình “lặn” mất, để trốn trách trách nhiệm bảo hành sản phẩm, khiến các BV không biết đâu mà tìm khi máy móc bị hỏng. 

Nhiều BV dù mang tiếng được đầu tư TTB đầy đủ mà không sử dụng được vì không biết chỗ sửa chữa, hoặc không biết mua linh kiện thay thế, hóa chất, ở đâu, khiến bệnh nhân cũng khổ theo.

Với cách quản lý hiện nay, hầu hết TTB y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế chưa được định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng và sửa chữa, không đủ nguồn vốn để đầu tư đổi mới, nhiều địa phương không đủ kinh phí để mua vật tư tiêu hao. Trình độ của cán bộ chuyên môn y tế chưa đủ để khai thác hết công suất TTB hiện có. 

Năng lực cán bộ kỹ thuật TTB y tế cũng chưa theo kịp đổi mới về kỹ thuật và công nghệ. Chất lượng đào tạo, bố trí sử dụng nhân lực chuyên sâu về kỹ thuật thiết bị y tế còn thấp. Các doanh nghiệp sản xuất TTB y tế còn ít, chủng loại nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa cao.

Trang thiết bị y tế phục vụ tốt cho công tác khám, chữa bệnh

Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt là BV tuyến huyện vì ở xa, tiếp cận đơn vị bảo hành không dễ.

Nhưng bắt đầu từ ngày 1-7-2016, tình hình này sẽ được chấn chỉnh bản với việc thực thi các qui định của Nghị định 36 về quản lý TTB y tế. Theo Ths. Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị - Công trình y tế, từ nay, sẽ quản lý theo số lưu hành và buộc các đơn vị cung cấp TTB y tế phải đủ các điều kiện cần thiết. Tức là, các đơn vị bán sẽ phải minh bạch thông tin. 

Muốn bán TTB y tế phải cung cấp hồ sơ kỹ thuật, có cơ sở bảo hành, phải công bố cả số điện thoại, địa chỉ, lẫn người chịu trách nhiệm và dù không còn bán hàng nữa vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm và hỗ trợ người sử dụng. Điều này nhằm khắc phục hiện tượng từng xảy ra là có trường hợp lập ra nhiều công ty để bán hàng, xong rồi giải thể, không chịu trách nhiệm về sau, khiến các BV luôn là nơi chịu thiệt thòi, tất nhiên, người bệnh cũng phải gánh hệ lụy theo.

Nguyên tắc quản lý hiện nay là mỗi chủ sở hữu số đăng ký phải chịu trách nhiệm cuối cùng sản phẩm của mình, từ khâu đưa vào thị trường đến chất lượng, bảo hành, bảo trì sản phẩm với số đăng ký đó. Bộ Y tế và Sở Y tế sẽ quản lý được từ việc nắm số đăng ký, do đó, sẽ rút giấy phép nếu sai quy định. 

Điều này sẽ tránh được việc bất bình đẳng hoặc những thắc mắc giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu, bởi qui định cũ thì hàng nhập khẩu dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, trách nhiệm của nhà cung cấp với thị trường, tránh trường hợp ủy quyền lòng vòng, gây thiệt hại cho các BV.

Lợi ích của người bệnh cũng được bảo vệ nhiều hơn, khi giờ đây, việc phân loại và quản lý TTB y tế không theo nhóm chức năng như: nhóm thiết bị phòng mổ, thiết bị gây mê, thiết bị khám bệnh, thiết bị tiệt trùng…mà phân theo mức độ rủi ro với sức khỏe con người để có biện pháp quản lý phù hợp. Những qui định mới sẽ tác động đồng bộ, từ sản phẩm nhập khẩu, sản xuất, đăng ký lưu hành, cho đến sử dụng, khâu thu hồi sản phẩm, kể cả bảo trì bảo dưỡng sản phẩm vv…

Với những thay đổi về qui định, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cái lợi khi theo thông lệ quốc tế chỉ cần đăng ký là được tự do nhập, thay vì đăng ký nhập TTB y tế theo chuyến như trước. Đặc biệt, doanh nghiệp nội cũng được lợi thế dần khi “sân chơi” hiện nay nhằm khuyến khích sản phẩm sản xuất trong nước và ưu đãi trong kinh doanh trang thiết bị y tế cho các doanh nghiệp nội như chính sách về đất, thuế doanh nghiệp, thuế doanh thu… 

Đây cũng sẽ là những cơ hội tốt cho người bệnh được tiếp cận với nhiều TTB y tế hiện đại, mà chi phí hợp lý hợ trong sự cạnh tranh lành mạnh. 

Thanh Hằng
.
.
.