Mang hạnh phúc đến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn "đặc biệt"

Chủ Nhật, 04/08/2019, 17:24
Trường hợp ung thư tinh hoàn; cả 2 vợ chồng đều liệt nửa người; tử cung đôi hay 24 năm hiếm muộn…những tưởng họ không bao giờ còn cơ hội được làm cha, làm mẹ, thế nhưng nhờ kỹ thuật ngày một phát triển của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON), điều kỳ diệu đã đến với những cặp vợ chồng hiếm muộn “đặc biệt” này. 

Đây là chia sẻ của BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tại Hội thảo 7 năm thành lập Khoa Hỗ trợ sinh sản của BV tổ chức ngày 4-8.

Sau 10 năm hiếm muộn, người mẹ đón cặp sinh đôi dễ thương

Chia sẻ về điều kỳ diệu này, BSCKII Nguyễn Khắc Lợi, cho biết: “BV đã TTTON thành công cho nhiều cặp vợ chồng đặc biệt. Đó là cả hai vợ chồng đều bị liệt nửa người; người chồng bị ung thư tinh hoàn; TTTON từ tinh trùng của người chồng đã chết; người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh; người bị sai lệch về nhiễm sắc thể; người có tử cung đôi hay vô sinh 24 năm… 

Hiện nay, dù tỷ lệ thành công khi thực hiện TTTON tại bệnh viện là khá cao, từ 50-60% nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc có những trường hợp mà y học không thể can thiệp. Đó cũng là điều mà những người gắn bó với chuyên ngành hỗ trợ sinh sản như chúng tôi trăn trở phải luôn nỗ lực.

Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhắn nhủ với người bệnh rằng, chỉ cần bệnh nhân tin tưởng và không bỏ cuộc, các bác sĩ sẽ nỗ lực hết mình vì những ước mơ chính đáng và thiêng liêng.”

Các cặp vợ chồng hiếm muộn "đặc biệt" giao lưu tại Hội thảo

Hàng trăm cặp vợ chồng từng điều trị hiếm muộn thành công đã đưa "trái ngọt" đến tham gia Hội thảo và dự sự kiện "Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2019". Chương trình là hoạt động thường niên của BV với mong muốn tiếp sức, giảm gánh nặng cho các cặp vợ chồng trong hành trình tìm kiếm đứa con của mình. Dịp này BV cũng dành 2.000 suất khám, siêu âm, xét nghiệm miễn phí và hỗ trợ từ 2-60 triệu đồng cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

Mặc dù là mưa bão, nhưng vợ chồng chị Hoàng Thị Hạnh (Sn 1976) và anh Trần Xuân Chính (Sn 1974), ở xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, Yên Bái vẫn lặn lội xuống Hà Nội để tham gia Hội thảo. Bế trên tay con gái được 11 tháng tuổi, anh Chính nở nụ cười rạng rỡ: “Tôi rất hạnh phúc sau 23 năm đã được làm cha. Điều kỳ diệu này tôi cứ nghĩ mình đang mơ”. 

Niềm hạnh phúc của vợ chồng anh Chính, chị Hạnh sau 23 năm hiếm muộn

Theo lời kể của anh Chính, năm 1995 vợ chồng anh kết hôn, họ cũng hạnh phúc như bao cặp vợ chồng khác khi đón đứa con đầu lòng chào đời. Nhưng không may mắn, cháu bé mất khi được hơn 1 tháng tuổi. Từ đó về sau, chị Hạnh không mang thai lại nữa. Vợ chồng họ chạy chữa khắp nơi, ai mách thuốc gì, ở đâu đều không tiếc công, tiếc của đi chữa chạy. 

Năm 2000, họ xuống BV Phụ sản Trung ương khám, phát hiện chị Hạnh bị tắc vòi trứng. Sau mổ thông vòi trứng, vì không có tiền điều trị tiếp, anh chị lại về quê. Mãi không thấy có con, họ xin nuôi một bé gái 2 tháng tuổi. Nhớ lại chặng đường 23 năm chạy chữa, chị Hạnh rớm nước mắt nói: “Vợ chồng dành dụm được đồng nào đều để chữa vô sinh, có lúc phải vay mượn. Nhiều khi mệt mỏi quá, tôi đề nghị ly hôn, không muốn trói buộc chồng mình, để anh ấy có mụn con nhưng anh không đồng ý”.

Chị Lò Thị Nhung trải qua 5 lần gom trứng đã thành công, sinh một bé trai đáng yêu

Nhiều năm ròng rã chạy chữa không có kết quả, vợ chồng chị Hạnh “buông xuôi” chấp nhận thực tế. “Tôi không còn mang hy vọng gì, đến năm 2017 qua fecebook biết BV Nam học chữa vô sinh thành công nhiều trường hợp khó, kết quả cao, hai vợ chồng bàn bạc để thực hiện TTTON tại đây”- chị Hạnh chia sẻ. Thế nhưng, làm lần đầu không thành công, bác sĩ khuyên họ về 1, 2 tháng hãy làm tiếp nhưng vợ chồng chị quá sốt ruột, quá nôn nóng đã đến xin chuyển phôi sớm. Họ đã TTTON lần 2 chỉ sau 2 tuần khi lần đầu thất bại. Kết quả được 6 phôi, đặt 3 phôi, còn 3 phôi trữ lại. 

Theo chia sẻ của anh Chinh, quá trình theo đuổi tìm kiếm đứa con mơ ước, vợ chồng họ đã tốn khoảng 300 triệu đồng, nhưng may mắn họ cũng đã trả được 2/3 khoản nợ. Dự định khi con 2 tuổi, vợ chồng anh chị tiếp tục đặt phôi để sinh cháu thứ hai.

Trong gần một trăm cặp vợ chồng đến tham gia Hội thảo, chúng tôi đặc biệt chú ý tới cặp đôi nhiều tuổi nhất ở đây. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Đình Minh (Sn 1950) và bà Đinh Thị Hường (Sn 1960), ở phố Trần Quốc Toản, Hà Nội. Hai bé gái sinh đôi 6 tuổi đáng yêu Nguyễn Thị Tố Nga và Nguyễn Thị Kim Ngân không ngừng quấn quýt lấy bố mẹ. 

Kể với chúng tôi, ông Minh không khỏi mãn nguyện: “Tôi không nghĩ mình đã ở tuổi này mà vẫn có hai con gái đáng yêu đến thế. Các cháu năm nay bước vào lớp 1, là niềm hạnh phúc của tôi với bà ấy”.

Niềm vui của ông bà Nguyễn Đình Minh và Đinh Thị Hường 
Chia sẻ về nguyên nhân khiến họ tới tuổi già mới có con, bà Hường cho biết, bà là bác sĩ ở BV Đa khoa Hà Đông, mãi tới năm 2006 bà mới kết hôn, khi đó đã 46 tuổi, còn ông Minh sang tuổi 56. “Lúc đó tôi nghĩ mình còn trẻ, cứ để tự nhiên, nhưng đợi mãi vẫn không thấy có con mới đi khám. Tới đâu người ta cũng nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Dù chạnh lòng nhưng khao khát có mụn con khiến chúng tôi vượt qua hết mặc cảm, một lòng cố gắng hết sức” – bà Hường chia sẻ. 

Hai vợ chồng lặn lội đến BV Nam học và Hiếm muộn, được tư vấn kỹ càng, họ bắt đầu làm TTTON. Khó ai có thể tưởng tượng, dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng ngay lần đầu tiên TTTON, bà Hường đã mang thai. Hai ông bà vui sướng đến “phát điên”, cứ nắm tay nhau mà rơm rớm. 

Đây được coi là một ca kỳ tích khi bà Hường mang thai ở tuổi 53. Sau 8 năm lấy nhau, họ chào đón 2 thiên thần xinh xắn, mang lại hạnh phúc vô bờ cho tuổi xế chiều.

Theo.Ths.Bs. Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Ngoại - Tiết niệu và Nam học, BV Nam học và Hiếm muộn cho biết, theo thống kê, vô sinh do vợ chiếm khoảng 40%, do chồng chiếm 40%, khoảng 10% do cả 2 vợ chồng và 10% không tìm thấy nguyên nhân.
Nụ cười của người cha hiếm muộn 
Em bé bụ bẫm được

 Trước đây, vì nhiều lý do, quan niệm cho rằng vô sinh thường xuất phát từ nữ giới. Ngày nay, sự tiến bộ của y học cùng sự xuất hiện của các kỹ thuật mới trong điều trị vô sinh nam, nhiều nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới được tìm ra và có thể chữa trị được. Ứng với mỗi nguyên nhân đều có biện pháp điều trị hiệu quả nhất.



Trần Hằng
.
.
.