Không có chuyện hàu Lăng Cô chứa chất gây ung thư

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:40
Trước thông tin hàu nuôi bằng lốp xe tại đầm Lăng Cô (Huế) có thể gây ung thư khiến người dân khu vực này bị ảnh hưởng nặng nề. Cơ quan chức năng ở địa phương đã vào cuộc, kết quả giám định cho thấy các chỉ tiêu an toàn đều đảm bảo. Hàu Lăng Cô không hề mang chất gây ung thư như lời đồn đoán.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên – Huế vừa có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về tình hình nuôi hàu ở đầm Lập An (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc). 

Theo đó, sau khi thông tin ăn hàu nuôi tại khu vực này có nguy cơ ung được một số báo đăng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Phú Lộc kiểm tra và giao Chi cục Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản lấy mẫu nước và mẫu hàu để phân tích.

Kết quả cho thấy: Chỉ tiêu môi trường nước như độ pH, độ kiềm, NH3, NO3, PO3, H2S, Oxy hòa tan đều nằm trong giới hạn cho phép, phù hợp để các đối tượng nuôi nước lợ, mặn sống và phát triển tốt.

Phủ nhận thông tin hàu nuôi trên lốp cao su có chứa chất gây ung thư, nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn lo lắng về mỹ quan và ảnh hưởng môi trường (Ảnh: QT)

Chỉ tiêu kim loại nặng của mẫu lấy ngày 15 và 22/4 cho thấy làm lượng lưu huỳnh mà 28,1 mg/kg trong khi giới hạn cho phép là 100 mg; định tính formaldehyd là âm tính, hàm lượng Cadimi là 0,61 mg/kg (mức cho phép là 2 mg/kg), hàm lượng chì là 0,15 mg/kg, trong khi mức cho phép là 1,5 mg. Kết quả phân tích các chỉ tiêu lý hóa và kim loại nặng đã cho thấy hàu nuôi bằng lốp xe ở Lăng Cô vẫn nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, chứ không mang chất gây ung thư như lời đồn đoán.

Trao đổi với báo chí, ông Đặng Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô, bức xúc: “Nuôi hàu đang là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân địa phương. Nó góp phần giải quyết việc làm, nâng thu nhập, giúp hơn 320 hộ dân thoát khỏi nghèo khó. Không biết họ căn cứ vào đâu để nói ăn nuôi hàu nuôi trên lốp cao-su sẽ bị ung thư. Cho dù đặt nghi vấn hay khẳng định thì đây vẫn là cách đặt vấn đề giật gân, ác ý chứ không phải cảnh báo, vì thiếu các cơ sở khoa học”.

Người nuôi hàu bị thiệt hại do lời đồn thiếu căn cứ. Ảnh: vne

Theo nhà khoa học này, về mặt hóa học, lốp xe được cấu tạo chủ yếu bằng cao-su và các phụ gia khác qua quá trình flo hóa, clo hóa để trở nên săn chắc, khó tan, khó phân hủy, nên hàu tuy sống bám vào lốp xe nhưng không lo ăn phải các chất độc trong lốp xe trôi ra. Hơn nữa, nguyên tố lưu huỳnh không gây hại cho sức khỏe, người ta vẫn dùng cần nó làm thức ăn cho các loại động vật. Nguyên tố carbon chỉ là dạng than đá, không ảnh hưởng tới sức khỏe người ăn hàu. 

TS Hoàng Thái Long, Trưởng khoa Hóa, đại học Khoa học Huế cho rằng, thông tin trên là suy đoán thiếu căn cứ. Theo TS Hoàng Thái Long, trên thế giới người ta cũng nuôi hàu trên lốp cao-su, và họ cũng đã từng nghiên cứu nhưng đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa khẳng định điều gì.

PGS-TS Trần Hồng Côn, giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, khẳng định rằng, ăn hàu nuôi trên lốp cao-su không ảnh hưởng đến sức khỏe người, bởi hàu ăn sinh vật phù du, chứ không ăn các chất độc hại từ lốp xe trôi ra. 

 Việc nuôi hàu ở đầm Lăng Cô bắt đầu từ năm 2004. Với hình thức nuôi bằng lốp xe, người nuôi dùng giá thể (lốp xe) để ấu trùng hàu đến mùa sinh sản trôi vào đầm, bám vào giá thể, sống và phát triển suốt vòng đời ở một vị trí cố định. Đây là cách nuôi đơn giản, chi phí đầu tư thấp, thu hoạch dễ dàng. Năm 2016, diện tích nuôi hàu tại Lăng Cô là 119 ha với hơn 1 triệu lốp xe cao su treo trên khoảng 150.000 cọc tre và bê tông. Với sản lượng hàng năm khoảng 400 tấn, trung bình mỗi hộ thu được khoảng 80 – 120 triệu đồng/năm.


QT - VH
.
.
.