Cần có đánh giá khoa học việc nuôi hàu bằng lốp xe cũ

Thứ Năm, 21/04/2016, 08:38
Gần 2 năm qua, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) đã thực hiện đề án quy hoạch nuôi hàu ở đầm Lập An nhằm giảm tải sự ô nhiễm trên vùng vịnh. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên đến nay, việc nuôi hàu bằng vỏ lốp xe cũ vẫn phát triển ồ ạt, đem lại nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Đáng chú ý, thời gian gần đây có thông tin hàu nuôi bằng lốp xe có chứa độc tố, gây bệnh ung thư đã khiến người nuôi bức xúc. Sự thật thế nào?

Cứ đến mùa tháng 4, người dân thị trấn Lăng Cô lại tất bật với công việc thu hoạch hàu nuôi ở đầm Lập An. Sau khi tách hàu, hàng vạn chiếc lốp xe cũ được chất đống ngổn ngang dọc 2 bên  đường như một khu phế liệu, hoặc bãi tập kết vật thải công nghiệp, bốc mùi hôi khó chịu. 

Vừa vác mấy chiếc lốp xe cũ có nhiều hàu bám xung quanh từ dưới đầm Lập An lên, ông Nguyễn Văn Thịnh (ở thôn Lập An, thị trấn Lăng Cô) cho biết, trước đây, gia đình ông thường sử dụng phương pháp nuôi hàu truyền thống là sử dụng các cọc tre, gỗ đóng xuống đầm để làm giá thể cho hàu bám, nhưng sau này, nhận thấy vỏ lốp cao su hữu hiệu hơn trong việc nuôi hàu nên ông và nhiều hộ dân khác trong vùng đã sử dụng thay cho các cọc tre, gỗ và hiệu quả nuôi hàu cũng tăng lên rõ rệt. 

Lốp xe cũ để nuôi hàu trên đầm Lập An.

Theo ông Thịnh, nhiều năm qua, nghề nuôi hàu không những giúp gia đình ông có công ăn việc làm ổn định, thu nhập khá mà 4 người con của vợ chồng ông cũng được học hành tử tế khi hàu chưa tách vỏ được bán với giá 10 đến 15.000 đồng/kg; còn hàu tách vỏ có giá từ 70 đến 80.000 đồng/kg. 

“Thông thường mỗi vụ, chúng tôi thả trên 2.000 vỏ lốp xe cũ xuống đầm Lập An để làm giá thể cho hàu bám. So với cọc tre, gỗ thì lốp xe khi ngâm xuống nước lâu bị ăn mòn hơn nên được người làm nghề nuôi hàu ưu tiên sử dụng. Trừ các chi phí thì mỗi vụ gia đình lãi trên 30 triệu đồng...”, ông Thịnh nói.

Nhiều năm qua, có trên 250 hộ dân ở Lăng Cô tham gia nuôi hàu, số lượng lốp xe thả xuống đầm khoảng 4.000-6.000 chiếc/hộ. Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường khu vịnh Lăng Cô do việc nuôi hàu gây ra, từ năm 2014, UBND huyện Phú Lộc đã thực hiện đề án quy hoạch, sắp xếp lại việc nuôi hàu ở đầm Lập An. Theo đó, từ 250 ha mặt nước nuôi hàu ban đầu sẽ được sắp xếp còn lại 100ha, tập trung vùng nuôi ở khu vực mũi Rạng Đình đến cầu Hói Dừa. 

Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện đề án quy hoạch thì đến nay, số lượng lốp xe mà người dân sử dụng để nuôi hàu cũng xấp xỉ khoảng 1 triệu chiếc. Điều này chứng tỏ việc dùng lốp xe cũ để nuôi hàu đang tiếp tục tái diễn ở Lăng Cô, để lại nhiều mối lo ngại về vấn nạn ô nhiễm môi trường. 

Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện thông tin hàu nuôi từ lốp xe có độc tố, gây nên bệnh ung thư đã khiến người tiêu dùng hoang mang. Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều hộ nuôi hàu ở Lăng Cô tỏ ra rất bức xúc, bởi họ cho rằng tin đồn thất thiệt đã gây ảnh hưởng đến việc sản xuất, buôn bán hàu. 

“Nếu nói nuôi hàu từ vỏ lốp xe ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường nước, đến vịnh Lăng Cô thì chính xác. Riêng nói ăn hàu do chúng tôi nuôi sẽ bị ung thư thì không đúng, bởi hơn chục năm làm nghề nuôi hàu, gia đình tôi cũng thường ăn loại hải sản này nhưng không hề hấn gì, đó là chưa kể hàu được vận chuyển bỏ mối cho các nhà hàng, khách sạn ở Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và rất được khách hàng ưa chuộng”, một hộ dân nuôi hàu giãi bày. 

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Lăng Cô, hiện chính quyền và người dân địa phương đang hết sức lo lắng trước thông tin trên. Dù chưa có cơ sở khoa học chứng minh nhưng thông tin như thế đã gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất của hàng trăm lao động tại địa phương sinh sống bằng nghề nuôi hàu.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: Về lâu dài, khi lốp cao su ngâm trong khu đầm Lập An sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường nước. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào, con hàu nuôi bám trên lốp xe cũ có bị ảnh hưởng các độc tố hay không thì cần có nghiên cứu đánh giá cụ thể. Đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu hoặc đánh giá nào về việc hàu nuôi bám trên lốp xe cũ có độc tố, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế cần sớm có nghiên cứu, đánh giá và khuyến khích người dân sử dụng các vật dụng “thân thiện môi trường” để làm giá thể cho hàu bám, thay việc dùng vỏ lốp xe cũ. Có như thế mới hạn chế được tình trạng ô nhiễm do việc nuôi hàu đem lại, góp phần bảo vệ cảnh quan thế giới vịnh Lăng Cô và tránh được những hệ lụy khác về lâu dài.

Anh Khoa
.
.
.