Giám đốc CDC Việt Nam: Tôi là người đồng tính, có HIV và tôi chia sẻ với mọi người
- HIV ở Việt Nam: Chủ yếu lây qua đường tình dục và xu hướng trẻ hóa
- Dừng tài trợ, Bảo hiểm y tế sẽ chi trả điều trị cho người HIV
- Tháo gỡ khó khăn trong chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS sang quỹ BHYT
- Hỗ trợ mua BHYT cho 100% bệnh nhân mắc HIV/AIDS điều trị ARV
- Khó khăn ngăn chặn HIV/AIDS trong giới trẻ
Đặc biệt, đã sống chung 23 năm với người bạn tình âm tính với HIV, nhưng nhờ những hiểu biết về HIV, mà người bạn đời của ông không bị lây truyền. Câu chuyện của TS. John Blandford không phải để “mua vui”, mà là mang một thông điệp rất tích cực về phòng, chống HIV. Vì thế, sau sự kiện này, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng ông.
+ Công khai bản thân mình, ông không ngại sẽ gặp phải kỳ thị khi ở Việt Nam điều này còn khá nặng nề?
TS. John Blandford: Tôi quyết định công khai về bản thân nhân dịp này là bởi 2 lý do: Thứ nhất, là Giám đốc CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, tôi muốn truyền tới mọi người thông điệp mang tính khoa học là K=K và câu chuyện của tôi và bạn đời là bằng chứng sống cho thông điệp đó. Vì thế, tôi mong muốn thông điệp này càng lan tỏa rộng càng tốt, để nhiều người nắm được thông tin thì càng thêm nhiều người được hưởng lợi từ việc tham gia điều trị và tuân thủ điều trị ARV.
Thứ hai, tôi muốn mình chính là tấm gương để những người trong cộng đồng người đồng tính nam, người chuyển giới và người có HIV thấy rằng tôi mạnh dạn chia sẻ như thế thì tại sao họ không chia sẻ, không bộc lộ bản thân? Mọi người hãy chia sẻ với cộng đồng của mình nhiều hơn nữa – những người có nguy cơ lây nhiễm HIV, người chưa điều trị và người đã điều trị ARV, hay những người chịu ảnh hưởng bởi HIV. Khi đó thông điệp K=K sẽ lan tỏa lớn hơn rất nhiều so với thông điệp đi từ những người không ở trong cuộc. Tôi mong rằng sự bộc lộ bản thân của tôi hôm nay sẽ góp phần xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng của người Việt.
TS. John Blandford với thông điệp “Không phát hiện = Không lây nhiễm HIV” |
Có một điều mà tôi muốn chia sẻ thêm, là trong suốt 23 năm chung sống với người bạn đời, tôi không hề lây truyền HIV sang cho anh ấy. Vì tôi tuân thủ điều trị ARV từ năm 2002 và suốt 16 năm qua bạn đời của tôi không bị vấn đề gì... Điều đó cho thấy việc tham gia điều trị sớm và tuân thủ điều trị ARV vô cùng quan trọng.
+ Lý do nào để ông đến với Việt Nam trong vai trò Giám đốc CDC?
TS. John Blandford: Tôi bắt đầu sự nghiệp của mình với CDC Hoa Kỳ là khi tôi biết mình có HIV. Khi ấy tôi quyết định chuyển sang làm việc, nghiên cứu trong lĩnh vực y tế công cộng và xin vào làm việc tại CDC Hoa Kỳ. Ở đây tôi tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học để thu thập bằng chứng, để hiểu về bản thân mình và những vấn đề liên quan đến HIV. Thời gian này tôi rất kín tiếng, không chia sẻ, bộc lộ tình trạng của mình. Nhưng về sau, khi tôi càng nắm được thông tin và có nhiều bằng chứng khoa học hơn về K=K thì tôi bắt đầu chia sẻ, bộc lộ về mình.
Tôi từng nắm giữ vai trò quan trọng ở CDC Hoa Kỳ, nhưng rồi tôi quyết định sang Việt Nam làm Giám đốc CDC, vì tôi biết ở Việt Nam, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV vẫn rất nghiêm trọng. Chính điều đó khiến những người có nguy cơ bị HIV không muốn đi xét nghiệm vì họ sợ nếu đi xét nghiệm sẽ bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử. Cũng vì sợ bị kỳ thị nên họ không đi điều trị, không muốn lộ diện hoặc không muốn điều trị tại nơi gần nhà họ.
Tôi muốn lấy chính mình làm tấm gương để góp phần vào xóa bỏ sự mặc cảm, sự kỳ thị để khuyến khích tất cả mọi người có nguy cơ nên đi xét nghiệm. Những ai chưa biết tình trạng của mình thì nên đi xét nghiệm HIV. Ai đã biết rồi thì cố gắng đi điều trị càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ có được lợi ích là: không phát hiện tải lượng HIV thì sẽ không lây truyền cho người khác (tức là K=K).
+ Với mong muốn giúp Việt Nam dần xóa bỏ kỳ thị, để việc phòng chống HIV/AIDS có những tiến bộ và sau khi sang Việt Nam, ông đã làm được những gì trong lĩnh vực này?
TS. John Blandford: Một trong những thành công lớn nhất của tôi khi đến Việt Nam là đã giúp các bạn triển khai được hoạt động làm xét nghiệm tải lượng HIV cho bệnh nhân đang điều trị thuốc ARV tại Việt Nam. Đóng góp này vô cùng quan trọng, khi cho phép phát hiện được tỷ lệ có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện ở Việt Nam là rất cao, cao nhất thế giới. Với những tiến bộ của Việt Nam trong phòng chống HIV/AIDS, CDC không hỗ trợ trực tiếp việc làm xét nghiệm tải lượng HIV nữa, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng kế hoạch cũng như điều phối với các nhà tài trợ khác, để đảm bảo việc xét nghiệm tải lượng HIV được cung ứng cho tất cả mọi người.
+ K= K là một thông điệp mang tính khoa học mới được phát hiện?
TS. John Blandford: K+K là một thông điệp mới về lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV với người nhiễm HIV. Tuyên bố trên do cộng đồng y khoa và khoa học toàn cầu đi tiên phong trong nghiên cứu và điều trị HIV/AIDS công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ về AIDS năm 2018. Thông điệp này dựa trên bằng chứng khoa học về việc người có HIV được điều trị bằng thuốc ARV và khi đạt tải lượng virus ở ngưỡng không phát hiện được trong máu, thì nguy cơ lây truyền HIV sang người khác qua đường tình dục là không có. Thông điệp này làm giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV và khuyến khích những người có HIV tuân thủ điều trị.
+ Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!