HIV ở Việt Nam: Chủ yếu lây qua đường tình dục và xu hướng trẻ hóa

Thứ Hai, 26/11/2018, 21:20
Bắt đầu từ 1-2019, Việt Nam phải tự đối phó với căn bệnh HIV/AIDS, khi nguồn thuốc ARV do các tổ chức quốc tế tài trợ sẽ chấm dứt. Vậy Việt Nam sẽ ứng phó thế nào trong hoàn cảnh mới không xáo trộn về cả tình hình bệnh dịch lẫn tác động đến an ninh trật tự xã hội? 


Để có câu trả lời, trước thềm Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12, chiều 26-11, chúng tôi đã trao đổi với TS. Nguyễn Hoàng Long – Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này:

+ Thưa ông, nhiều người lo lắng việc các tổ chức quốc tế chấm dứt tài trợ thuốc ARV sẽ tạo ra nguy cơ bùng phát dịch HIV/AIDS ở nước ta. Ông có thể cho biết giải pháp thay thế nguồn thuốc tài trợ để Việt Nam tiếp tục khống chế dịch HIV/AIDS?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Bảo hiểm y tế (BHYT) là giải pháp thay thế bền vững nguồn tài trợ quốc tế. Vì thế, hiện đã có hơn 90% cơ sở điều trị HIV/AIDS kiện toàn để được ký hợp đồng khám chữa bệnh (KCB) BHYT, khoảng 85% cơ sở điều trị đã thanh toán ít nhất một dịch vụ từ nguồn quỹ BHYT. Trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019, có 186 cơ sở đã ký hợp đồng và sẵn sàng nhận thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng KCB BHYT trước 1-1-2019.

Tỷ lệ người điều trị ARV có thẻ BHYT tăng nhanh lên 89%. Nhiều tỉnh, thành phố đạt 100%. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được Bộ Y tế giải quyết thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh. Bộ Y tế đang phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

TS. Nguyễn Hoàng Long

+ Thưa ông, trước những khó khăn của người bị HIV trong đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT, ngành y tế đã có giải pháp gì?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Theo Luật BHYT, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV. Nhưng do người nhiễm HIV đều có mức thu nhập thấp nên điều này rất khó khăn, nhất là việc điều trị ARV phải liên tục và suốt đời. 

Để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Chính phủ đã quy định các địa phương đảm bảo các nguồn ngân sách cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

+ Thưa ông, nguồn tài trợ phòng chống HIV/AIDS chỉ là một thách thức. Còn những khó khăn gì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thời gian tới? 

TS. Nguyễn Hoàng Long: Mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. 

Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn lớn, khiến những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm, cũng là những rào cản. Bên cạnh đó, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, thì hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn.

+ Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam hiện có gì đáng chú ý, thưa ông?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước phát hiện thêm 7.497 trường hợp HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.514, số người tử vong là 1.436. Số người nhiễm mới HIV tập trung chủ yếu ở độ tuổi 16 – 29 (38%) và 30 – 39 (36%). Đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (63%) và qua đường máu (23%). Dịch HIV/AIDS tập trung ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, chiếm 35% số người nhiễm HIV, tiếp đến là Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh, An Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai vv…

Trong số người nhiễm mới HIV trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi và 268 trẻ em; có 36% là phụ nữ lây HIV từ chồng, bạn tình, 24% là người quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ, 23% là người nghiện chích ma túy, 10% là người mua dâm; 5% là nam giới lây từ vợ, bạn tình bị nhiễm HIV, 2% là phụ nữ bán dâm.

Giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy là 14%, nhóm đồng tính nam (MSM) là 12,2% và phụ nữ bán dâm là 3,7%. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy thay đổi không đáng kể, tuy nhiên tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nhóm MSM có xu hướng tăng nhanh từ 5,1% năm 2015, lên 7,4% năm 2016 và 12,2% năm 2017.

Sự gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam. Lây truyền HIV từ người nhiễm HIV sang những người không thuộc nhóm nguy cơ cao, như vợ, bạn tình của người nghiện chích ma túy sẽ khó khăn trong việc triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại, do khó khăn xác định nhóm đích để cung cấp dịch vụ can thiệp và tư vấn làm xét nghiệm HIV sớm. Một số địa bàn có nguy cơ lây nhiễm HIV cao ở các vùng sâu, vùng xa cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

+ Ông có thể cho biết giải pháp ứng phó trước tình hình nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ đồng tính nam đang gia tăng?

TS. Nguyễn Hoàng Long: Tình hình nhiễm HIV trong nhóm nam có quan hệ đồng tính nam có chiều hướng gia tăng, nhất là nhóm MSM trẻ, tăng từ 2,3% lên 12,2%, cá biệt có nơi tăng lên tới 14 hoặc 16%. Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm trong diễn biến dịch HIV. Có thể nói, việc kỳ thị kép với nhóm MSM (về giới tính, HIV/AIDS) đang là trở ngại lớn cho nhóm này tiếp cận dịch vụ. Do vậy các giảm kỳ thị phân biệt đối xử cho nhóm MSM cũng cần được quan tâm.

+ Cám ơn ông!

Thanh Hằng
.
.
.