Cứu sống ba bệnh nhân ngộ độc nấm

Thứ Tư, 26/09/2018, 15:11
Sau khi ăn bữa cháo do người thân thu hái từ nương rẫy mang về, ba bà cháu đều bị hôn mê do ngộ độc. Rất may là ba nạn nhân đều được cứu sống sau nhiều giờ được các bác sĩ cấp cứu và điều trị kịp thời.


Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết, sau gần hai ngày đêm được các bác sĩ tập trung cấp cứu và điều trị tích cực, đến trưa ngày 26-9, ba bệnh nhân ngộ độc thực phẩm nấm rừng đã thoát khỏi nguy kịch và đang hồi phục sức khỏe tốt.

Trước đó vào ngày 24-9, trong lúc lên nương rẫy chăm sóc cây trồng, chị Đinh Thị Dứa (31 tuổi) trú ở thôn Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tình cờ nhìn thấy và thu hái gần 1 lạng nấm mang về nhà. 

Nấm mũ khía nâu xám 

Chiều tối hôm đó, người mẹ của chị Dứa là bà Đinh Thị Nhiếk (64 tuổi) lấy số nấm nêu trên nấu cháo để ăn cùng hai người cháu ngoại là Đặng Thị Hòa Thế (10 tuổi) và Đinh Thị Thoắt (4 tuổi). Hơn hai giờ sau bữa ăn, cả ba người lâm vào tình trạng hôn mê do ngộ độc. Sau khi được người thân đưa đến Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thạnh, 3 bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê nên phải chuyển tiếp đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định và đã được cứu sống bằng những phác đồ cấp cứu và điều trị tích cực, kịp thời.

Nấm ô tán trắng phiến xanh

Theo các chuyên gia về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiều khả năng loại nấm bà Đinh Thị Nhiếk cùng hai người cháu ngoại bị ngộ độc là nấm mũ khía nâu xám, có tên khoa học là Inocybe Rimosa. Trong loại nấm này có độc tố Muscarin tác động đến gan, thận và hệ thần kinh, nhưng trường hợp ngộ độc không được đưa đến cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị hoại tử tế bào gan dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận và tử vong. Được biết hơn một tháng trước đó, 7 người dân ở thôn K4, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh may mắn thoát chết sau ca cấp cứu kịp thời do ngộ độc, rối loạn tiêu hóa sau khi ăn canh nấm ô tán trắng phiến xanh, có tên khoa học là Chlorophynlum molybdites.


Phan Văn Lương
.
.
.