Coi chừng mất mạng vì thuốc… gia truyền
- Thuốc “gia truyền” đặc trị tiểu đường chứa tạp chất nhiễm khuẩn
- Bài thuốc gia truyền của Hoàng gia: Từ “đỉnh cao” tới “tận cùng xã hội”
- Mập mờ thuốc gia truyền giá 5.000 đồng
Thuốc không rõ nguồn gốc nhưng được tung hô như “thần dược”
Vào giữa tháng 8 vừa qua, Công an TP Hải Phòng đã phối hợp cùng với Đoàn Thanh tra liên ngành gồm: Cảnh sát môi trường, Thanh tra Y tế và Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, Mỹ phẩm và Thực phẩm đã tiến hành kiểm tra cơ sở Bà Đại, địa chỉ số 11 Kỳ Đồng, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng.
Đây là cơ sở sản xuất và kinh doanh thuốc nổi tiếng trên địa bàn TP Hải Phòng từ nhiều năm nay do bà Nguyễn Thị Nga làm chủ. Sản phẩm thuốc được gọi là gia truyền của cơ sở Bà Đại không nhữngđược tiêu thụ tại Hải Phòng mà còn được đưa đi tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành khác trong nước, thậm chí chuyển cả ra nước ngoài.
Cơ quan chức năng phát hiện tại cơ sở Bà Đại hàng nghìn gói thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc. |
Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở của bà Nga đang bán thuốc cho một số người tiêu dùng. Trong nhà có tổng cộng 10 thùng carton bên trong chứa đựng các gói thuốc thành phẩm, mỗi túi nylon chứa đựng các viên hoàn màu đen. Mặt ngoài túi thuốc có in nhãn hiệu “Bà Đại gia truyền viên tiểu đường” kèm theo những lời quảng cáo phô trương về công dụng của thuốc.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng yêu cầu bà Nga cung cấp các giấy tờ, hóa đơn liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm và các giấy tờ chứng nhận cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc, Bằng cấp chuyên môn, Chứng chỉ hành nghề dược thì bà Nga lại không xuất trình được bất kỳ một loại giấy tờ nào chứng minh rằng sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện để kinh doanh buôn bán ra thị trường cho người tiêu dùng.
Sau khi kiểm tra, toàn bộ số gói thuốc chữa bệnh tiểu đường không rõ nguồn gốc trên tại cơ sở Bà Đại đã được cơ quan chức năng thu giữ và lấy một số mẫu để kiểm nghiệm. Đến ngày 10 - 9, Sở Y tế Hải Phòng đã chuyển hồ sơ vụ kinh doanh thuốc không phép nhãn hiệu “Bà Đại” sang cơ quan điều tra CATP Hải Phòng để tiến hành điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Cũng trên địa bàn TP Hải Phòng, nhiều tuyến phố tập trung rất đông cơ sở bán buôn, bán lẻ, kinh doanh các loại thuốc đông dược, như Tô Hiệu, Cát Cụt, Hai Bà Trưng, Phan Bội Châu, Quang Trung… Tại đây sản phẩm thuốc đông dược cũng được bày bán với đầy đủ các chủng loại, mẫu mã, từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn... cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo nhập khẩu.
Các cơ sở này đều cho biết có đủ các loại thuốc chữa khỏi hết các bệnh, thậm chí cả bệnh… hiểm nghèo. Còn về giá cả thì vô cùng, chủ cửa hàng cho biết có những loại sâm hay nấm linh chi có giá thành mỗi cân lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng cũng có không ít loại bán với giá chỉ vài chục nghìn đồng một cân.
Tuy nhiên khi tìm hiểu thì phần lớn các loại dược liệu hay đã được bào chế thành thuốc này đều không có nguồn gốc rõ ràng về chất lượng, trên bao bì không có dòng chữ nào chứng minh nguồn gốc sản phẩm và đã được chứng nhận đăng ký chất lượng tại đâu.
Chánh Thanh tra sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Đình Trình cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 60 cơ sở kinh doanh dược liệu. Quá trình kiểm tra lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra, phần lớn các chủ cơ sở có bằng cấp theo quy định, nhưng vì chạy theo lợi nhuận, cố ý kinh doanh dược liệu nhập khẩu theo đường tiểu ngạch thay vì phải mua dược liệu có hồ sơ công bố xuất xứ của các doanh nghiệp. Kết quả thanh tra cũng đã phát hiện đến 90% số cơ sở kinh doanh dược liệu không rõ nguồn gốc.
Trước đó tại nhà thuốc gia truyền Đại Hưng Tường, số 31 phố Tô Hiệu (quận Lê Chân), là một trong nhưng cơ sở kinh doanh dược liệu được cho quy mô và uy tín nhất Hải Phòng.
Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra chủ cơ sở cho biết hiện đang kinh doanh khoảng hơn 100 loại dược liệu và toàn bộ đều được mua ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội). Đây là nơi tập kết và chế biến dược liệu lớn nhất ở phía Bắc, chủ yếu nhập về từ Trung Quốc qua các cửa khẩu ở biên giới…
Còn tại cơ sở kinh doanh dược liệu số 69 đường Cát Cụt và Hiệp Hưng Tường số 209A đường Trần Nguyên Hãn (cùng quận Lê Chân), qua kiểm tra cũng từng phát hiện đang kinh doanh hàng trăm loại dược liệu không rõ nguồn gốc, bảo quản không bảo đảm theo quy định…
Nguy cơ mắc thêm bệnh vì thuốc… gia truyền
Thực tế cho thấy tình trạng buôn bán, vận chuyển các nguyên liệu bào chế thuốc lậu đang diễn ra phổ biến nên việc kiểm định chất lượng, hàm lượng dược liệu, đông dược rất khó khăn.
Mới đây nhất sau khi kiểm nghiệm các mẫu dược liệu lấy từ các đợt kiểm tra, cơ quan y tế của TP Hải Phòng cho biết có đến 15 - 20% không đạt chất lượng, trong đó có nhiều mẫu không còn không đạt về cả hàm lượng và hoạt chất. Nguy hiểm hơn là có rất nhiều loại dược liệu bị trộn rác, cát, xi măng, lẫn tạp chất, thậm chí tẩm ướp cả hóa chất độc hại.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Tiến Sơn các nguyên liệu trôi nổi được bào chế thành thuốc thành phẩm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người sử dụng. Nếu người bệnh uống phải thuốc kém chất lượng, chứa nhiều tạp chất sẽ bị ngộ độc, suy nội tạng…
Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng) thời gian qua đã tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu nghi do tác dụng phụ khi sử dụng Đông y để điều trị, trong đó nhiều bệnh nhân đái tháo đường. Có những trường hợp hôn mê tăng áp lực thẩm thấu máu, kèm suy gan, suy thận, rối loạn điện giải, rối loạn huyết động, sẽ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời…
Theo đó Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Nguyễn Tiến Sơn khẳng định để ngăn chặn hàng kém chất lượng, cùng sự tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm nhập khẩu, ngành Y tế cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh và khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dược liệu cần có sự thực hiện trách nhiệm và phối hợp của các cơ quan như Hải quan, Quản lý thị trường, Công an.