Còn 6 bệnh nhân COVID-19 dương tính, phổi của phi công người Anh phục hồi 90%

Thứ Năm, 18/06/2020, 07:14
Tới sáng nay 18/6, nước ta không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19 mới, đây là ngày thứ 63 Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nam phi công người Anh đã tỉnh táo hoàn toàn, phổi phục hồi 90%, chức năng gan, thận, tim, men tụy hoạt động bình thường. 

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính tới nay Việt Nam có tổng cộng 195 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) giảm còn 6.285 trường hợp, trong đó 91 người cách ly tập trung tại bệnh viện; 5.775 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 417 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đến nay Việt Nam ghi nhận 335 trường hợp mắc COVID-19, đã chữa khỏi cho 325 bệnh nhân, chiếm 97% trên tổng số ca bệnh. 

Cả nước hiện còn 10 bệnh nhân điều trị, trong đó đã có 4 bệnh nhân xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với SARS-CoV-2. Như vậy, Việt Nam chỉ còn 6 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân 91 là người có quốc tịch nước ngoài mắc COVID-19 còn lại duy nhất đang điều trị tại Việt Nam. Từ một bệnh nhân nguy kịch, cận kề sinh tử, sau 3 tháng nằm viện, trong đó có 86 ngày thở máy, 56 ngày chạy ECMO-hệ thống tim phổi nhân tạo, bệnh nhân đã hồi phục một cách kỳ diệu, đáng kinh ngạc.

Theo chia sẻ của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiêu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 cho biết, bệnh nhân 91 là nam phi công người Anh đã hoàn toàn tinh táo, dùng điện thoại 1 tuần nay gọi điện đi khắp nơi trên thế giới. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê trò chuyện với nam bệnh nhân phi công người Anh

Tới hôm qua (17/6) bệnh nhân đã gảm oxy, chỉ còn 1 lít/phút, tự thở qua cannula mũi, phổi phục hồi 90%. Bệnh nhân chỉ còn dùng thuốc kháng nấm, mạch và huyết áp đều ổn định; tim, thận, gan, men tụy phục hồi tốt.

Theo đánh giá của Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, đến thời điểm này không nghĩ đến phương án ghép phổi cho nam phi công.

Với sự hồi phục đáng kinh ngạc như trên, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho hay, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân hoàn toàn có thể bay về được Anh. Sau này, bệnh nhân có thể quay về tiếp tục làm công việc phi công được hay không, theo Phó trưởng Tiểu ban Điều trị, còn phụ thuộc vào quá trình luyện tập của bệnh nhân và nếu luyện tập tốt chúng ta hoàn toàn có niềm tin. 


Trần Hằng

.
.
.