Tăng tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết đến người dân
- Cảnh giác với cán bộ dịch tễ "rởm" phun thuốc chống SXH thu tiền
- Dập dịch SXH, đừng tiếc kinh phí và ngày nghỉ
- Để dịch SXH lan rộng, do thiếu kinh nghiệm xử lý triệt để ổ dịch
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch phòng chống SXH ngay từ đầu năm 2019, các văn bản về công tác này đã gửi đến các sở, ban, ngành, đoàn thể và các tổ chức chính trị-xã hội thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện; triển khai nhiều mô hình tuyên truyền đến người dân…Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số xã của các huyện vùng ven TP Hồ Chí Minh, PV ghi nhận rất ít băng rôn, pano… tuyên truyền phòng chống SXH.
Các kênh rạch thì không được khai thông, không có dấu hiệu của việc phát quang bụi rậm, nước tù đọng rất nhiều nơi. Nhất là lu đựng nước của nhiều gia đình không đậy nắp, lăng quăng tung tăng bơi lội bên trong. Khi PV tìm hiểu thì nhiều người dân cho biết, không thấy chính quyền địa phương hay ngành chức năng đến tuyên truyền, mà chủ yếu tự tìm hiểu để phòng chống dịch bệnh SXH, nhất là những gia đình có trẻ nhỏ.
Ghé vào một quán cà phê sân vườn trên đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, chúng tôi thấy trong quán có một số chậu dùng trồng cây cảnh, nhưng không có cây cảnh mà các chậu này đều đựng nước, trong đó có lăng quăng. Chúng tôi hỏi chị chủ quán sao không đổ nước đi mà để lăng quăng nhiều, thì chị này nói trước đây những chậu này dùng nuôi cá kiểng nhưng cá chết nên không nuôi nữa, do không chú ý nên không biết có lăng quăng.
Đến nơi đã có 1 người tử vong vì SXH là huyện Bình Chánh, ghé vào nhà một số người dân ở xã Tân Kiên, thấy hầu hết mỗi nhà đều có ít nhất từ 2 đến 3 chiếc lu trở lên đựng nước mưa nhưng không có nắp đậy. Khi đến xem nước trong lu, chúng tôi thấy rất nhiều lăng quăng “bơi lội”, người dân cho biết nước này chủ yếu dùng để rửa ráy, lau nhà… còn nước sử dụng nấu ăn là nước sạch của Nhà nước. Do đó, những lu đựng nước mưa này ít được người dân quan tâm, lu để đó cứ mưa thì đầy nước, ngày này qua ngày khác, đây chính là cơ hội sinh sôi muỗi.
Trong lu đựng nước của người dân ở huyện Bình Chánh có lăng quăng |
Nhà chị Chị Huỳnh Thị T. ở đường Hưng Nhơn, xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) và một số nhà hàng xóm nền nhà thấp hơn mặt đường, nên mỗi lần mưa là ngập, nước luôn đọng lại. Nước ngập, gia đình chị phải tát nước vào cống gần đó, nhưng cống bị nghẹt nên khi mưa thì nước đọng lại.
Nhà chị T có con trai 3 tuổi nên chị rất lo lắng con bị muỗi đốt, chị lên mạng tìm hiểu để biết thêm thông tin cách phòng chống SXH. Cách phòng ngừa mà chỉ áp dụng hiện nay là đốt nhang muỗi và mua tinh dầu đuổi muỗi. Biết là đốt nhang muỗi nhiều, lâu ngày có thể không tốt cho sức khoẻ của gia đình, nhất là con trai chị, nhưng ngoài cách trên chị chưa biết cách nào khác.
Về việc tuyên truyền phòng chống SXH của địa phương, một số người dân cho biết, trước đây thỉnh thoảng người của ấp có phát tờ rơi tuyên truyền phòng ngừa SXH, nhưng từ đầu năm 2019 đến nay không thấy ai tuyên truyền, cũng không thấy ai đến xịt thuốc muỗi.
Còn về triệu chứng nếu bị SXH thì chị T nói biết sơ sơ, chỉ khi nào không may bị bệnh thì đi khám mới biết có bị SXH hay không. Về vấn đề này không chỉ mình chị T không nắm được mà nhiều người khi được hỏi cũng chỉ cười và nói biết “sơ sơ thôi”.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố đều có bộ phận làm công tác truyền thông nhưng làm chưa đúng, chưa trúng yêu cầu, chỉ mới tuyên truyền “qua loa”, chủ yếu là kêu gọi phát quang bụi rậm và khai thông cống rãnh… Bộ Y tế đã cấp đầy đủ phương tiện, thuốc phun và tài liệu để các địa phương phòng chống dịch, trong đó có việc tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết cách phòng chống SXH.
Để làm tốt công tác phòng chống SXH, ngoài việc trung tâm y tế dự phòng cần tăng cường tuyên truyền đến người dân một cách thiết thực, thì chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể địa phương cũng phải chủ động vào cuộc, không thể để đến khi có người tử vong vì SXH mới tiến hành đi chống dịch bệnh.