Cần làm rõ đường đi của hai loại thuốc kháng sinh do VN Pharma cung ứng

Thứ Bảy, 30/09/2017, 09:21
Sau phiên tòa xét xử của Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, vụ án Công ty CP VN Pharma vẫn còn nhiều dư luận bởi tính chất nghiêm trọng của nó khi liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia tiếp tục chỉ ra những khuất tất trong việc quản lý, cấp phép, không chỉ với lô thuốc điều trị ung thư H-Capita, mà cả ở những lô thuốc kháng sinh mà VN Pharma đã nhập vào Việt Nam trước đó.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thì không chỉ “làm giả hồ sơ thuốc H-Capita, từ năm 2012 đến năm 2014, Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm còn làm giả hợp đồng mua bán thuốc với Công ty Austin Hong Kong để làm thủ tục nhập khẩu một số lô thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin có nhãn mác Health 2000 Canada.”

Thông qua Võ Mạnh Cường, VN Pharma đã đặt mua lô thuốc này của người có tên Raymundo ở Philippines để làm thủ tục nhập khẩu. Cường đã làm giả Invoice (hóa đơn bán hàng), Packing list (danh mục hàng hóa), COA (tờ khai sản phẩm), đóng dấu Công ty Health 2000 Canada và cung cấp cho VN Pharma. Con dấu giả của Công ty Health 2000 Canada cùng biên bản bàn giao nhiều con dấu nước ngoài khác của Công ty CP VN Pharma đã được cơ quan điều tra thu giữ.

Có thể thấy những dấu hiệu bất thường ở việc cấp số đăng ký cho 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin do Công ty Helix Pharmaceuticals Inc (Canada) sản xuất – điều quan trọng giúp cho những lô thuốc này lọt vào Việt Nam.

Năm 2010, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã cấp “visa” 2 thuốc này – nhưng do Công ty Health 2000 Canada sản xuất - cho Công ty TNHH MTV Dược phẩm Vimedimex với số đăng ký là VN 11532 và VN 11531. Theo qui định, visa thuốc có thời hạn trong 5 năm. 

Thế nhưng, năm 2014, 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin lại được Cục Quản lý dược cấp cho VN Pharma. Tức là đã vi phạm Điều 10 về đặt tên thuốc của Thông tư số 44/2014/TT-BYT quy định việc đăng ký thuốc là “Không trùng hoặc tương tự với tên thuốc đã được cấp số đăng ký của cơ sở khác”.

Việc làm này khiến nhiều người đặt câu hỏi: Ở đây chỉ là sự ưu ái của Cục Quản lý dược với VN Pharma, hay còn ẩn khuất gì ở phía sau câu chuyện cấp cùng tên thuốc cho 2 công ty khác nhau này? 

Điều có thể thấy rõ là việc cấp số “visa” mới cho VN Pharma của nhà sản xuất Helix Pharmaceuticals trùng tên với 2 số đăng ký đã được cấp phép trước đó cho Công ty Health 2000 Canada sẽ giúp VN Pharma đương nhiên được lợi thế trong đấu thầu, do 2 thuốc này đã có lịch sử sử dụng và trúng thầu trước đó. Nhưng điều đặc biệt lưu ý khi đây là loại thuốc mà cơ quan điều tra đã thu được con dấu giả và hợp đồng giả của VN Pharma.

Trụ sở Công ty VN Pharma.

Theo Danh mục thuốc nhập khẩu kê khai giá thuốc của Cục Quản lý dược tại đường link https://vnras.com/wpcontent/uploads/2017/05/Tong_hop_KK_thuoc_NK_tinh_den_ngay.10.05.2017.pfr thì VN Pharma đã nhập 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin về Việt Nam vào ngày 29 và 31-1-2013. Như vậy, cáo trạng và hồ sơ đều chứng minh VN Pharma đã đưa thành công 2 thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin mang mác Health 2000 Canada “sản xuất” về Việt Nam.

Vì thế, điều cần phải làm rõ là, trong 3 năm liền, từ 2012 đến 2014, VN Pharma đã nhập về bao nhiêu lô thuốc H2K-Levofloxacin và H2K-Ciprofloxacin. Sau khi đã nhập về Việt Nam thì số thuốc này được đưa về đâu? Hiện nay, số thuốc này VN Pharma nhập về đã không còn, cho thấy có dấu hiệu đã được dùng cho người bệnh. Vì là thuốc tiêm dạng chai nên khả năng người bệnh tự mua về sử dụng là rất ít.

Những thắc mắc trên sẽ được làm rõ nếu truy lại đường đi, nguồn gốc các lô thuốc giả mà VN Pharma đã nhập về Việt Nam. Vì được đưa từ nước ngoài về nên dấu vết những lô thuốc này chắc chắc còn ở hải quan và cơ quan thuế. 

Muốn làm rõ đường cung ứng của các lô thuốc này, Bộ Y tế có thể phối hợp với Hải quan để có được thông tin về số lô; số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu; công ty nhập khẩu lô thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin trong giai đoạn từ năm 2013 tới năm 2014. 

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có thể đề nghị các BV đã trúng thầu thuốc H2K Ciprofloxacin và H2K Levofloxacin do VN Pharma cung cấp, thông tin liên quan để xác định có bao nhiêu bệnh nhân đã sử dụng thuốc và kết quả ra sao. Đây là điều rất quan trọng, đòi hỏi phải được giải đáp, khi nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của nhiều người bệnh.

Trở lại việc cho phép lô thuốc H-Capita giả nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế cho biết, tổ thẩm định gồm 10 chuyên gia của Trường ĐH Dược Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Cục Quản lý dược, nhưng đã “không thể phát hiện bằng mắt thường, vì hồ sơ được làm giả quá tinh vi”. Tuy nhiên, cáo trạng lại chỉ ra những dấu hiệu cho thấy, hồ sơ này không hề tinh vi và vẫn có thể phát hiện bằng mắt thường, nếu tổ thẩm định làm việc thật sự nghiêm túc và khách quan. 

Thanh Hằng
.
.
.