Kỷ luật gần 400 nhân viên y tế qua đường dây nóng
Đó là thiết lập đường dây nóng trong tất cả các cơ sở y tế (CSYT) từ năm 2013 và triển khai kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” từ 2015.
Với tinh thần lắng nghe và xử lý kịp thời của ngành y tế, từ khi triển khai đường dây nóng đến nay, đã có gần 400 trường hợp bị xử lý kỷ luật, 7 người bị cách chức, 50 người bị điều chuyển vị trí công tác, cho nghỉ việc 5 người, nhắc nhở, rút kinh nghiệm 15.811 trường hợp vv...
Nhiều vụ việc Bộ Y tế nhận được thông tin đã yêu cầu địa phương, đơn vị khẩn trương điều tra, xác minh và đã xử lý nghiêm, như trường hợp cán bộ y tế tại BV Đa khoa huyện Kim Thành (Hải Dương) nghịch điện thoại, để bệnh nhân chờ lâu… đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật; BV Nhi Trung ương và BV Tai Mũi Họng Trung ương c đã cho sơn sửa lại trần nhà do thạch cao bị rơi ngay sau khi xảy ra vụ việc.
BV K cũng đã xử lý kỷ luật nhân viên vi phạm quy tắc ứng xử. Một số vụ việc ở BV Bạch Mai cũng được khắc phục kịp thời. Bộ Y tế đã chỉ đạo xử lý triệt để các vụ việc liên quan đến bảo vệ của BV Đa khoa Trung ương Cần thơ, BV Nhi Trung ương.
Đặc biệt, từ những ý kiến đóng góp của người dân, nhiều đơn vị đã tổ chức cải tiến quy trình khám, chữa bệnh (KCB) hợp lý hơn, đồng thời, khen thưởng nhiều nhân viên có tinh thần trách nhiệm với người bệnh, mà BS. Nguyễn Ngọc Chung ở BV huyện Vị Xuyên, Hà Giang tự tổ chức quyên góp ủng hộ 2 em bé song sinh dính nhau là một điển hình.
Có thể nói, việc ngành y tế thiết lập đường dây nóng đi liền với kiểm tra, xử lý kịp thời là biện pháp tiên quyết tạo nên sự thay đổi về phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, giúp nhân viên y tế điều chỉnh hành vi trong công tác.
Khảo sát ở 10 BV cho thấy, tỷ lệ hài lòng cao nhất thuộc về nhóm minh bạch thông tin và thủ tục hành chính (91,1%); tiếp đến là thái độ ứng xử và kỹ năng làm việc của nhân viên y tế (90,1%).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ chấn chấn các dịch vụ thuê khoán ngoài thực hiện tại các CSYT |
Mặc dù đánh giá cao những kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thẳng thẳn thừa nhận vẫn còn những “con sâu làm rầu nồi canh”. Lần đầu tiên, người đứng đầu ngành y tế mạnh dạn chỉ ra những bất cập của các dịch vụ bên ngoài tại các CSYT. Đó là người dân bị gây phiền hà trong các dịch vụ bảo vệ, dịch vụ vận chuyển như xe cứu thương, xe taxi, bãi gửi xe, giặt ủi, dịch vụ mai táng... Các ý kiến phàn nàn về bảo vệ ở các CSYT chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định sẽ tiếp tục loại bỏ khỏi ngành những nhân viên y tế làm ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy thuốc, với các biện pháp mạnh mẽ: Không thể vì một cá nhân, một hành động nhỏ mà làm mất uy tín của ngành, mất hình ảnh người thầy thuốc và làm giảm chất lượng KCB của các cơ sở y tế.
Bộ Y tế sẽ quyết liệt hơn trong rà soát, chấn chỉnh các hoạt động bảo vệ, vận chuyển, cấp cứu, bãi gửi xe... trong các CSYT và phối hợp với lực lượng Công an để đảm bảo an ANTT. Nếu các BV quản lý công khai minh bạch, đấu thầu rộng rãi, kiểm soát đúng quy trình, quản lý giá tốt, chắc chắn sẽ làm hài lòng người bệnh và nhân dân. Điều này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Giám đốc các CSYT.
Thái độ phục vụ của nhân viên y tế góp phần nâng cao chất lượng KCB |
Một biện pháp được chú ý tại hội nghị có sự tham dự của 700 điểm cầu trên cả nước là Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các dịch vụ thuê khoán ngoài thực hiện tại các CSYT trong cả nước, nhằm góp phần nâng cao chất lượng KCB.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chỉ rõ: Người đứng đầu các BV phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Bộ trưởng Bộ Y tế và trước người dân về hoạt động các dịch vụ thuê khoán ngoài đang thực hiện tại BV.