Đường dây nóng ngành y tế "nóng máy"

Thứ Tư, 11/12/2013, 12:33
Tại cuộc họp về vấn đề đường dây nóng ở Hà Nội, ngày 10/12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Sau 1 tháng triển khai, đến nay, đã có 1.469 cuộc gọi đến đường dây nóng thông qua số 0773306306.

Trung bình mỗi ngày có 50 - 60 cuộc gọi, hầu hết tập trung phản ánh về chuyên môn, thái độ, trách nhiệm của nhân viên y tế; nhân viên y tế nhận hối lộ, gian lận, sự phiền hà khi khám bảo hiểm y tế; những việc làm sai quy định của cơ sở y tế; cơ sở vật chất, nội quy của cơ sở y tế vv…

Điều đó cho thấy, đường dây nóng đã và đang là một kênh thu thập thông tin về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng của người dân; đồng thời là một công cụ rất tốt giúp cho việc quản lý, giám sát trong ngành y tế.

Ngay trong tháng đầu tiên thiết lập đường dây nóng, việc tiếp nhận và xử lý thông tin của người dân đã được Bộ Y tế xử lý khẩn trương, kịp thời. Những trường hợp phản ánh cụ thể, khẩn cấp liên quan đến sức khỏe người dân đã được chỉ đạo trực tiếp bằng điện thoại đến ngay Sở Y tế hoặc các bệnh viện (BV), cơ sở y tế, để yêu cầu xử lý.

Điển hình là trường hợp cháu Nguyễn Tấn Phát (5 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đi tiêm vaccin tại Trạm Y tế xã Lộc An, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và bị từ chối vì không có hộ khẩu thường trú. Sau khi gia đình cháu Phát gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế, Sở Y tế Long An đã tiếp nhận thông tin và chỉ đạo Trạm Y tế tiêm phòng cho cháu. Từ khi người dân thắc mắc đến khi giải quyết xong chỉ chưa đầy 2 tiếng. Một số vụ việc ở Sở Y tế Phú Thọ, Tuyên Quang cũng được Bộ Y tế xử lý kịp thời và thông tin ngay cho báo chí để phối hợp phản ánh.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho biết: Theo thống kê, đến ngày 9/12, Bộ Y tế đã yêu cầu kiểm tra và xử lý 42 trường hợp, các đơn vị đều đã có văn bản báo cáo đầy đủ về kết quả xử lý. Ở Hà Nội, các cơ sở y tế tư nhân có vi phạm đều đã bị đình chỉ. Các báo cáo giải quyết ý kiến của người dân của Sở Y tế Phú Thọ, Tuyên Quang và BVĐK Vân Đình đều đã nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, tiếp thu và sửa chữa với cá nhân vi phạm, đồng thời, cũng tiến hành chấn chỉnh chung với toàn thể nhân viên trong BV về ý thức và trách nhiệm trong giao tiếp, ứng xử cũng như công tác chuyên môn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến băn khoăn: Người dân cần phải nhận thức rằng, đường dây nóng là một cách làm để phục vụ cho quyền lợi của người dân, nhất là những người bệnh, chứ không phải là trò đùa. Bên cạnh không ít trường hợp người dân phản ánh đúng, ngành y tế cần chấn chỉnh, nhưng cũng có những trường hợp nhân viên y tế làm đúng, song người dân không hiểu nên đã phản ánh với thái độ bức xúc.

Với câu hỏi của PV Báo CAND: vấn đề quan trọng để nâng cao hiệu quả của đường dây nóng phải là công tác xử lý vi phạm, ông Nguyễn Xuân Trường khẳng định: Những nội dung phản ánh ở đường dây nóng đều đã được xem xét và xử lý nghiêm vi phạm. Để hoạt động đường dây nóng đi vào nề nếp, duy trì hiệu quả, ngành y tế đang xây dựng qui chế thi đua cụ thể với tiêu chí cho từng cá nhân và đơn vị. Với quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế và toàn ngành, chúng tôi xác định đường dây nóng là một công cụ để quản lý và theo dõi giám sát hoạt động toàn ngành, cũng để người dân phản ánh những vấn đề bức xúc, hay những gương tốt như các bác sĩ ở Thái Bình tận tình cứu chữa bệnh nhân vừa qua

Thanh Hằng
.
.
.