Các bệnh viện phải coi người đến khám bệnh như đối tượng F1

Thứ Ba, 07/04/2020, 08:06
“Ổ dịch” COVID-19 tại Bệnh viện (BV) Bạch Mai là bài học lớn cho tất cả các BV trên cả nước về công tác kiểm soát, phân luồng bệnh nhân nghi nhiễm COVID tới khám, chữa bệnh.

Vừa qua, bệnh nhân 237 tới 3 BV ở Thủ đô khám bệnh và tình cờ phát hiện dương tính COVID-19, khiến 89 nhân viên y tế phải cách ly lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những thiếu sót trong công tác khám sàng lọc, phát hiện ca bệnh nghi ngờ tại các cơ sở y tế.

Đoàn công tác của Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 do PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó Trưởng Tiểu ban dẫn đầu đã đi kiểm tra 4 bệnh viện tại Hà Nội ngay sau khi ca bệnh 237 xuất hiện. 

Tại Bệnh viện (BV) Việt Pháp, nơi bệnh nhân 237 hai lần tới khám, sau khi kiểm tra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhắc lại sự kiện năm 2003 khi dịch SARS xảy ra đối với bệnh viện. 

"Bản thân tôi năm đó đã tới thăm các bệnh nhân mắc SARS. Sau khi thăm các bệnh nhân xong tôi quay lên phòng họp cùng với các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam. Thực sự lúc đó, chúng ta chưa biết virus SARS lây như thế nào" –PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói. 

Dịch SARS đã khiến 44 điều dưỡng, bác sĩ của BV Việt Pháp lây bệnh, 6 người (trong và ngoài nước) đã tử vong. BV Việt Pháp phải khử trùng, đóng cửa gần nửa năm. PGS.TS Võ Văn Bản- Phó Tổng giám đốc BV Việt Pháp cho biết, Bệnh viện khi đó thiệt hại 4 triệu USD.

Bộ Y tế chỉ đạo siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các bệnh viện.

Từ bài học dịch SARS 2003, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị BV thực hiện nghiêm và cập nhật những văn bản, hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. 

Ông Khuê cho biết, Bộ Y tế chưa  giao nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 dương tính cho BV Việt Pháp, nhiệm vụ của BV là phân luồng, cách ly, giám sát, phát hiện sớm và chuyển bệnh nhân COVID-19. 

Để làm được điều này, với sự góp ý của các thành viên đoàn công tác, PGS.TS Lương Ngọc Khuê đề nghị BV thực hiện phân luồng ngay từ cổng; biển báo dễ nhận biết từ cổng để người có triệu chứng và người đi từ vùng dịch tễ đến đúng địa điểm. Bên cạnh đó, Phòng khám sàng lọc cách ly cần được thông khí, bố trí chỗ rửa tay; khai thác kỹ yếu tố dịch tễ ngày càng mở rộng như hiện  nay.

Kiểm tra tại BV Bưu điện, đoàn công tác đề nghị BV thực hiện nghiêm hướng dẫn tổ chức phân luồng, cách ly người nghi viêm đường hô hấp cấp tại cơ sở y tế. BV tuân thủ nghiêm trọng việc sử dụng khẩu trang y tế, găng tay và các phương tiện phòng hộ cá nhân.

BV E có 4 bác sĩ, điều dưỡng liên quan đến BN 237, tuy nhiên BV chưa bố trí khu khám sàng lọc COVID-19 ở bên ngoài tòa nhà chung, vì vậy Đoàn công tác yêu cầu BV rút kinh nghiệm và thực hiện ngay, bố trí khu khám sàng lọc ở bên ngoài, gần với khu cách ly để hạn chế di chuyển của người nghi nhiễm, phòng ngừa lây nhiễm trong bệnh viện. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng cảnh báo khi kiểm tra tại BV Phổi Trung ương: “Phòng khám tự nguyện của BV sẽ là nguồn lây nhiễm nếu các cán bộ y tế chủ quan, thiếu cảnh giác và không khai thác các yếu tố dịch tễ”.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 sáng 6-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, qua một số sự việc liên quan đến BV có các ca mắc COVID-19, Ban Chỉ đạo yêu cầu ngành y tế nâng cao hơn nữa việc phòng chống COVID-19 xâm nhập bệnh viện. 

“Chúng tôi yêu cầu các BV tăng cường từ khu vực tiếp đón cần phải có phương tiện bảo hộ, coi những người đến khám là nhiễm bệnh, đều coi như đối tượng F1 để chủ động phòng chống COVID-19, dứt khoát không để xảy ra lây nhiễm trong BV” – Phó Thủ tướng nói.

Về công tác chấn chỉnh tại các cơ sở y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Ban Chỉ đạo đã ban hành công điện khẩn ngày 6-4 yêu cầu Giám đốc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. 

Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng.

Tr.Hằng – Lê Hảo
.
.
.