Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết
- Bệnh sốt xuất huyết ở Cần Thơ… đang “hạ nhiệt”
- Dịch sốt xuất huyết giảm, nhưng số bị nặng còn nhiều
- Sẽ còn phải đối phó với nhiều dịch khác ngoài sốt xuất huyết
So với năm 2016, số người mắc SXH năm nay tăng 22,7%, trong đó, các địa phương có số ca mắc cao nhất là Hà Nội, TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương vv… Thủ đô Hà Nội giành vị trí “quán quân” về cả số người mắc và người tử vong do SXH.
Theo BS. Nguyễn Hồng Hà- BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ông đã có 40 năm làm về công tác dịch bệnh nhưng vụ dịch SXH năm 2017 nói chung và ở Hà Nội nói riêng là chưa từng xảy ra, vì số người mắc rất lớn. Chỉ riêng BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã khám và điều trị cho 29.000 lượt người cùng số nằm nội trú là 5.200 bệnh nhân, trong đó có 199 bệnh nhân bị sốc nặng và 5 người tử vong.
Nhưng điều đáng nói ở hội nghị giao ban công tác điều trị SXH do Bộ Y tế tổ chức là, các chuyên gia đã phân tích các trường hợp mắc SXH tử vong và chỉ ra, có những trường hợp được phát hiện sớm nhưng vẫn tử vong, là do công tác điều trị chưa đúng, theo dõi chưa sát sao. Nhiều cơ sở y tế, nhất là ở tuyến dưới, điều trị bệnh nhân SXH không đúng cách hoặc chẩn đoán sai, khiến bệnh càng thêm nặng, nên khi chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ cũng bất lực.
TS Đỗ Duy Cường điều trị cho bệnh nhân SXH. |
Ở nơi đã tiếp nhận, điều trị hàng nghìn bệnh nhân SXH và đã có 10 trường hợp tử vong, BS. Trương Ngọc Trung - Phó Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến của BV Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân SXH đa phần do chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng sốc SXH và suy đa tạng, bởi việc điều trị, theo dõi không đúng, phát hiện bị sốc thì đã quá muộn nên dù sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực cũng không còn tác dụng.
Theo BS. Trung, có đến 30% bệnh nhân không được chống sốc kịp thời, lựa chọn dịch truyền chống sốc không đúng, tốc độ truyền dịch sai phác đồ, không phân biệt được sốc do thất thoát huyết tương hay do quá tải dịch truyền. Ngoài ra, một số trường hợp còn chỉ định truyền máu không phù hợp, bệnh nhân bị suy hô hấp nhưng không được hỗ trợ đúng cách mà lại sử dụng thuốc lợi tiểu …
“Nhiều bệnh nhân bị cho xuất viện không hợp lý, mới ngày thứ 5 khi bệnh nhân giảm sốt đã cho xuất viện, khiến bệnh nhân phải nhập viện sang BV khác trong tình trạng đã nặng” - BS. Trương Ngọc Trung cho biết thêm.
BS. Phạm Văn Quang- Trưởng khoa Hồi sức tích cực (BV Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh) cũng cho biết, vụ dịch 2017, BV này có 13 bệnh nhi SXH tử vong. Hầu hết bệnh nhi chuyển từ tuyến dưới lên đều rất nặng do chẩn đoán sai từ đầu, hoặc nhiều BV tuyến dưới chẩn đoán đúng nhưng lại điều trị, theo dõi không đúng, càng khiến bệnh nặng thêm.
Những bài học đau xót trên đã đặt lên bàn hội nghị câu hỏi xuyên suốt: Làm gì để giảm tỷ lệ tử vong do SXH?
Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai là nơi tiếp nhận rất đông bệnh nhân mắc SXH, đều trong tình trạng nặng, lại ở phụ nữ có thai, hay người già, người bị các bệnh có sẵn như tim mạch, nhưng đã không để xảy ra trường hợp tử vong nào.
Từ thành công này, TS Đỗ Duy Cường- Trưởng Khoa đã chia sẻ kinh nghiệm: Quan trọng là phải phát hiện sớm, phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, khi xử trí sốc cần phải có sự phối hợp của các chuyên khoa cùng hỗ trợ. SXH diễn biến nhanh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, nên phải theo dõi sát sao, điều trị triệu chứng kịp thời mới giảm tử vong.
TS. Cường cũng cho rằng cần xây dựng mạng lưới SXH, phát huy vai trò điều trị tại các BV cơ sở và BV tư nhân. SXH không phải là bệnh dịch lạ mới nổi, nhưng trước tình trạng số mắc bất thường như năm 2017, phải có sự chuẩn bị tốt cho các mùa dịch sau.
Phó cục trưởng Cục Quản lý KCB Nguyễn Trọng Khoa cho biết, từ kinh nghiệm thực tế, Bộ Y tế sẽ sửa đổi một số nội dung trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh SXH với việc đặc biệt chú ý đến SXH ở người cao tuổi, người có bệnh sẵn cho phù hợp. Các BV cũng cần duy trì "Đường dây nóng chống dịch" với đơn vị tuyến cuối về điều trị SXH để có thể thường xuyên xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi chuyên môn.