Bộ Y tế khuyến cáo việc sinh con tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Thứ Ba, 06/03/2018, 17:42

Trên mạng xã hội mới đây đã xuất hiện hình ảnh và thông tin chia sẻ của một bà mẹ ở Hưng Yên kể cho biết chị ăn chay, tự sinh con tại nhà, tự đỡ đẻ và nhất là, cháu bé sơ sinh cũng không được cắt rốn và không được tiêm phòng sơ sinh. Người phụ nữ này cho đó là "thai sản thuận tự nhiên”.



Trước sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia sinh sản đã lập tức lên tiếng phản đối khi cho rằng đây là cách sinh con phản khoa học, đặc biệt là việc không cắt dây rốn cho trẻ chứa nhiều nguy hiểm cho trẻ như bị nhiễm trùng máu, vì bánh nhau thai khi ra ngoài cơ thể sẽ bị phân hủy. Việc sinh con tại nhà trước đây chỉ là do điều kiện y tế không cho phép, vì thế, các cụ có câu “người chửa cửa mả” để nói về việc sản phụ thường phải đối mặt với nhiều nguy cơ tai biến như bong huyết, mất tim thai do không theo dõi được tim thai… 

Trong khi đó, việc sinh ở nhà nếu không may có tai biến thì không thể xử lý kịp, nên luôn cận kề nguy hiểm tới tính mạng của cả mẹ và con. Ngoài ra, việc không tiêm phòng các bệnh cho trẻ sơ sinh rất nguy hiểm khi làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhất là khi trẻ không được cắn rốn.

Mặc dù chưa xác định được là bà mẹ và cháu bé sơ sinh cụ thể nào, nhưng Bộ Y tế cho rằng, nếu trường hợp này là có thật thì là một hành vi hết sức nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.

Sịnh con tại nhà không có cán bộ y tế hỗ trợ sẽ nguy hiểm

Vì thế, chiều 6-3, đại diện Bộ Y tế chính thức đưa ra khuyến cáo: Mặc dù sinh đẻ là một quá trình sinh lý bình thường, nhưng khi mang thai, sinh đẻ, người phụ nữ phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và chăm sóc mẹ và con sau đẻ đúng theo quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà, tự đẻ mà không có cán bộ y tế hỗ trợ trong quá trình chuyển dạ, sinh con và theo dõi, chăm sóc sau sinh, có thể dẫn đến những nguy cơ, tai biến trầm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, uốn ván sơ sinh, thậm chí tử vong mẹ và con…

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tăng cường công tác quản lý thai, chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh tại các địa phương, đặc biệt là tuyến cơ sở, nhằm hạn chế tối đa tình trạng đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ như trường hợp nêu trên. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế, đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của bà mẹ và em bé.                                                          


Thanh Hằng
.
.
.