Bệnh viện K: Phẫu thuật khối u cực lớn cho bệnh nhi 4 tuổi

Thứ Hai, 02/10/2017, 10:43
Sau một ca mổ vô cùng phức tạp kéo dài tới 6 tiếng, đến nay, các chỉ số xét nghiệm của cháu Bá Minh Đức (sinh năm 2014 ở xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội) đã dần trở lại bình thường. Đây là một thành công mới đáng ghi nhận của các bác sĩ Bệnh viện K trong việc xử lý khối u bất thường nặng tới 3 kg ở cháu bé mới 3 tuổi.


Khi cháu Bá Minh Đức lên 2 tuổi, bố mẹ cháu phát hiện cháu chậm biết đi nên đã đưa đi khám ở Bệnh viện Nhi trung ương. Kết quả ban đầu cho thấy cháu có khối u dây sống và được chỉ định phẫu thuật ngay để cắt bỏ khối u. 

Thế nhưng thời gian gần đây bụng bé Đức vẫn to dần và cháu thường có biểu hiện mệt mỏi, 2 chân chỉ có thể hoạt động nhẹ và mất cảm giác. Bố mẹ cháu đã đưa cháu đến nhiều bệnh viện và đều được xác định có một khối u lớn chiếm gần hết ổ bụng của cháu bé. Nhưng do cháu còn quá nhỏ, khối u lại rất to, xâm lấn rộng, nên một số cơ sơ y tế đã từ chối phẫu thuật cho cháu vì sợ cháu không đủ sức để trải qua một cuộc gây mê kéo dài.

Ngày 30-8-2017, cháu Đức được đưa đến khám tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều với chẩn đoán tiểu khung lớn chiếm toàn bộ ổ bụng. Sau khi làm các xét nghiệm, PGS.TS Nguyễn Đại Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K, Trưởng khoa Ngoại bụng II, TS. Trần Văn Công - Trưởng khoa Nội Nhi cùng nhiều bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa và đưa ra phương án cố gắng sinh thiết khối u để biết bản chất khối u với hy vọng có cơ may điều trị hoá chất. 

Khối u khổng lồ đã được bóc tách

Xác định đây là ca mổ khó, PGS.TS. Trần Văn Thuấn – Giám đốc Bệnh viện K đã trực tiếp chỉ đạo các khoa phối hợp để tiến hành phẫu thuật cho cháu bé, nhằm lấy tối đa khối u để xác định bản chất khối u cũng như giảm tối đa liều hoá chất phải điều trị cho bệnh nhi.

Kíp mổ được thực hiện với sự tham gia trực tiếp của PGS.TS Nguyễn Đại Bình, TS Trần Đức Thọ, Ths Nguyễn Ngọc Quỳnh, BS Nguyễn Văn Quỳ,  BS Vũ Văn Cường vv...  Đúng như chẩn đoán, toàn bộ khối u xuất phát từ tiểu khung lan ra khoảng sau phúc mạc với kích thước lớn, gắn kết động mạch chủ bụng, tĩnh mạch chủ bụng, bó mạch chậu 2 bên, kèm 2 niệu quản thành một khối rất khó có thể tách riêng từng thành phần. Vì thế, nguy cơ có thể tử vong ngay trên bàn mổ bất cứ lúc nào nếu không may làm tổn thương các mạch máu lớn.

Sức khỏe cháu bé đã dần ổn định

Nhưng với tay nghề cùng kinh nghiệm lâu năm trong việc mổ điều trị cho bệnh nhân ung thư, PGS. Bình đã xử lý hết sức cẩn trọng để bóc tách toàn bộ đại tràng trái, xích ma và trực tràng cao ra khỏi khối u mà không làm tổn thương cung mạch. Sau đó, bác sỹ phẫu tích các thành phần khác như niệu quản, động mạch chủ, tĩnh mạch chủ bụng, bó mạch chậu ra khỏi khối u.

Toàn bộ khối u được bóc ra khỏi bụng cháu bé  tới gần 3kg, nhưng các tạng trong ổ bụng vẫn được bảo vệ toàn vẹn. Bệnh nhi được bác sỹ dẫn lưu bàng quang ra ngoài và đưa đại tràng xích ra làm hậu môn nhân tạo, sau này sẽ đóng lại sớm.

Sau 6 giờ phẫu thuật căng thẳng giành giật sự sống cho bệnh nhân còn quá nhỏ tuổi, các bác sĩ đã thành công ngoài mong đợi. Ca phẫu thuật diễn biến thuận lợi, không có chảy máu sớm sau mổ, vết mổ khô như các bệnh nhân mổ tiêu hoá bình thường.

Tuy nhiên sau ca mổ, bệnh nhi lại diễn biến phức tạp vì khối u quá to và cuộc mổ kéo dài. Chức năng gan của cháu luôn bị biến động và tăng đột biến. Các bác sĩ đã phải theo dõi sát sao đồng thời hồi sức tích cực, cuối cùng các chỉ số xét nghiệm của bé đã dần trở lại như bình thường.

Thành công của ca phẫu thuật này chính là nhờ sự kết hợp giữa kinh nghiệm phẫu thuật, hồi sức chăm sóc bệnh nhi và đặc biệt là nghị lực của bênh nhi. Cuộc chiến với bệnh tật của Minh Đức vẫn chưa dừng lại, mà còn kéo dài trong thời gian tới. Nhưng với trình độ, tay nghề và sự quan tâm chu đáo của các bác sĩ, hi vọng bé Minh Đức sẽ tiếp tục vững vàng chiến đấu để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.


Thanh Hằng
.
.
.