Cán bộ y tế BV Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm dịch bệnh
- Thêm 8 ca mắc mới liên quan đến BV Bạch Mai, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân COVID-19 thứ 203
- “Tập trung chống dịch COVID-19 nhưng vẫn phải làm tốt các mặt công tác Công an”
- Chặn ô tô khách chở người nghi nhiễm COVID-19
- Lo ngại nguy cơ siêu lây nhiễm COVID-19 tại thủ đô Hàn Quốc
Không thể không cấp cứu bệnh nhân nặng
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 30/3, các chuyên gia nhận định, hiện tất cả các bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang được điều trị bình thường nhưng nếu Bệnh viện Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống.
Theo ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…
Lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Bệnh viện Bạch Mai cần phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa. Do đó, khái niệm cách ly toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra đề xuất, đối với một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương khác, những ca bệnh nặng, nguy kịch sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận theo quy trình cụ thể, chặt chẽ.
Chẳng hạn, các trường hợp bệnh sẽ được hội chẩn trực tuyến, trao đổi, thống nhất giữa Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương. Việc vận chuyển bệnh nhân phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch tễ. Bệnh nhân được coi như một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và được chuyển thẳng đến các khu tiếp nhận, điều trị riêng lấy ngay mẫu xét nghiệm. Nhân viên y tế phải sử dụng đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo như đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.
Bệnh viện dã chiến đã xây dựng trong khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, sẵn sàng ứng phó cho tình huống xấu nhất |
Nhân viên y tế không phải là nguồn lây nhiễm
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện 3.500 bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đều có kết quả âm tính. Như vậy, rõ ràng các nhân viên y tế, người lao động tại Bệnh viện Bạch Mai không phải là nguồn lây nhiễm.
Theo GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, tình trạng bên trong bệnh viện qua 2 ngày "nội bất xuất, ngoại bất nhập" vẫn tốt. Người bệnh được nhân viên y tế chăm sóc rất chu đáo. Người nhà bệnh nhân được Bộ Quốc phòng chuyển đi cách ly tập trung tại khu Láng- Hòa Lạc và hiện còn hơn 100 người nhà bệnh nhân chăm sóc những bệnh nhân đặc biệt như bệnh nhi, sản phụ. Tinh thần của nhân viên y tế rất tốt, toàn tâm chăm sóc cho người bệnh.
“Chúng tôi quyết tâm không chỉ chữa khỏi bệnh mà còn không để xẩy ra lây nhiễm hoặc lây nhiễm chéo trong bệnh. Tất cả bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện đều quyết tâm, đồng lòng chống dịch với tinh thần cao nhất” – GS Nguyễn Quang Tuấn nói.
Các chuyên gia tại cuộc họp cho rằng, không thể cách ly bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác. Do đó, cần khẩn trương, làm thủ tục, bố trí khu cách ly riêng coi như một phần của Bệnh viện Bạch Mai, chuẩn bị phương tiện đưa đón riêng, bảo đảm an toàn dịch tễ cho lực lượng y bác sĩ luân phiên làm công tác điều trị.
Theo đề xuất của Bộ Y tế, các nhân viên y tế bệnh viện đã xét nghiệm lần 1 âm tính, chuẩn bị xét nghiệm lần 2, vì vậy tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh.
Người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai di chuyển đến nơi cách ly tập trung |
Đảm bảo sức khoẻ cho cán bộ y tế
Tuy nhiên, nếu hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung hết trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách ly không được đảm bảo nên cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện,
Trước tình hình nhà ăn của Bệnh viện Bạch Mai đóng cửa sau khi một số nhân viên làm việc ở đây mắc COVID-19, các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai cũng như bệnh nhân đang điều trị ở đây sử dụng thức ăn do công ty xuất ăn hàng không cung cấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch kêu gọi đơn vị tình nguyện trong số các khách sạn, nhà hàng của ngành du lịch tổ chức bữa ăn nóng cho thầy thuốc và bệnh nhân của Bạch Mai.
“Lúc này các thầy thuốc cần được cung cấp những bữa ăn ngon, đủ dinh dưỡng để họ có thể tái tạo năng lượng chữa trị và chăm sóc người bệnh được tốt nhất. Lo cho thầy thuốc lúc này không chỉ là nghĩa tình, mà còn là trách nhiệm” – Phó Thủ tướng nói.
Ban Chỉ đạo Quốc gia đã thống nhất sẽ thiết lập khu nghỉ ngơi cách ly dành cho các thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai tại một khách sạn của Hà Nội. Sau ca làm việc kéo dài vài ba ngày tại bệnh viện, các thầy thuốc sẽ được xe đặc chủng đưa đến khách sạn, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động trước khi được xe đặc chủng đưa quay trở lại tiếp tục công việc trong bệnh viện. Khách sạn này sẽ tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về cách ly y tế.
Từ mô hình cung cấp suất ăn nóng và chỗ nghỉ ngơi cách ly cho thầy thuốc Bệnh viện Bạch Mai, Phó Thủ tướng mong muốn ngành du lịch nhân rộng cách làm này tới các điểm nóng chống dịch của ngành y trên toàn quốc.
Bà Đỗ Hồng Xoan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiêm Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam cho biết: “Chúng tôi luôn sẵn sàng đứng bên cạnh những chiến sĩ áo trắng trên trận tuyến chống dịch. Đó là tấm lòng của chúng tôi thể hiện sự biết ơn đối với đội ngũ thầy thuốc”.