BS Việt cứu sống bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Bỉ nhờ "hội chẩn đặc biệt"
- Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm hơn 1.200 trường hợp/tuần
- Thả muỗi Wolbachia - hy vọng mới để ngăn dịch sốt xuất huyết
- Lo ngại sốt xuất huyết bùng phát tại Hà Nội khi sinh viên nhập học
- Bộ Y tế đề nghị Bộ TN&MT phối hợp phòng chống bệnh sốt xuất huyết
- Nhiều khu vực của Hà Nội phòng chống dịch sốt xuất huyết chưa hiệu quả
Chị Nguyễn Hương Giang (công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) đưa con ra nước ngoài học tập. Đến Bỉ thì chị bị sốt cao và được đưa vào một bệnh viện để điều trị. Mặc dù chị đã thông tin cho bác sĩ khả năng chị bị SXH, vì con gái chị cũng vừa mới mắc SXH, nhất là chị đi từ Hà Nội là vùng dịch SXH nhưng bệnh viện chị nằm vẫn phải gửi mẫu xét nghiệm đi nơi khác để khẳng định và phải đợi 4 ngày sau mới có kết quả.
Bệnh của chị nặng dần với biểu hiện sốt liên tục 38,5 độ, kèm theo xuất hiện đi ngoài phân đen và nôn ra máu tươi. Lúc này xét nghiệm công thức máu cho thấy tiểu cầu chỉ còn 20.000/mm3. Sau khi truyền 2 lần tiểu cầu, mức tiểu cầu tăng lên 98.000 rồi lại tụt còn 64.000/mm3
Là bác sĩ nên chị Nguyễn Hương Giang tin là mình bị mắc SXH và mặc dù điều kiện cấp cứu, điều trị ở Bỉ rất hiện đại nhưng chị rất lo lắng về kinh nghiệm điều trị căn bệnh vùng nhiệt đới của các bác sĩ ở Bỉ, nhất là kinh nghiệm điều trị bệnh SXH có biến chứng xuất huyết nội tạng nguy kịch như chị. Vì thế, chị quyết định liên lạc với TS. Đỗ Duy Cường - một người bạn học cũ, rất có kinh nghiệm trong điều trị SXH nhiều năm qua, để được tư vấn.
TS. Đỗ Duy Cường đang khám cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết |
TS. Cường nhận định đây là trường hợp SXH nặng và đề nghị kết nối với các bác sĩ Bỉ để anh trực tiếp trao đổi. Sau đó, qua điện thoại, TS. Cường đã hội chẩn với các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân Giang.
Suốt những ngày sau đó, các đồng nghiệp ở Bỉ cập nhật tình hình bệnh nhân cho TS. Cường để trao đổi kinh nghiệm điều trị bệnh SXH. Được điều trị đúng phác đồ, bằng kinh nghiệm của một trưởng khoa giàu kinh nghiệm, chị Giang nhanh chóng hồi phục, một tuần sau được ra viện và đã khỏe mạnh, trở về nước và đi làm trở lại.
Theo TS. Đỗ Duy Cường, chị Giang đã bị nhiễm SXH khi còn ở Việt Nam khi đến Bỉ thì khởi phát bệnh, anh chia sẻ hiếm có ca SXH nào có biến chứng nôn ra máu nhiều như thế, nhưng may mắn là bệnh nhân đã qua khỏi.
Chị Nguyễn Hương Giang kể, chị từng tưởng mình không thể qua khỏi. Nhưng vào đúng lúc chị hoang mang, lo lắng nhất, chị đã được người đồng nghiệp ở Việt Nam giúp đỡ, bằng trình độ và kinh nghiệm mà anh đã từng cứu chữa cho hàng ngàn bệnh nhân SXH nhiều năm qua.
Từ trường hợp của chị Nguyễn Hương Giang, TS. Đỗ Duy Cường khuyến cáo hiện nay điều kiện đi lại dễ dàng, người dân khi đi du lịch cần cập nhật các thông tin về chăm sóc sức khỏe để có thể sớm nhận biết và báo cho bác sĩ điều trị khi cần thiết, đặc biệt là những người đi ra nước ngoài vì ở các nước châu Âu thường ít có các bệnh nhiệt đới nên kinh nghiệm điều trị của họ không nhiều.
Bác sĩ Nguyễn Hương Giang cũng chia sẻ kinh nghiệm: những người đi du lịch nước ngoài nên mua bảo hiểm để phòng khi bị ốm đau, vì điều trị ở nước ngoài chi phí thường khá cao. Đang trong vụ dịch SXH nên khi có các dấu hiệu bị của bệnh SXH như ngành y tế đã khuyến cáo, người dân cần đi khám ngay, nhất là những người đang sống hoặc đi/đến từ vùng dịch.