Đắk Lắk kiểm tra, cách ly người về từ TP Hồ Chí Minh
- Thêm 68 ca mắc COVID-19 mới, Long An và Đắk Lắk có ca liên quan đến Hội thánh
- Đắk Lắk ghi nhận thêm 1 ca dương tính COVID-19
- Đắk Lắk gỡ bỏ phong toả khu dân cư có 2 ca COVID-19
- BV Chợ Rẫy cử 4 chuyên gia đến Đắk Lắk hỗ trợ điều trị ca COVID-19 nặng
Theo đó, chốt liên ngành bao gồm các lực lượng CSGT, Quân đội, nhân viên y tế, Công an xã và thanh niên tình nguyện túc trực 24/24.
Chốt được lập trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn xã Hoà Phú, TP Buôn Ma Thuột, cửa ngõ nối liền tỉnh Đắk Lắk với Đắk Nông cũng như đi TP Hồ Chí Minh.
Chốt liên ngành này có nhiệm vụ dừng tất cả các phương tiện giao thông từ địa phương khác khi đi qua chốt để kê khai y tế, lấy thông tin cá nhân, số điện thoại liên hệ, kiểm tra thân nhiệt, kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Người dân kê khai y tế tại chốt liên ngành chiều 31/5 |
Theo ghi nhận của phóng viên tại điểm chốt liên ngành, mặc dù trước đó UBND các tỉnh Tây Nguyên đã có công văn chỉ đạo tạm dừng hoạt động các xe khách chạy tuyến cố định từ các tỉnh Tây Nguyên đến TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh và ngược lại kể từ 0h ngày 31/5, tuy nhiên sau khoảng 1 giờ đồng hồ, tại chốt này có hàng chục chuyến xe khách vẫn chở đầy hành khách chạy tuyến từ TP Hồ Chí Minh về.
Rất đông người dân từ TP Hồ Chí Minh về lại Đắk Lắk trong đêm 31/5 |
Anh Nguyễn Quốc Anh (trú tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, vào chiều qua, khi biết TP Hồ Chí Minh chính thức có lệnh giãn cách xã hội từ 0h ngày 31/5 để phòng, chống dịch nên anh cùng bạn thân lên kế hoạch đi xe về lại quê nhà.
“Là người lao động tự do, khi biết có giãn cách xã hội mình đã cùng bạn đi xe nhà về lại Đắk Lắk nghỉ ngơi vì ở trong đó cũng không có việc làm. Trước khi về, mình có khai báo y tế với chính quyền sở tại. Khi về đến đây, các cơ quan chức năng tiếp tục cho khai báo y tế. Mình thấy việc làm này rất cần thiết vì đảm bảo sức khoẻ cho bản thân cũng như gia đình, xã hội” anh Anh nói.
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, nhắc nhở người dân không tụ tập đông người trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột vào tối 31/5 |
Còn chị Nguyễn Linh An (trú tại huyện Ea H’leo) chia sẻ: “Em làm việc tại nhà hàng, nhưng hiện tại nhà hàng đã tạm ngưng hoạt động, không biết đến bao giờ mở cửa trở lại nên em tranh thủ về quê để tránh dịch luôn. Nghe mọi người nói là từ ngày mai sẽ hạn chế xe khách về quê nên em cũng lo, vì vậy tranh thủ về sớm chứ ở trong này không biết làm gì. Không biết đông người như thế này thì sẽ như thế nào...?”, chị An lo lắng.
Không chỉ anh Anh, chị An mà nhiều hành khách cũng lo ngại khi có quá nhiều người tập trung rời Sài Gòn về quê cùng lúc sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đặc biệt trên xe có vài chục người, lỡ có một người có triệu chứng sau thời gian ủ bệnh thì nhiều người sẽ nguy cơ mắc bệnh.
Ngành y tế tiến hành lấy mẫu một người dân làm xét nghiệm |
Theo một cán bộ CSGT trực tại chốt cho biết, tại đây lực lượng CSGT có nhiệm vụ thực hiện dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát; cán bộ y tế đo thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế, phun tiêu độc, khử trùng và đưa các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm COVID-19 về cơ sở y tế theo quy định để kiểm tra. Thời gian bắt đầu hoạt động của các chốt đảm bảo liên tục 24/24 giờ cho tới khi hết dịch.
Cũng trong tối 31/5, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản hoả tốc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu không tụ tập từ 10 người trở lên với các quán ăn, nhà hàng, cà phê, nước giải khát; quảng trường, khu vui chơi, giải trí nơi công cộng. Đồng thời, tỉnh cũng yêu cầu dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh ăn, uống vỉa hè. Người dân trở về hoặc đến tỉnh từ các địa bàn có dịch phức tạp như TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội (trước, trong thời gian 14 ngày kể từ ngày 31/5/2021) phải đến ngay trạm y tế gần nhất để khai báo y tế bắt buộc và được hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà 21 ngày.