Báo động tình trạng sử dụng giấy khám sức khoẻ giả

Thứ Năm, 14/01/2021, 07:20
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ xin cấp đổi giấy phép lái xe, đơn vị đã phát hiện hơn 20 trường hợp giấy khám sức khoẻ có dấu hiệu làm giả. 


Đa phần các trường hợp này đều có dấu của các cơ sở y tế, bệnh viện thuộc Hà Nội. Cùng thời gian này, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng đã triệt phá 3 vụ, 12 bị can liên quan đến đường dây làm giả giấy khám sức khoẻ.

Các cơ sở khám chữa bệnh còn có thiếu sót

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, trong quá trình tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX), Tổng cục đã nhận được một số giấy khám sức khỏe có dấu hiệu làm giả.

Cụ thể, dấu trên giấy khám sức khỏe lớn hoặc nhỏ hơn bình thường, giấy khám sức khỏe không có số, có dấu hiệu bị tẩy xóa. Có trường hợp cùng một bệnh viện, cùng tên bác sỹ nhưng có chữ kí khác nhau. Phần kết luận sức khỏe, ngày tháng khám bỏ trống. Giấy khám sức khoẻ và các giấy tờ xét nghiệm có tên và địa chỉ của bệnh viện được viết tay trong khi thông thường là in bằng máy tính…

Vụ trưởng cho biết thêm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng giấy khám sức khoẻ có dấu hiệu làm giả là do các cơ sở khám chữa bệnh còn có thiếu sót trong việc hoàn thiện các nội dung trong giấy khám sức khỏe;  do người học và đổi GPLX thiếu hiểu biết, ngại đến các cơ sở y tế để khám sức khỏe, thông qua các dịch vụ để lấy giấy khám sức khỏe; do người học đổi GPLX không đủ sức khỏe hoặc cố tình sử dụng giấy khám sức khỏe giả.

Giấy khám sức khoẻ giả bị Công an thu giữ.

Trước tình trạng này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội và một số cơ sở y tế khám chữa bệnh trên địa bàn Hà Nội như Phòng khám Đa khoa Yên Hoà, Công ty cổ phần Y tế Thanh Chân, Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải, Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện đa khoa tư nhân Tràng An, Phòng khám đa khoa Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa-Xanh Pôn; Phòng khám đa khoa Yecxanh, đề nghị phối hợp, tăng cường quản lý việc cấp giấy khám sức khỏe của người lái xe.

Theo cơ quan này, để việc cấp đổi GPLX chỉ được thực hiện cho người có đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015 của Bộ Y tế và Bộ GTVT. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Cục Quản lý khám chữa bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác quản lý, cấp giấy khám sức khỏe cho người lái xe, đảm bảo đúng quy định, sớm cập nhật vào cơ sở dữ liệu khám sức khỏe cho người lái xe để Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các sở GTVT tra cứu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị các cơ sở y tế và các bệnh viện cung cấp danh sách họ tên và chữ ký của các bác sỹ thực hiện khám sức khỏe cho người lái xe để Tổng cục Đường bộ Việt Nam có cơ sở đối chiếu các giấy khám sức khỏe có nghi vấn. “Trường hợp phát hiện giấy khám sức khỏe giả chuyển cơ quan Công an để xử lý và không cho phép học, sát hạch, cấp GPLX trong thời gian 5 năm kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm theo quy định”, ông Lương Duyên Thống nhấn mạnh.

Thông qua mạng xã hội bán giấy khám sức khoẻ giả

Chiều 12/1, Công an quận Hà Đông cho biết, chỉ trong tuần đầu tiên của năm 2021, đơn vị đã phát hiện 3 vụ, khởi tố 12 bị can liên quan đến việc làm giả giấy khám sức khoẻ, nhằm thu lợi bất chính. Cơ quan Công an đã thu giữ hơn 1.000 giấy khám sức khoẻ giả, và hai con dấu làm giả Bệnh viện Giao thông vận tải và Bệnh viện Bộ Xây dựng.

Trước đó, Công an quận Hà Đông đã phát hiện Nguyễn Quốc Việt (21 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm theo 6 giấy khám sức khoẻ khổ giấy A3 để giao cho khách mua, tại khu vực phường Quang Trung, quận Hà Đông. Việt khai, mua của Nguyễn Văn Linh (24 tuổi, quận Cầu Giấy) với giá 60.000 đồng/giấy khám sức khỏe và bán lại kiếm lời (bán 100.000 đồng/tờ).

Ngoài ra, Việt còn mua giấy chứng nhận nằm viện với giá 110.000 đồng/tờ để bán lại cho người có nhu cầu.Từ lời khai của Việt, Cảnh sát triệu tập Linh và làm rõ: Từ tháng 7/2020, do cần tiền chi tiêu, thanh niên này thông qua mạng xã hội đặt mua các loại giấy tờ giả trên.Cụ thể, Linh mua giấy khám sức khoẻ khổ A3 với giá 35.000 đồng/tờ; A4 là 12.000 đồng/tờ; giấy chứng nhận nằm viện khổ A5 giá 80.000 đồng/tờ...

Khám xét nơi ở của Linh, cơ quan Công an thu giữ nhiều giấy khám sức khoẻ giả "Công ty CP Bệnh viện Giao thông Vận tải", với đầy đủ dấu tròn, chữ ký bác sĩ chuyên khoa. Cùng thời gian này, Công an quận Hà Đông phát hiện một nhóm mua bán, làm giả giấy khám sức khoẻ do Phạm Văn Kiên và Nguyễn Đình Phi (cùng 22 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). Cảnh sát thu giữ 10 con dấu hình chữ nhật... đóng tên bác sĩ chuyên khoa cùng hàng trăm giấy khám sức khoẻ giả có dấu giáp lai.

Theo Công an quận Hà Đông, nắm được nhu cầu cần giấy khám sức khỏe của nhiều người để làm hồ sơ thi bằng lái và xin việc làm, các đối tượng đã lên mạng tải các mẫu giấy khám sức khỏe của Bệnh viện Giao thông Vận tải. Sau đó, các đối tượng đặt mua các con dấu giả giả tên bệnh viện, giả tên bác sĩ để đóng lên các giấy khám sức khỏe này. Các đối tượng trong đường dây đã phân công người lên mạng internet tìm khách hàng sau đó rao bán giấy khám sức khỏe giả với giá từ 40.000 - 180.000 đồng.

Theo cơ quan Công an, bình quân một ngày đối tượng thu lời bất chính hàng chục triệu đồng từ việc bán các loại giấy khám sức khỏe giả này.

Điều 341 Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2017 quy định Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.Như vậy, đối với người sử dụng tài liệu giả (giấy khám sức khỏe giả) để thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30 triệu - 60 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Phạm Huyền
.
.
.