Báo động tình trạng mức sinh xuống thấp
Đặc biệt, đến năm 2050, nhiều thanh niên Việt Nam sẽ “ế vợ” vì mất cân bằng giới tính đang nghiêm trọng và lan rộng. Người Việt Nam sống thọ nhưng lại không khỏe mạnh, người cao tuổi phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Hưởng ứng Ngày dân số Việt Nam 26-12, năm nay, Tháng hành động Quốc gia về dân số lấy chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững” nhằm đưa ra các giải pháp để khắc phục những tồn tại nêu trên.
Nhiều cặp vợ chồng ngại sinh con thứ hai
Là đầu tàu kinh tế, song TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương có mức sinh thấp nhất cả nước - 1,33 con. Tình trạng này diễn ra vài năm trở lại đây và nhiều cặp vợ chồng trẻ không có nhu cầu sinh con thứ hai. Theo Chi cục Dân số KHHGĐ TP Hồ Chí Minh, khi cán bộ dân số đi vận động người dân sinh đủ 2 con, nhiều cặp vợ chồng đã thẳng thắn chia sẻ, họ ngại sinh con thứ hai vì áp lực kinh tế, việc làm và nhà ở.
Có cặp vợ chồng lấy nhau đã 10 năm, nhưng do vẫn phải thuê nhà, công việc làm không ổn định nên chỉ “dừng lại một con là đủ”. Thậm chí, có những cặp vợ chồng kết hôn đã 3-4 năm vẫn chưa sinh con đầu lòng vì chưa có nhà ở, đi làm ở khu công nghiệp bấp bênh, đặc biệt là dịch COVID-19 năm nay đã khiến họ phải nghỉ việc dài ngày.
Nhiều người cao tuổi tại Việt Nam đang chịu gánh nặng bệnh tật kép. |
Tương tự, tại Hà Nội, cũng có nhiều cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh một con do chịu áp lực về kinh tế, hoặc cũng có người ngại sinh con thứ hai. Mặc dù con trai đã được 7 tuổi, song vợ chồng chị Mai Hồng Hạnh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không có ý định sinh tiếp. “Chúng tôi vẫn phải thuê nhà, chồng tôi công việc không ổn định, nếu sinh thêm con nữa thì rất khó khăn về kinh tế. Vì áp lực này nên tôi thấy một con là đủ”, chị Hạnh cho biết.
Nơi có mức sinh thấp tiếp tục có xu hướng giảm sâu và ngày càng lan rộng. Trong 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp chủ yếu là các tỉnh, thành ở phía Nam, trong đó có một số tỉnh mức sinh rất thấp như khu vực Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung. Theo ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số-KHHGĐ, Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) tâm lý của một số phụ nữ ở khu vực miền Tây Nam Bộ thích an nhàn, nên ngại sinh nhiều con. Bên cạnh đó, có người chịu áp lực về kinh tế, việc làm nên cũng ngại sinh.
Theo ông Mai Trung Sơn, các tỉnh có mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Nguyên nhân khiến mức sinh thấp do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con…
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ Nguyễn Doãn Tú cho biết, không ít quốc gia đã thành công trong việc giảm sinh nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh thấp về mức thay thế, đây chắc chắn sẽ là thách thức không nhỏ đối với nước ta nếu muốn duy trì và kéo dài thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
Người già sống thọ nhưng không khỏe mạnh
Việt Nam là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Điều này thể hiện chất lượng dân số của nước ta đã có nhiều cải thiện về nhiều mặt. Song có một thực tế đáng ghi nhận, tuy tuổi thọ trung bình của người Việt tăng, song người già lại sống không khỏe mạnh.
Tới Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chúng tôi gặp rất nhiều cảnh ngộ của người cao tuổi khi vào điều trị tại đây. Có người mắc tới 5 loại bệnh, trong đó có 3 bệnh mãn tính tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch. Ông Phạm Thế Tân (73 tuổi, ở Hà Nam) bị tăng huyết áp và đái tháo đường 10 năm nay, điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh, nhưng mấy hôm nay thời tiết chuyển lạnh, ông bị đột quỵ phải chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Lão khoa Trung ương. Người nhà của ông cho biết, bác sĩ nói ông đã xuất huyết não lần này lần thứ 3.
Theo bác sĩ Vũ Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chất lượng dân số, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp hơn so với nhiều nước, số năm phụ nữ sống có bệnh tật trung bình khoảng 11 năm và nam giới khoảng 8 năm. Có khoảng 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3%, khó khăn, thiếu thốn; chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm chỉ mới triển khai, nên trung bình người cao tuổi ở Việt Nam mắc tới 3 bệnh mãn tính.
Sau khi nghỉ hưu đáng lẽ được hưởng an nhàn tuổi già, nhưng người cao tuổi ở nước ta lại đang phải chịu gánh nặng bệnh tật kép với nhiều bệnh mãn tính, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài. Tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng mạng lưới lão khoa chưa phát triển theo nguyên tắc kết hợp dự phòng, nâng cao sức khỏe, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ…
Hiện nay, số người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 7,7% dân số, tức có 7,4 triệu người cao tuổi. Riêng nhóm dân số từ 80 tuổi trở lên đã hơn 2 triệu người. Đến năm 2050, con số này sẽ là 22,3 triệu người, chiếm 20,4% tổng dân số. Thách thức và gánh nặng bệnh tật, gánh nặng kinh tế sẽ rất lớn nếu như chúng ta không có chiến lược dân số, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, từ năm 2007, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng, tuy nhiên, ngành dân số phải đối mặt với các thách thức mới đang đặt ra.
Để góp phần thực hiện thành công chiến lược dân số Việt Nam vào năm 2030, ngành dân số cần tiếp tục mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số; có chiến lược truyền thông để đưa mức sinh thấp về mức sinh thay thế; tuyên truyền để thay đổi nhận thức “trọng nam khinh nữ”, không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như đẩy mạnh chương trình tầm soát trước sinh, sơ sinh để phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh tật, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng...
Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, theo lãnh đạo Bộ Y tế, cần sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân thay đổi nhận thức và hành vi, nâng cao chất lượng dân số trong tương lai.