Việt Nam đã đạt “điểm ngoặt” quy mô dân số già

Thứ Ba, 29/03/2016, 08:55
Chiều 28-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố Báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Hiện tượng già hóa dân số khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”.


Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, già hóa dân số là một trong những vấn đề đang được quan tâm và chú ý tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. 

Khu vực này hiện đang tập trung nhiều người cao tuổi nhất thế giới làm nảy sinh nhiều vấn đề mới cho công tác đảm bảo an sinh xã hội. Vấn đề già hóa dân số mang tính phổ biến, liên quan mật thiết tới tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia tại khu vực. Do đó đây là thời điểm thích hợp để các nước, bao gồm cả Việt Nam phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với vấn đề này.

Tại buổi công bố, ông Philip OKeefe, tác giả chính của Báo cáo “Sống lâu và thịnh vượng hơn: Hiện tượng già hóa dân số khu vực Đông Á-Thái Bình Dương” đã giới thiệu một số kết quả nghiên cứu của mình về điều kiện sống của người cao tuổi tại Việt Nam; Hệ thống chính sách liên quan về thị trường lao động, hưu trí, y tế, chăm sóc người già và chăm sóc người bệnh mạn tính... 

Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già vào năm 2015. Dự báo, số lượng người trên 65 tuổi tại Việt Nam sẽ tăng từ 6,3 triệu người hiện nay lên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm 18% dân số.

Theo nội dung báo cáo, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hiện đang có khoảng 211 triệu người cao tuổi, chiếm 36% tổng số người trên 65 tuổi của thế giới. Dự báo đến năm 2040, hiện tượng già hóa sẽ làm cho dân số trong độ tuổi lao động giảm trên 15% tại Hàn Quốc; trên 10% tại Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản... 

Tốc độ già hóa dân số nhanh trên quy mô lớn tại khu vực Đông Á đã tạo ra thách thức chính sách, tác động đến các động lực tăng trưởng, tạo ra áp lực kinh tế và tài khóa cũng như các rủi ro khác cho xã hội...

PV
.
.
.