Tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động:

Dân số già, nghỉ hưu trẻ

Thứ Tư, 27/02/2013, 14:58

Ngày trước, khi cái dạ dày luôn kẹp lép, người đời ráng đến 60 là "khụ khị" lắm rồi, thậm chí áng chừng ngũ tuần đã bị xếp vào ông lão. Nay cái bụng chẳng còn bận tâm, khoa học công nghệ làm người lao động lệch về dưỡng sức hơn đổ mồ hôi, lục tuần còn phơi phới sức xuân. Sự thay đổi ấy buộc người ta phải nghiên cứu lại về tuổi nghỉ hưu cho người lao động…

Chẳng phải 60, giờ đã "75 năm cuộc đời"

Kiến nghị của Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) về việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng người lao động thêm tối đa 5 năm, dự kiến áp dụng từ năm 2014 đang tạo tranh luận nhiều chiều. CSTC thấy rằng, tính sự thay đổi liên quan hàng triệu người và tác động tới nền hành chính, ấy là việc lớn nhưng xét trong bối cảnh phát triển thì đã đến lúc cần có sự thay đổi.

Cái thời nhạc sĩ Y Vân tiên đoán cuộc đời mình "Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời" thì con số 60 ấy cũng là tuổi thọ trung bình của người Việt (những năm 70, 80 của thế kỷ trước). Sự tiên đoán ấy không ngờ ứng nghiệm chính cuộc đời ông khi từ giã cõi đời năm tròn tuổi lục tuần. Có lẽ sự mặc định cuộc đời nghĩa là 60 năm khiến suốt thời gian dài, chính sách pháp luật về lao động của người Việt cũng được "đóng đinh" ở con số 60 (tuổi nghỉ hưu không quá 60 đối với nam và không quá 55 đối với nữ).

Cho tới năm ngoái, khi Quốc hội đưa dự thảo Bộ luật Lao động mới (thay thế Bộ luật Lao động năm 1994) ra bàn thảo, nâng tuổi hưu cả lao động nam và nữ trở thành chủ đề nóng. Có ý kiến nói thẳng, quan niệm 60 tuổi nghỉ hưu từ thời bao cấp giờ cổ lắm rồi bởi cái ngày ăn không đủ no, mặc không đủ ấm thì 60 đã nhìn như ông cụ, còn giờ điều kiện vật chất đã khá tươm tất, lao động tuổi 60 nhiều người còn trai tráng lắm! Ý kiến ấy hoàn toàn có cơ sở biện luận, bởi chẳng nói đâu xa, cứ nhìn trong số 500 đại biểu Quốc hội, nhiều người trông bộ dạng, sức khỏe và khả năng làm việc, mấy ai nghĩ họ đã lục tuần hay cập kề cái tuổi vốn bị coi là "già"!

Theo báo cáo phát triển con người 2010 của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đứng thứ 113/169 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ đạt 75. Như vậy, so với thời điểm áp dụng Bộ luật Lao động năm 1994 (quy định tuổi nghỉ hưu cao nhất 60) thì tuổi thọ bình quân của người Việt đã tăng thêm 10 tuổi (từ 65 lên 75) và nếu so giai đoạn 1980 thì đã tăng lên 15 năm.

Cùng với đó, điều kiện vật chất, văn hóa tinh thần của người Việt có bước tiến lớn. Nếu như trước 1986, khi tuổi thọ bình quân là 60 thì đa phần người lao động khi đạt tuổi này đã "hom hem", kém sút rõ rệt khả năng lao động. Nay tuổi thọ nâng thêm 15 năm thì sức khỏe và khả năng làm việc của người lao động còn cải thiện hơn con số này nhiều lần. Bởi vậy, việc mặc định 60 tuổi nghỉ hưu đối với nam, 55 với nữ như thế kỷ trước xem có vẻ như không còn phù hợp.

Một mặt, nếu thừa nhận như nhạc sĩ Y Vân, trong 60 năm cuộc đời, chia 3 phần: "20 năm đầu, sung sướng không bao lâu; 20 năm sau, sầu vương cao vời vợi; 20 năm cuối là bao" thì ngày nay, chuỗi học tập, lao động cống hiến của một đời người càng bị bó hẹp nếu giới hạn ở con số 55 và 60. Nhiều nhà khoa học miệt mài cống hiến nhưng chưa kịp nhận học hàm đã nghỉ hưu, ấy là nghịch lý.

Nhiều ý kiến ủng hộ việc nâng tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng lao động.

Thế giới quy định tuổi nghỉ hưu ra sao?

Nếu Việt Nam mở rộng tuổi nghỉ hưu cho người lao động lên 62 đến 65 tuổi có tương thích với quy định tuổi lao động (tương ứng tuổi thọ bình quân) của các nước? Nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi nhận thấy, các nước quy định tuổi nghỉ hưu với lao động trên 60 tuổi khá phổ biến.

Tại các nước phát triển (tuổi thọ bình quân thường cao từ 75 trở lên) như Úc, tuổi thọ bình quân 80, tuổi nghỉ hưu lao động hiện là 65 đối với nam, 62,5 đối với nữ (kế hoạch đến 2035, tuổi nghỉ hưu bình đẳng cả nam và nữ đều 65).

Tại Áo, tuổi nghỉ hưu lao động nam 65, nữ 60 (đến 2035 ngang bằng 65 cả nam và nữ). Một số quốc gia có tuổi nghỉ hưu giữ mức cao từ giữa thế kỷ XX tới nay như Ailen (thời kỳ 1949 là 70, nay 65 cho cả lao động nam và nữ); Ai-xơ-len giữ nguyên tuổi nghỉ hưu là 67 cho lao động nam và nữ từ 1949 đến nay. Đan Mạch hiện tuổi nghỉ hưu lao động nam là 67, nữ là 65… Tại Mỹ, tuổi nghỉ hưu bình quân 62. Tuy nhiên, một số nước phát triển, dân số già nhưng người lao động nghỉ hưu khi đủ 55 như Bồ Đào Nha. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu 63,5 đối với nam và 61 đối với nữ, dự kiến đến 2018 đều ở mức 65. Singapore áp dụng mức 62 tuổi cho cả nam và nữ, Hàn Quốc là 65, Trung Quốc 60, Lào 60. Trong khi đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia chỉ 55 tuổi cho cả hai giới…

Xu hướng nâng tuổi lao động trong khoảng 60 - 65 khá phổ biến trên thế giới, do đó, việc nâng tuổi nghỉ hưu với người lao động ở Việt Nam là xu hướng khách quan.

Áp dụng không đánh đồng

Thừa nhận việc nâng tuổi nghỉ hưu là khách quan, song không đánh đồng với mọi đối tượng lao động. Điều kiện lao động khác nhau, môi trường làm việc khác nhau thì sức khỏe và khả năng cống hiến, tâm lý của người lao động cũng khác nhau trong việc rút ngắn hay kéo dài tuổi nghỉ hưu. Đối với lao động phải sử dụng nhiều cơ bắp, nhất là khu vực độc hại, nặng nhọc, hầu hết vẫn có nhu cầu được nghỉ hưu như quy định hiện hành hoặc sớm hơn (chỉ trên dưới 50). Trong khi đó, kết quả khảo sát đối với lao động khu vực hành chính, sự nghiệp cho thấy, tâm lý muốn được kéo dài tuổi nghỉ hưu là phổ biến.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nếu tính chung ý kiến của người lao động khu vực hành chính sự nghiệp về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ  thì có tới 85,8% nam giới,  và 83,3%  nữ giới đề nghị tuổi nghỉ hưu của lao động nữ khu vực này từ 55 đến 60. Lao động khu vực hành chính, sự nghiệp chủ yếu làm việc trong văn phòng, ít bị tác động bởi môi trường, thời tiết, điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên họ có nhu cầu và điều kiện được lao động dài hơn.

Việc tăng tuổi nghỉ hưu tác động lớn đến nguồn chi trả tiền lương và bảo hiểm, về cơ cấu lao động trong bộ máy hành chính, về công tác cán bộ… Do đó, quy định tuổi nghỉ hưu đối với người lao động phải căn cứ vào điều kiện và môi trường từng nhóm đối tượng như nêu trên.

"Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động tại Việt Nam là cần thiết và phù hợp xu thế chung nhưng cần phải cân nhắc và có lộ trình vì nó tác động rất lớn đến lực lượng lao động và nền kinh tế nói chung" - ông Carlos Galian, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Có thể áp dụng từ 2014?

Điều 187, Bộ luật Lao động quy định tuổi nghỉ hưu như sau:

1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.

 3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.

Bộ luật có hiệu lực kể từ 1/5/2013. Để thực hiện việc kéo dài tuổi nghỉ hưu theo khoản 3 điều luật đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ. Theo Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội, việc lấy ý kiến còn tiếp tục để có thể ban hành Nghị định vào cuối năm 2013 và có hiệu lực thi hành từ 2014.

Phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động làm công tác quản lý (lãnh đạo), hiện còn nhiều ý kiến. Một số cho rằng, chỉ nên áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu đối với người có hệ số lãnh đạo từ 0,9 trở lên (cấp vụ, cục, giám đốc sở và tương đương trở lên). Trong khi đó, có ý kiến nêu nên quy định từ người  giữ chức vụ có hệ số lãnh đạo từ 0,7 trở lên (cấp phòng và tương đương).

Đăng Trường
.
.
.