Báo động rối loạn tâm thần do nghiện rượu

Thứ Sáu, 03/03/2017, 09:47
Từ đầu năm 2017 đến nay, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận 70 bệnh nhân nghiện rượu đến điều trị. Tình trạng rối loạn tâm thần do nghiện rượu đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hoá. Loạn thần do rượu, sảng rượu là tình trạng nhiễm độc não do nghiện rượu hoặc sử dụng rượu quá nhiều.

Theo Bác sĩ Cao Thị Xuân Thuỷ, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh Quảng Ninh, trong tháng 1-2017, đơn vị tiếp nhận 35 bệnh nhân nghiện rượu vào điều trị. Từ ngày 2 đến 13-2, Khoa tiếp nhận 28 bệnh nhân, trong đó có 18 người nghiện rượu.

Các trường hợp này đều là nam giới. Đa số các bệnh nhân vào khoa đều có điểm giống nhau như: Uống rượu nhiều trong thời gian dài; thèm rượu; mắc các bệnh liên quan (viêm tụy, dạ dày, gan, não, tim, thận, mắt, phổi); tinh thần sa sút; tri giác sai thực tại; rối loạn giấc ngủ; ảo giác.

Cơ chế gây rối loạn tâm thần do rượu là khi Methanol và Andehyt trong rượu sẽ tích lại trong máu. Nếu cơ thể không đào thải kịp sẽ ứ đọng và tác động đến hệ thần kinh trung ương, gây ngộ độc chuyển hóa, hủy hoại gan. Ngoài ra, loạn thần do rượu sẽ dẫn tới những hành vi kích động, hoang tưởng, ảo giác, gây ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và nguy hiểm cho xã hội.

Hiện, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh Quảng Ninh triển khai những giải pháp điều trị và cắt cơn cho người nghiện rượu dẫn đến loạn thần do rượu. Bệnh viện tư vấn điều trị, can thiệp hỗ trợ, liệu pháp tâm lý, tái khám. Sau 2 tuần điều trị, nhiều bệnh nhân dứt cơn nghiện rượu, sức khoẻ ổn định Tuy nhiên, sau khi về gia đình, họ tiếp tục uống rượu, gây khó khăn cho điều trị.

Theo các bác sỹ, nhân viên y tế trong Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh Quảng Ninh, các bệnh nhân điều trị chứng nghiện rượu đều có đặc điểm chung là không kiểm soát được hành động và lời nói, sức khỏe giảm sút, "già" hơn so với tuổi thực tế. Khi bác sỹ đến tiêm, điều trị, bệnh nhân chống đối quyết liệt. Do đó, các bác sỹ phải dùng nẹp để cố định tay bệnh nhân, dùng dây vải buộc vào thành giường khi tiêm, truyền thuốc.

Bác sỹ và gia đình chăm sóc bệnh nhân điều trị nghiện rượu.

Theo Bác sỹ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khoẻ tâm thần tỉnh Quảng Ninh, thời gian gần đây, số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị nghiện rượu trên địa bàn có xu hướng gia tăng theo từng năm.

Cụ thể, năm 2015, đơn vị tiếp nhận 319 người, năm 2016 tăng lên 352 người. Riêng từ tháng 1-2017 đến nay, Khoa Phục hồi chức năng đã tiếp nhận 70 người. Các bệnh nhân đều có tiền sử uống rượu từ 10 năm trở lên, có người từng uống rượu từ  25 đến 30 năm. Đáng chú ý, bệnh nhân uống rượu có tuổi đời ngày càng trẻ từ 30 đến 35 tuổi. Bệnh nhân nhập viện do bị "sảng rượu" với triệu chứng như: Lơ mơ, hoang tưởng, ảo giác, loạn thần, trầm cảm, lo âu, rối loạn cảm xúc.

Ngoài ra, họ còn mắc nhiều bệnh liên quan đến tiêu hoá, huyết áp, gan, thận, mật... Nhiều người bị loạn thần do rượu, luôn bị ảo giác, dẫn đến đánh nhau, gây ra những sự việc xô xát người thân, họ hàng, làng xóm...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thói quen uống rượu ăn sâu vào nếp nghĩ, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định, chế tài quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, mua bán và tiêu thụ bia, rượu... Do đó, lượng người sử dụng rượu, bia ngày càng tăng, ở mọi đối tượng. Điều trị nghiện rượu bia chỉ 1 đến 2 tuần là cắt cơn thế nhưng vẫn có rất ít người đi cai rượu.

Gần đây, các cơ quan, đơn vị có quy định cấm uống rượu, bia vào buổi trưa và trong giờ làm việc, CSGT tăng cường kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông sử dụng rượu, bia.

Để không tái nghiện, người nghiện cần quyết tâm đoạn tuyệt với bia, rượu. Đồng thời, gia đình kiên trì, quan tâm, giúp đỡ; cộng đồng xã hội động viên, tạo điều kiện việc làm, sinh hoạt, giải trí lành mạnh; giúp họ tránh xa và không có cơ hội tái nghiện. 

Đ.H.
.
.
.