Ngăn chặn thực phẩm bẩn: Cơ quan chức năng bất lực, người tiêu dùng lãnh đủ (bài 3)

Thứ Sáu, 08/04/2016, 08:05
“Thưa anh Phát và chị Tiến, anh chị nói rằng các Bộ phối hợp với nhau rất tốt, nhưng dân bây giờ vẫn ăn bẩn thì tốt cái gì?” - câu chất vấn của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng tại phiên họp thường kỳ Chính phủ sáng 26-3, khi vấn đề ATVSTP được đưa ra mổ xẻ.


Quản lý có chồng chéo, đầu mối do đâu? Người tiêu dùng phải làm gì?... Bức xúc trên của người dân vẫn đang phải chờ câu trả lời thỏa đáng.

Trên phối hợp nhịp nhàng, dưới vừa làm vừa kêu

Khẳng định của vị tư lệnh ngành Nông nghiệp về việc phối hợp giữa các Bộ, cụ thể là trong việc giám sát, phát hiện và chế tài hành vi bỏ chất cấm trong chăn nuôi heo... là rất “nhịp nhàng”, nhưng lắng nghe thực tế những người làm công việc quản lý trực tiếp cho thấy, họ đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh trần tình về nỗi khó khăn của ngành trong giám sát mẫu thịt heo tại chợ truyền thống và cơ sở giết mổ. Trong đó, để lấy một mẫu nước tiểu heo test nhanh đã mất 80.000 đồng/mẫu, nhưng số tiền này đều phải xin UBND mới có mà làm. Nếu test nhanh dương tính sẽ phải chuyển qua Trung tâm Sắc kí Hải Đăng (TP Hồ Chí Minh) để làm tiếp định lượng lấy cơ sở xử lý. Dương tính thì chủ lô heo hàng phải chịu chi phí định lượng, định tính và tiêu huỷ nếu vượt ngưỡng cho phép, nhưng nếu âm tính là Nhà nước phải chịu chi phí này. 

Thông tư 01 và 57 qui định khi cán bộ thú y xuống cơ sở giết mổ nếu trong 100 con heo sẽ lấy 5 mẫu, trên 100 con lấy tối thiểu là 7 mẫu. Do đó đơn cử một cơ sở giết mổ 5.000 con heo/đêm thì số mẫu lấy nhân với số tiền phí xét nghiệm là không nhỏ. Tại các chợ tìm chất cấm ra sao? 

Qua cảm quan của cán bộ thú y, nếu nghi ngờ thịt nhiễm chất cấm sẽ lấy mẫu đi kiểm nghiệm, mất 4 ngày tối thiểu mới có kết quả. Tuy nhiên không thể giữ mãi các lóc thịt heo của tiểu thương, phải cho họ bán, nếu không sẽ hư hỏng, phải đền cho chủ hàng. Nhưng sau đó nếu mẫu xét nghiệm có kết quả là dương tính thì thịt heo đã vào… dạ dày người dân mất rồi! Trường hợp kiên quyết giữ lô hàng, nếu kết quả chất tạo nạc không vượt ngưỡng cho phép thì lô heo đó mình đền làm sao? 

Lấy mẫu thực phẩm kiểm nghiệm tìm độc tố vi khuẩn, truy xuất tìm nguồn gốc thực phẩm, cán bộ y tế đã rành rẽ, nhưng cán bộ Công thương thì hoàn toàn “trắng” kinh nghiệm.

Chưa kể, khi giữ lô heo sống của chủ hàng, cán bộ thú y phải tổ chức chuồng, trại để giữ “tang vật”, cho heo ăn hàng ngày, giữ không để heo chết. Ngoài ra, theo ông Phát, thông tư mới qui định, “miếng thịt” heo làm xét nghiệm trả lời cho kết quả là 5pbb (chất tạo nạc) mới “xử” được. Trước đó chỉ có 2 pbb là xử lý rồi.

Chia sẻ thêm về vấn đề khó phối hợp giữa các ban, ngành chức năng trong quản lý ATTP, ông Nguyễn Thành Danh, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Bình Dương khẳng định: Quản lý ATTP hiện nay tồn tại nhiều vấn đề. 

Trong đó, cái khó gỡ là tình trạng pháp luật còn chồng chéo, chậm sửa đổi, trong khi, một cái bánh được sản xuất ra, được quản lý bởi 3 Bộ: Bộ Y tế, Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT. Khi “đụng chuyện”, xảy ra khiếu nại về chất lượng bánh chẳng hạn, thì Sở Công thương có thể lấy cớ “bánh này tôi đâu có quản lý đâu mà phải báo cáo”, do đó, theo ông Danh, việc phân cấp quản lý ATTP hiện nay đã tạo ra sự lỏng lẻo, đùn đẩy trách nhiệm khi xảy ra các sự cố và không chặt chẽ so với Luật ATTP trước đây.

Trong phân cấp công tác giữa ban, ngành của ta cũng không rõ ràng! Ông Danh thẳng thắn: Trong giám sát ATTP, cán bộ ngành Y tế đã quen, có kinh nghiệm, còn cán bộ ngành Công thương kiểm soát ATTP hiện vẫn như trong “đêm tối”. Học 3 tháng về kiểm soát ATTP, trình độ tương đương như nhau. Nhưng nếu giao một quản lý ATTP cho cán bộ Công thương thì ông khẳng định là không làm nổi. Vì cán bộ ngành này chưa hề được tập huấn về ATTP. 

“Hiện Công thương là đơn vị yếu nhất về trình độ chuyên môn quản lý ATTP”, ông Danh khẳng định.

Không dễ là người tiêu dùng thông thái

Theo bà Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATTP TP Hồ Chí Minh, người dân mua TP ở chợ truyền thống vì quen, thân, người bán có khi tử tế thì thông báo hàng không ngon, đừng lấy, nhưng không quen thì cứ “ấn”, ép bán cho hết. 

Siêu thị có khi kiểm được an toàn, nhưng có loại TP mà qui trình kiểm soát từ khi nhập vào không kiểm được, và “lọt” sổ, TP độc hại vào dạ dày người dân. Còn chuyện nữa đang phổ biến là do mất niềm tin, mua trong siêu thị mà còn vớ phải thực phẩm mất an toàn, nên hình thành đi mua rau vườn, thịt tại nhà nông, nhà nhà tự nuôi gà, heo để ăn. Sản phẩm tự sản, tự tiêu cho an toàn.

Chia sẻ về công tác bảo vệ NTD trước cơn bão thực phẩm bẩn, ông Danh cũng cho rằng, ai cũng mong muốn Hội BVNTD là tiếng nói bảo vệ quyền lợi, sức khoẻ cho người dân. Nhưng thử hỏi không có kinh phí sẽ thực hiện công tác ra sao? Có khi nhận được quá nhiều đơn khiếu nại, phản ánh từ NTD mà không có người đi giải quyết. 

Ông cũng nhất trí với Hội là người làm cầu nối, tác động để lấy mẫu, thử nghiệm và đánh động cơ quan chức năng khi phát hiện TP nhiễm chất cấm, TP bẩn, nhưng cần nắm vững chuyên môn, theo qui định chỉ riêng việc lấy mẫu TP kiểm nghiệm, cán bộ tham gia phải được tập huấn 12 ngày, tránh việc kết quả anh đưa ra thua lý của chủ cơ sở. Do đó, Hội cần gắn kết với các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Chi cục ATTP, QLTT địa phương để làm việc hiệu quả

Người dân không phải và cũng không thể ai cũng là một cán bộ ATVSTP, không lẽ mỗi người ra chợ đều phải trang bị dụng cụ test nhanh. Không thể trách người dân không biết tìm đến thực phẩm sạch bởi không ai có thể chắc chắn thực phẩm này không bẩn. 

Gần đây rộ lên phong trào ở các thành phố là dân tự trồng rau trên sân thượng, hoặc nhờ bà con ở quê nuôi trồng giúp và về lấy hàng tuần. Đây cũng là cách người dân tự bảo vệ mình và gia đình. Phong trào càng lên mạnh càng chứng tỏ TP trên thị trường vẫn chưa sạch. Và cũng phần nào là biểu hiện thất bại của cơ quan chức năng khi chưa thực sự đảm bảo an toàn cho người dân. Hệ lụy sẽ là chúng ta đang trở lại thời kỳ kinh tế tự cung tự cấp, tự sản, tự tiêu.

Tại phiên họp Chính phủ tháng 3 vừa rồi, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Tôi rất bức xúc chuyện này. Vừa rồi tôi xuống họp với Hà Nội, ra chợ kiểm tra, dân không biết TP nào bẩn, TP nào sạch. Dân muốn là NTD thông thái cũng khó…”. 
Huyền Nga
.
.
.