Bài 2: Nhận diện “thuốc độc” trên mâm cơm

Thứ Năm, 07/04/2016, 10:39
Salbutamol, hoá chất phẩm màu công nghiệp, cám gà trộn thuốc kháng sinh, tiêm thuốc tâm thần cho heo, trộn tinopal tẩy trắng bún, gà có phẩm màu hoá chất vàng O… Người tiêu dùng bị “bủa vây” bởi thực phẩm bẩn, nhiễm chất cấm tràn lan. Thị trường thực phẩm bẩn đang hoành hành thực sự gây nỗi bất an cho cả cộng đồng.


Chất tạo nạc Salbutamol – mua 6 tấn, chỉ có 10kg được dùng đúng mục đích?

“Nóng nhất hiện nay là làm thế nào kiểm soát được thực phẩm bị nhiễm chất cấm, cụ thể ở đây là chất tạo nạc Salbutamol bị trộn vào thức ăn gia súc (TAGS) để làm tăng trọng heo. Đó chính là hành vi gây hại cho đồng loại phải xử lý nghiêm”, ông Đỗ Ngọc Chính, Trưởng VP Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) mở lời với chúng tôi.

Theo ông Chính, vào năm 2011, Vinastas đã tiến hành khảo sát các chất Beta-agonist trong thức ăn chăn nuôi heo, gà ở TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là tại “thủ phủ” Đồng Nai, nơi cung ứng thịt heo cho các tỉnh miền Đông và TP Hồ Chí Minh. Khi ấy, phát hiện số mẫu nhiễm là khoảng 10% đã báo động lắm rồi!

Sau đó, Vinastas lại khảo sát lần nữa cùng Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn về tiêu dùng (CESCON) trong thịt heo tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 7-2011, kết quả thử nghiệm của cả 2 đợt cho thấy số mẫu phát hiện có tồn dư Beta-agonist: 10/30 mẫu (trên các mẫu thịt heo mua ở thị trường, ở siêu thị, chợ, cửa hàng chuyên bán thịt heo), thì “tá hoả” vì phát hiện số mẫu nhiễm chiếm tới 33%. Kết quả gửi tới cơ quan chức năng Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT... Lúc này dư luận xã hội đã rục rịch lo lắng.

Cán bộ Thú y lấy mẫu nước tiểu một lô heo nghi ngờ được ăn thuốc tăng trọng.

Cũng theo ông Chính, Beta-agonist là nhóm thuốc dùng để khai thông đường thở bằng cách làm dãn cơ bao quanh đường thở. Nhưng con người khi ăn, dùng chất này trong thời gian dài sẽ gây nên tác dụng phụ là kích động, gây co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu. Trên thế giới đã cấm triệt để dùng chất này trong TAGS.

Tại cuộc họp về “Chất cấm trong chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” tổ chức ở TP Hồ Chí Minh ngày 23-3, Cục C49 - Bộ Công an, cũng cho biết trong năm 2014-2015, đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg Salbutamol trong đó có khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của doanh nghiệp, trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng mục đích quy định (điều trị hen suyễn). Tuy nhiên, việc có hay không một lượng 6 tấn Salbutamol đang bị trôi nổi ngoài thị trường còn vẫn là vấn đề tranh cãi giữa 2 Bộ. 

Trong đó vấn đề quy trách nhiệm là nguyên nhân khiến 2 Bộ này đưa ra nhiều lý do. Song theo ông Chính, sự phối hợp lỏng lẻo giữa hai Bộ là lý do khiến dù đã được Vinastas cảnh báo từ cách đây 5 năm nhưng hàng chục triệu người dân Việt Nam vẫn ăn phải thịt heo có chất cấm.

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 31-3, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh cho hay, trong năm 2015, Chi cục đã thành lập 3 đoàn thanh tra kiểm tra định kì và 1 đoàn thanh, kiểm tra đột xuất hành vi sử dụng chất cấm trên gia súc tại các cơ sở giết mổ để xử lý, rồi tổ chức hơn 60 lượt kiểm tra tại 20 cơ sở giết mổ, xét nghiệm trên 913 mẫu nước tiểu (của 235 lô heo đưa về thành phố giết mổ), qua đó phát hiện 33/235 lô heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (chiếm tỉ lệ 14,04%). 

Riêng trong 2 tháng đầu năm 2016, Chi cục đã kiểm tra trên 451 lô heo từ các tỉnh đưa về thành phố, lấy 970 mẫu xét nghiệm, vẫn phát hiện 37 lô heo (1.696 con) dương tính với chất cấm Salbutamol.

Chất vàng O và tinopal - sát thủ lặng thầm

Chất tinopal là chất làm từ nhiều hợp chất hóa học tổng hợp, còn được gọi là chất làm sáng quang học (optical brightener) được thêm vào chất tẩy giặt một lượng rất nhỏ với mục đích làm sản phẩm được giặt trông thấy trắng và sáng hơn. Tinopal khi vào cơ thể gây hư hại đường tiêu hóa, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày. Đặc biệt có thể làm tổn thương những mao mạch, ăn lâu dài sẽ gây suy gan, thận, cơ thể mệt mỏi và cả bệnh ung thư.

Nếu như Salbutamol chuyên trị hen suyễn hay chất tẩy trắng tinopal chưa đủ làm người ta sợ hãi thì chất vàng O sẽ làm được điều này. Vàng O (Auramine O) là tên thương mại của chất diarylmethane. Đây chất bột tinh thể hình kim, màu vàng, có nhân vòng phenol, dễ tan trong nước và cồn. 

Công thức hóa học là C17 H21 N3. Là chất màu tổng hợp, chỉ được sử dụng trong công nghiệp để nhuộm sản phẩm như vải, giấy, gỗ… và dùng để làm màu sơn quét tường. 

Khi vào cơ thể người, vàng O gây kích ứng dữ dội đường hô hấp sẽ gây sặc, lên cơn viêm phế quản, viêm phổi, gây đau bụng, nôn ói, đau rát cổ, tiêu chảy; nếu để tiếp xúc da sẽ gây ngứa, bong tróc, viêm loét da. Chất vàng O tác động vào cơ thể động vật gây ung thư cho chuột cống và chuột nhắt, làm tổn thương axít nhân DNA của nhiều dòng tế bào, đặc biệt là tế bào gan, thận và tủy xương.

Năm 2015, nhiều vụ dùng chất vàng - O này để nhuộm màu thực phẩm được phát hiện, đặc biệt là để “mông má” thịt gà. Sự vụ chưa kịp lắng xuống thì gần đây lại nổi cộm lên việc hàng tấn măng tươi được tẩy trắng rồi nhuộm vàng bằng chất vàng O độc hại. 

Sản phẩm này khi được thu giữ tại một cơ sở ngâm măng ở quận 12, TP Hồ Chí Minh, trên vỏ bao bì có in rõ dòng cảnh báo: “Chỉ dùng trong công nghiệp không được dùng làm phụ gia thực phẩm” đủ để thấy độ nguy hiểm của nó với con người. 

Thông tin cảnh báo dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng ngay trong những ngày đầu tháng tư này, 7/9 mẫu măng tươi của Đà Nẵng gửi vào Trung tâm Phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh để kiểm tra chất cấm Vàng O đã xác định dương tính.

Còn rất nhiều loại hóa chất trong công nghiệp đang được dùng trong thực phẩm lưu hành trên thị trường và đang len lỏi vào từng bữa ăn của người dân mà giới hạn bài viết không thể đưa ra hết. Điều đáng lo ngại là hành vi vô cảm này không hề diễn ra lén lút bởi có hẳn khu chợ công khai nhức nhối như chợ Kim Biên, quận 5, TP Hồ Chí Minh, chuyên bán hóa chất để phục vụ những đối tượng kinh doanh không đếm xỉa tới đồng loại.

Theo phân tích của ông Chính, Salbutamol được sử dụng vào thời điểm heo ở tháng cuối chuẩn bị xuất chuồng, đây là thời điểm đạt trọng lượng tối ưu nên tốc độ tạo mỡ nhanh, tiêu tốn thức ăn nhiều. Ở giai đoạn kích nạc này mỗi ngày một con heo tiêu thụ hết 3,3kg thức ăn. Như vậy, trong tháng tăng trọng này, 1 con heo sử dụng hết khoảng 100kg cám có trộn chất cấm. Trong khi đó, mỗi kilogam Salbutamol nguyên chất thường được pha với 100 tấn thức ăn chăn nuôi. Như vậy, nếu với 6 tấn chất cấm đang trôi nổi ngoài thị trường sẽ có khoảng 600.000 tấn thức ăn cho heo có chứa chất cấm; mỗi con heo đang trong giai đoạn cần được “ăn thuốc” tạo nạc sử dụng 100kg cám như đã nói ở trên, lượng thức ăn này đủ để tạo nạc cho 6 triệu con heo, chiếm khoảng 20% tổng đàn heo của Việt Nam (28 triệu con).
Huyền Nga
.
.
.