2.425 người được cải tử hoàn sinh: Chuyện bây giờ mới kể

Thứ Ba, 22/08/2017, 07:04
25 năm trước, khi tiến hành ca ghép thận đầu tiên tại Bệnh viện 103, các giáo sư ngoại khoa hàng đầu của Việt Nam chắc không hình dung được, chỉ 2 thập kỷ sau, việc ghép tạng đã trở thành thường quy ở nhiều bệnh viện.


Chẳng những thế, các chuyên gia ghép tạng ngày nay còn ghép đa tạng thành công sau hành trình vận chuyển tạng gần 2.000km từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội và hiện chuẩn bị cho ca ghép phổi đầu tiên cho người lớn vào cuối năm 2017 cùng với nuôi khát vọng ghép đầu người … Các giáo sư ngày ấy cũng không thể tin rằng, có hàng nghìn người Việt Nam tự nguyện hiến tạng cho người khác, cả khi còn sống và sau khi qua đời.

Sự hồi sinh kỳ diệu

Ngày ông NVX (Hải Phòng) - bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam được ghép tim ra viện (năm 2010), tôi đã có mặt để chứng kiến nụ cười hạnh phúc và sự chia tay bịn rịn của cả 2 vợ chồng ông với các bác sĩ sau khi được PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Khoa Tim mạch  -Lồng ngực (Bệnh viện Việt-Đức) và các cộng sự “tái sinh”. 

Từ một người bị suy tim giai đoạn cuối, sức khỏe yếu đến mức thở còn khó khăn, thế mà suốt một năm sau khi được ghép tim, ông X khỏe mạnh và đều đặn tự đi xe máy từ Hải Phòng lên Hà Nội để tái khám định kỳ.

Mới đây, 2 bệnh nhân của ca ghép đa tạng xuyên Việt đầu tiên cũng trở lại Bệnh viện Việt- Đức thăm PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, GS.TS Trịnh Hồng Sơn, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - những chuyên gia đầu ngành ghép tạng đã “cải tử hoàn sinh” cho họ trong ca ghép đa tạng đầy kỳ tích vào ngày 5-9-2015, với sự tham gia của hơn 100 chuyên gia BV Việt-Đức và BV Chợ Rẫy để lấy và vận chuyển tạng trên hành trình xuyên Việt.

Nhìn 2 người tươi cười, khỏe mạnh, không ai có thể nghĩ rằng, khi tiến hành các ca ghép, họ đều đã ở tình trạng “thập tử nhất sinh”. Anh Trần Ngọc H. bị suy tim giai đoạn cuối do giãn cơ tim, thời gian sống chỉ tính bằng ngày tháng, còn anh Nguyễn Văn H. bị xơ gan giai đoạn cuối đã được điều trị nhiều biện pháp nhưng không hiệu quả.

Các ca ghép đa tạng xuyên Việt đầu tiên ra viện.

Anh Trần Ngọc H. cười rất tươi, hồ hởi: "Nhìn em, các anh chị có nghĩ em là người đã được ghép tim không? Sức khỏe của em đã trở lại bình thường đến mức chẳng ai nghĩ em đã phải thay tim và hiện mang trong ngực trái tim của một người nhân đức…".

Còn anh Nguyễn Văn H. cũng chia sẻ: "Sau ca ghép, 2 năm qua sức khỏe tôi ổn định hơn nhiều. Mỗi sáng thức dậy, biết mình vẫn được sống khỏe mạnh, tôi luôn nghĩ đến những người đã cho mình cuộc sống hôm nay. Tôi nghĩ về người cho tôi lá gan, về gia đình họ và luôn biết ơn các bác sĩ đã thực hiện ca ghép. Đến giờ, điều tôi mong mỏi vẫn là được một lần đến bên bàn thờ người đã khuất, được cảm tạ người thân của cậu ấy!".

Họ là những người may mắn trong số 2.425 bệnh nhân được ghép tạng trong 25 năm qua  - một con số cho thấy tốc độ phát triển vượt bậc của ngành ghép tạng Việt Nam. Theo Ths Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia), trong 20 năm đầu (1992-2012) cả nước chỉ ghép được 934 ca tạng các loại, trong đó chủ yếu là ghép thận, chiếm 900/934 ca, còn lại là ghép tủy và ghép gan. 

Tất cả các ca ghép này đều lấy thận, gan của người sống là người thân trong gia đình có cùng huyết thống, không có trường hợp người ngoài huyết thống.  Khi đó, cũng chưa có một trường hợp nào đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não và số cơ sở ghép tạng mới dừng ở con số 13.

5 năm “thần tốc” của ngành ghép tạng

Sự ra đời của Luật Hiến tạng cùng với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia được thành lập là một bước ngoặt của ngành ghép tạng Việt Nam. Chỉ sau 5 năm, đã có thêm gần 1.500 người được ghép tạng, cao gần gấp đôi số ca ghép trong 20 năm đầu tiên. 

Đặc biệt, trung tâm làm rất tốt công tác vận động hiến tạng, nên từ chỗ danh sách đăng ký hiến mô tạng sau khi chết còn trắng, nay đã có 8.520 trường hợp với số cơ sở ghép tạng tăng lên 18. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết vào ngày 13-8-2013 và là chính khách đầu tiên của Việt Nam làm việc này.

Tôi còn nhớ trong cuộc họp báo sau thành công của ca ghép đa tạng xuyên Việt đầu tiên vào tháng 9-2015, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Phó Giám đốc BV Việt-Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, đã mang một tập giấy đăng ký hiến tạng để… phát cho các nhà báo. Phản ứng của mọi người khi ấy là im lặng và… sợ hãi, dù rất nể GS Sơn. Dĩ nhiên, không một ai đăng ký hôm đó. 

Nhưng rồi, thành công của các ca ghép như “mưa dầm thấm lâu” với chính các nhà báo, để rồi, họ không chỉ hợp tác tích cực trong tuyên truyền vận động hiến mô, tạng, mà còn tham gia đăng ký hiến tạng. Đến nay, đã có hơn 40 nhà báo đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết–một bước chuyển rất lớn trong công tác vận động hiến tạng. 

Đặc biệt, 82 nhà sư, tu sĩ đã đăng ký hiến mô, tạng khi còn sống và sau khi chết, cùng rất nhiều chương trình truyền thông vận động hiến tặng mô tạng cho tăng ni, phật tử và giáo dân ở các địa phương, là những ghi nhận sự đóng góp của Phật giáo và Công giáo trong lĩnh vực ghép tạng.

PGS.TS Trịnh Hồng Sơn kể, sau ca ghép đa tạng xuyên Việt thành công, có 2 nhà sư tiếp tục đăng ký hiến thận, dù trước đó đã đăng ký hiến gan. Một nhà sư khác còn đăng ký hiến cả thận và giác mạc khi đang sống, tuy nhiên, việc hiến giác mạc lúc sống không được phép. Nhiều bà con giáo dân ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã tình nguyện hiến giác mạc, trong đó, có cụ già 90 tuổi. Một gia đình giáo dân khác đã hiến giác mạc của đứa con 5 tuổi không may qua đời. Nhiều gia đình 5 người cùng đăng ký hiến tạng…

 Số người hiến tạng mô đến với Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia càng nhiều, càng mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhân cần ghép tạng ở Việt Nam. Bởi nhu cầu ghép tạng ở nước ta rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Cả nước có khoảng 6.000 người suy thận cần được ghép, 300.000 người bị mù lòa cần ghép giác mạc... Riêng ở một số BV ở Hà Nội đã có 1.353 người được chỉ định ghép gan.

Dù số người đăng ký hiến tạng đã tăng nhưng số ca ghép vẫn còn rất số nhỏ so với nhu cầu thực tế. Nhiều người có nhu cầu ghép vẫn tử vong vì không có tạng hiến. Quan niệm sau khi chết nếu thiếu đi bộ phận nào trên cơ thể thì sang “thế giới bên kia” cũng sẽ bị khiếm khuyết bộ phận đó trên cơ thể khiến cho việc vận động hiến tạng sau khi chết còn nhiều khó khăn. Vì thế mỗi năm, cả nước có khoảng 10.000 người bị tử vong do tai nạn giao thông, có thể là nguồn tạng để cứu sống nhiều người.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, chuyên gia ghép tạng hàng đầu Việt Nam, mỗi năm BV Việt-Đức có khoảng 1.000 người chết não. “Nếu chỉ 1/10 số người chết não hiến tạng, thì đã có hàng ngàn người được cứu sống. Vì một người chết não có thể cứu được nhiều người từ tim, gan, thận, giác mạc, gân, xương v.v… của họ”. Ca ghép đa tạng xuyên Việt ở Bệnh viện Việt-Đức cho 4 người năm 2015 và ca ghép 6 tạng thành công của Bệnh viện 103 năm 2016 đã cho thấy điều đó.

Điều này rất đáng tiếc vì nếu có nguồn tạng hiến, ngành ghép tạng Việt Nam hẳn sẽ còn tiến xa hơn nữa trong việc cứu sống người bệnh, mà thành công mới nhất của Bệnh viện 103 trong việc ghép phổi cho một bệnh nhi đã cho thấy. Từ cơ sở ghép tạng thành công đầu tiên là BV 103, đến nay, đã có 18 đơn vị ghép tạng, có cả bệnh viện của ngành và cấp tỉnh, thành như Bệnh viện 19-8  – Bộ Công an, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ v.v… 

GS.TS Phạm Gia Khánh-Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam khẳng định: Sau 25 năm ghép tạng, đến nay ghép tạng Việt Nam đã theo kịp thế giới, thực hiện được hầu hết các kỹ thuật về ghép tạng mà thế giới đang thực hiện.

Khát vọng ghép tạng mà Giáo sư Tôn Thất Tùng nhen lên từ năm 1965  đã được các học trò của ông xuất sắc biến thành hiện thực, mang lại cuộc sống cho hàng nghìn bệnh nhân và thắp sáng hy vọng cho hàng vạn người đang bị bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Bệnh viện Việt-Đức cũng trở thành một trung tâm ghép tạng hàng đầu, xứng với tên tuổi trong lịch sử…

Năm 1965, Giáo sư Tôn Thất Tùng nghiên cứu ghép gan thực nghiệm tại Bệnh viện Việt-Đức. Năm 1971, Giáo sư Lê Thế Trung ghép thận thực nghiệm tại Học viện Quân y. Ca ghép tạng trên người đầu tiên của Việt Nam thực hiện vào tháng 6-1992 với ca ghép thận, ghép gan tháng 1-2004 và ghép tim tháng 6-2010 .
Thanh Hằng

.
.
.