Nghịch lý ghép tạng ở Việt Nam: Đa số từ người cho sống

Thứ Hai, 24/10/2016, 19:57
Việt Nam có 16 Trung tâm ghép tạng trên cả nước và đã thực hiện được hơn 1.000 ca ghép thành công. Trong khi đó, vẫn có hàng trăm nghìn người suy tạng cần được ghép tạng mới có cơ hội sống. Đã có rất nhiều người qua đời khi không chờ đợi được ghép tạng.


Tại hội thảo về điều phối ghép tạng do Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (gọi tắt là Trung tâm điều phối ghép tạng) tổ chức tại Hà Nội ngày 24-10, GT.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng cho biết thêm: Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 10.000 người chết vì tai nạn giao thông, trong đó, một tỉ lệ không nhỏ là người chết não, nên tạng của họ có thể cứu sống rất nhiều người khác. 

GT.TS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng thông tin về tình hình ghép tạng ở Việt Nam

Nhưng đến nay, việc ghép tạng ở Việt Nam vẫn chủ yếu từ người cho sống, chứ rất ít được ghép từ người chết não. Đây là điều nghịch lý so với ở nước ngoài, khi hầu hết các ca ghép tạng đều từ người chết não.

Chuyên gia ghép tạng người Mỹ lừng danh thế giới, GS.TS. Alan N.Langnas, đến Việt Nam theo lời mời của Bộ Y tế, đã chia sẻ: Tôi thấy số bệnh nhân bị thận giai đoạn cuối và các bệnh lý về gan ở Việt Nam rất cao, nhưng số người chết não hiến tạng lại rất ít. Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 10.000 người được ghép tạng, đều là từ người chết não. Nhưng vẫn có khoảng 120.000 người trong danh sách chờ ghép.

Chuyên gia ghép tạng lừng danh thế giới, GS.TS. Alan N.Langnas, chia sẻ kinh nghiệm trong hiến và ghép tạng

GS.TS. Alan N.Langnas cũng chia sẻ kinh nghiệm để việc hiến tạng không gặp nhiều khó khăn: Khi có người cho chết não phải có sự đồng ý của họ khi còn sống hoặc của gia đình họ. 

Tuy nhiên, ở Mỹ, thông tin của người đăng ký hiến tạng sẽ được tích hợp vào bằng lái xe và khi chẳng may bị chết não, bác sĩ có quyền lấy tạng theo nội dung đã đăng ký mà không phụ thuộc và nguyện vọng của gia đình. Áp dụng qui định này vào sẽ tránh được khó khăn có thể xảy ra do gia đình người tử nạn có người đồng ý, có người không vào lúc gia đình có người tử nạn.

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng cho biết quan niệm sai lầm là rào cản của việc hiến tạng 

Theo GS.TS. Alan N.Langnas, việc ghép tạng được Chính phủ Mỹ kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên giám sát chất lượng. Bất kỳ ai hiến thận khi còn sống đều bắt buộc phải có luật sư riêng bảo vệ, để người hiến tạng trao đổi mọi lo lắng, khó khăn.

Ghép tạng tại BV Việt Đức 

Ths. Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng cũng chia sẻ: Việc hiến tặng mô tạng ở Việt Nam có hệ thống pháp luật khá chặt chẽ, song vẫn còn nhiều rào cản trong việc hiến tặng mô tạng của người chết não là do quan niệm mang tính tâm linh là “chết toàn thây”, dù trên thực tế, hầu hết các tôn giáo đều ủng hộ việc hiến tạng cứu người. 

Tiễn 2 bệnh nhân trong ca ghép đa tạng xuyên Việt ra viện 

Với sự vào cuộc của truyền thông, đặc biệt là sự thành công của hàng loạt ca ghép tạng những năm gần đây, như các ca ghép đa tạng xuyên Việt đã gây tiếng vang lớn trong lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam và thế giới, nhận thức về việc hiến tạng đã có sự thay đổi. 

“Hàng ngày, hàng giờ đang có rất nhiều người bệnh chờ đợi được ghép mô, tạng để được cứu sống. Đăng ký hiến và hiến tặng mô, tạng hôm nay là trao tặng cơ hội mang lại sự sống cho hàng ngàn người bệnh. Đừng bao giờ nghĩ mình không đủ sức khỏe hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não.” - Ths. Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh.

Thanh Hằng
.
.
.