Ghép tạng cho những người "ở trọ trần gian"

Thứ Bảy, 03/10/2015, 09:28
Ở “xóm chạy thận” bên đường Lê Thanh Nghị, ngay gần BV Bạch Mai, có hàng nghìn người sống lay lắt vì bệnh thận. Họ có điểm chung là bệnh nặng và nghèo. Người bệnh biết rõ rằng, cuộc sống của họ mong manh như “ở trọ trần gian”...

Theo Bộ Y tế, cả nước có khoảng hơn 100.000 ca suy thận, trong đó có 10.000 bệnh nhân đang phải kéo dài sự sống bằng chạy thận nhân tạo; 300.000 người mù liên quan đến bệnh giác mạc. Trong đó, có tới 6.000 người bị suy thận mãn cần ghép thận, 5.000 người chờ ghép giác mạc và 1.500 người bị suy gan được chỉ định ghép gan. Đây chỉ là những con số thống kê ở một số BV lớn, còn theo các chuyên gia, số lượng thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều.

Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn. Trong hàng chục nghìn bệnh nhân bị suy tạng cần phải ghép, số được ghép rất nhỏ. Hiện cả nước có 14 trung tâm ghép tạng, nhưng đến nay, số người được ghép thận cũng chỉ hơn 1.000 người, cùng hơn chục ca ghép tim, gần 40 ca ghép gan và một trường hợp được ghép thận - tụy và hơn 1.400 ca ghép giác mạc. Hàng chục nghìn người vẫn khắc khoải chờ được ghép tạng để kéo dài sự sống.

Về mặt pháp lý, Việt Nam đã có đủ điều kiện cho việc hiến và ghép tạng, sau khi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua năm 2006. Trong khi số tạng hiến rất ít, danh sách bệnh nhân muốn ghép tạng lại rất dài, việc ra đời Trung tâm điều phối quốc gia về tạng là cần thiết, để tránh tiêu cực và để giúp các BV liên kết, hỗ trợ nhau về cơ sở vật chất... 

Vì thế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã Quyết định thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/6/2013, do PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt - Đức làm Giám đốc Trung tâm.

Chỉ trong một thời gian ngắn, với sự nỗ lực của từng cán bộ trong việc kết nối với các BV, trung tâm đã xây dựng được danh sách chờ ghép cấp quốc gia. Trong đó, tổng hợp tất cả những bệnh nhân đang bị suy tạng trong cả nước đang ở tình trạng thế nào, cần ghép ra sao, để 14 đơn vị ghép tạng cập nhật thông tin. Dĩ nhiên, thông tin của các bệnh nhân được mã hóa, đảm bảo giữ bí mật danh tính. Trung tâm đã và đang xây dựng danh sách những người đăng ký hiến tạng khi còn sống, hoặc sau khi chết, hoặc chết não. Khi một BV nào đó có người hiến tạng, lập tức BV báo cho trung tâm điều phối ghép tạng, để trung tâm kiểm tra thông tin xem trong danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng, người nào có các chỉ số phù hợp với người hiến. 

Ca ghép tạng tại BV Việt Đức ngày 5/9/2015.

Ths Nguyễn Hoàng Phúc cho biết: Luật qui định cụ thể thứ tự ưu tiên cho người được ghép tạng theo chuẩn quốc tế, lần lượt là trẻ em, tiếp theo là người cấp cứu, người đã từng hiến tạng nay cần ghép và người đăng ký đầu tiên trong danh sách chờ ghép tạng.

Chỉ sau 2 năm trung tâm ra đời, những con số vô cùng ấn tượng đã xuất hiện: Nếu từ năm 1992 đến tháng 6/2014, có tất cả 1.011 ca ghép thận, 27 ca ghép gan, 11 ca ghép tim và một ca thận - tụy, thì chỉ sau 2 năm thành lập Trung tâm, với sự điều phối giữa các BV, đã có 491 người được ghép thận, trên 1.400 ca được ghép giác mạc, 20 ca ghép gan, 4 ca ghép tim… 

Đặc biệt, việc hiến tạng vốn trước gần như là vô cùng nhỏ, do không có đầu mối để tiếp nhận và điều phối, nhưng từ khi thành lập trung tâm đến nay, đã có 482 người đăng ký hiến tạng sau khi chết và 13 người đăng ký cho tạng khi còn sống, tức là họ sẵn sàng hiến một quả thận khi có người cần cấp cứu.

Ngoài ra, tại BV Chợ Rẫy cũng có hơn 600 đơn đăng ký hiến tạng. Có điều, trong khi ở nước ngoài, việc hiến tạng 90% từ người chết não, thì ở Việt Nam lại ngược lại, hơn 90% là từ người sống. Dĩ nhiên, với vai trò tiên phong, cả 14 cán bộ của trung tâm đều đã có thẻ đăng ký hiến tạng. “Nếu không may ra đi, chúng tôi vẫn còn để lại việc làm ý nghĩa là mang lại cơ hội sống cho người khác.” – Ths Nguyễn Hoàng Phúc chia sẻ.

PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt - Đức, Giám đốc trung tâm cho biết: Sau khi BV Việt - Đức ghép 2 ca tạng thành công từ nguồn tạng ở TP Hồ Chí Minh, đã có 2 nhà sư đến đăng ký hiến mỗi người một quả thận, trong khi cách đó chưa lâu, chính 2 nhà sư này đã đăng ký hiến gan. Một nhà sư khác cũng đăng ký hiến thận và giác mạc từ lúc sống, nhưng việc hiến giác mạc lúc sống không được luật cho phép. Một bà hơn 60 tuổi ở Bắc Ninh cũng đến hiến một quả thận khi sống, dù trước đó bà đăng ký hiến sau khi chết. 

Sau khi nghe hội thảo về ghép tạng, một công nhân ở Hải Phòng đã đến hiến thận rồi vẫn muốn hiến cả gan, thậm chí, chuẩn bị đưa cả gia đình đến đăng ký hiến tạng. Có đại gia, trí thức, Tổng giám đốc một ngân hàng cũng đăng ký hiện tạng. Có gia đình cả 5 người cùng đăng ký hiến. Mới nhất, có 2 vợ chồng một bác sĩ và giáo viên đại học cùng đến đăng ký hiến tạng… Thậm chí, Kim Sơn, Ninh Bình đang dẫn đầu phong trào hiến tạng, khi rất nhiều bà con giáo dân tình nguyện hiến giác mạc, trong đó có cụ già 90 tuổi; cũng có gia đình hiến giác mạc của đứa con 5 tuổi không may mất sớm.

Ths Nguyễn Hoàng Phúc kể câu chuyện làm anh xúc động mãi: Có người phụ nữ bị khối u, khi biết mình chỉ còn có thể sống được 6 tháng nữa, đã nhờ người viết đơn hộ được hiến tạng. Mẹ chị cũng đăng ký. Cho tới ngày chị ra đi, chị rất thanh thản, không có gì hối tiếc. Khi chị mất, ngân hàng mắt tới lấy giác mạc, mẹ chị không buồn mà còn hạnh phúc khi di nguyện được giúp đỡ người khác của chị đã được thực hiện.

Bài 1: Hàng vạn người đang mỏi mòn chờ ghép tạng

Các chuyên gia cho biết, nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam rất lớn và đang gia tăng nhanh chóng. Rất nhiều trường hợp suy tạng sẽ được cứu sống nếu có nguồn tạng, vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Việt Nam lại có thế mạnh về trình độ kỹ thuật cao, chi phí lại rẻ, nhưng nguồn tạng hiến ở nước ta lại rất hiếm. Vấn đề là chúng ta thiếu tạng không phải vì không có nguồn tạng. Ngược lại, mỗi năm, cả nước có khoảng 10.000 người bị tai nạn giao thông, trong đó, rất nhiều người chết não.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt - Đức, một chuyên gia ghép tạng hàng đầu, thì bình quân mỗi ngày, BV Việt - Đức có từ 2-4 ca chết não và mỗi năm có khoảng 1.000 người chết não, nhưng số người hiến bộ phận cơ thể người rất ít. Chỉ cần 1/10 số người chết não hiến tạng, thì đã có hàng trăm người được cứu sống, vì một người chết não có thể cứu được từ một đến vài người từ quả tim, gan, thận, giác mạc, gân, xương... của họ.

Có rất nhiều thế mạnh, nhưng thực tế, số ca ghép tạng ở Việt Nam vẫn rất nhỏ, đặc biệt là ghép từ người chết não!

Thanh Hằng
.
.
.