Những câu chuyện bất ngờ trong ca ghép tạng xa 2.000km

Thứ Sáu, 25/09/2015, 17:07
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết đã trực tiếp làm việc với nhiều gia đình hiến tạng, nhưng họ đều yêu cầu được giữ bí mật, mà chỉ muốn làm phúc cho những người bị bệnh.
Chiều 25/9, Bệnh viện (BV) Việt Đức đã tổ chức tiễn 2 bệnh nhân được ghép tim và gan ngày 5/9/2015 ra viện.

Đây là 2 bệnh nhân đầu tiên được ghép từ nguồn tạng vận chuyển gần 2.000km, từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội qua đường hàng không và đã thành công mỹ mãn.

GS.TS Trịnh Hồng Sơn vui mừng chia sẻ: Thành công của 2 ca ghép tạng này là không của riêng ai, mà là của cả hệ thống y tế và của xã hội. Người trực tiếp chỉ đạo điều hành toàn bộ 2 ca ghép đi đến thành công, chính là PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, một trong các chuyên gia ghép tạng hàng đầu của Việt Nam.

2 bệnh nhân ngày ra viện cùng ekip ghép tạng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết cũng chia sẻ thêm về quá trình ghép và chăm sóc cho bệnh nhân ghép gan mà ông trực tiếp thực hiện: Ca ghép gan cho bệnh nhân Trần Ngọc Hải, 59 tuổi, được thực hiện trong 7 tiếng rưỡi, còn ca ghép tim được thực hiện trong 6 tiếng, thời gian ngắn hơn nhiều so với các nước là 10 tiếng. Điều này cho thấy kỹ thuật của các thầy thuốc Việt Nam không thua kém các nước, dù kinh nghiệm của Việt Nam còn ít, do số ghép chưa nhiều, trong khi các trung tâm ghép tạng của nước ngoài đã ghép được 2.000 đến 3.500 ca.

Bệnh nhân Trần Ngọc Hải bị viêm gan B đã 20 năm, không điều trị và được phát hiện ung thư gan nguyên phát, đã điều trị đốt sóng cao tần tại BV Bạch Mai và nút mạch gan hóa chất tại BV Việt Đức. Có lúc trong khi mổ, bệnh nhân bị tụt huyết áp sâu và lâu, nhưng do các bác sĩ gây mê hồi sức có trình độ cao và giàu kinh nghiệm, nên ca mổ đã diễn ra như ý.

Sau khi mổ 12 tiếng, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản. Sau khi ghép, các bệnh nhân được theo dõi sát sao và đã ăn được sau 4 ngày. Tuy nhiên, đến ngày thứ bảy, thì bệnh nhân có dấu hiệu thải ghép và PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết đã quyết định sử dụng thuốc ức chế miễn dịch và chỉ sau 3 ngày là bệnh nhân ổn định trở lại. Đây là kinh nghiệm từ ca ghép tạng đầu tiên năm 2007, khi trước những dấu hiệu bất thường, các bác sĩ BV Việt Đức phải xin ý kiến của các chuyên gia Mỹ và được điều trị theo hướng chống thải ghép đã thành công.

           PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết trao đổi thông tin về 2 ca ghép tạng.

Điều đáng nói là việc chuẩn bị cho ca ghép này rất nhanh, bởi bệnh nhân định ghép ban đầu là một thanh niên 32 tuổi, bị ung thư gan, nhưng khi kiểm tra thì không đủ điều kiện để ghép nữa, nên BV đã báo cho ông Trần Ngọc Hải, là người từng đăng ký ghép tạng và ông lập tức đến ngay. Theo gia đình ông Hải, chi phí cho ca phẫu thuật là gần 2 tỷ đồng, do ông bị bệnh viêm gan B, mà phải dùng một loại thuốc ức chế bệnh này không để lây sang gan mới, mua ở nước ngoài nên rất đắt, khoảng gần 1 tỷ đồng.

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của BV Chợ Rẫy trong việc hồi sức cấp cứu, để chất lượng tạng đảm bảo, không bị hoại tử. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các BV, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết hy vọng tới đây, kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ. Vì thế, ông mong muốn sẽ thành lập Quỹ giúp đỡ bệnh nhân ghép tạng, để cứu sống cho những bệnh nhân nặng.

Trường hợp bệnh nhân  Nguyễn Văn Hải, 37 tuổi,  được ghép tim thành công cũng là một kỳ tích. PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết: Anh Hải bị suy tim, rối loạn nhịp chậm và đã điều trị suy tim nhiều đợt tại Viện tim Hà Nội. Khi vào BV Việt Đức để ghép tim, trên người bệnh nhân đầy vết sẹo vì tiêm truyền, sau hàng tháng nằm viện liên tục và thời gian sống chỉ còn tính bằng tuần.

Thời gian chuẩn bị cho việc ghép tim của anh Hải cũng rất ngắn, chỉ hơn một ngày. Hơn nữa, các ca ghép trước, việc lấy tim từ người hiến sang người được ghép chỉ chừng 15 phút, còn lần này, quả tim đã được lấy khỏi lồng ngực người hiến nhiều tiếng, khiến thời gian mất máu gấp 3 lần bình thường. Vì thế, sau khi ghép xong, mất 4 ngày tim mới hoạt động bình thường, dù các chuyên gia đã rất sáng tạo trong quá trình vận chuyển với việc bơm dung dịch bảo quản tăng gấp đôi thời gian qui định của quốc tế. Những ca ghép trước, chỉ cần một loại thuốc trợ tim và dùng trong 3-4 ngày, còn lần này phải dùng 2 loại thuốc và kéo dài 6 ngày liền. Tuy nhiên, được điều trị đúng, tiên lượng tốt nên sau 1 tuần, các chỉ số của bệnh nhân đã trở lại bình thường.

Niềm vui của 2 bệnh nhân và các bác sĩ.

Anh Hải cho biết, trước đây anh chỉ đi được vài bước, giờ đã đi bộ được vài trăm mét để đến buổi tiễn, điều trước đây anh không thể nghĩ tới.

Các chuyên gia khẳng định, nếu các bệnh nhân được ghép tạng có chế độ ăn uống, lao động hợp lý, đúng chỉ định của bác sĩ thì sự sống sẽ kéo dài. Nhiều người ghép tạng đã sống được hơn 25 năm. Bệnh nhân ghép gan đầu tiên ở Việt Nam từ 2007 hiện đang sống khỏe mạnh tại nước ngoài và kết quả kiểm tra cho thấy bình thường.

Tại buổi tiễn, các nhà báo cũng đề nghị Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cần có hình thức tôn vinh những người hiến tạng, tuy nhiên,  PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết cho biết, ông đã trực tiếp làm việc với nhiều gia đình hiến tạng, nhưng họ đều yêu cầu được giữ bí mật, mà chỉ muốn làm phúc cho những người bị bệnh. BV cũng giúp đỡ hết sức với gia đình người hiến tạng, như tổ chức ma chay hoặc hỗ trợ một số vấn đề khác mà BV không thể công bố do yêu cầu bí mật.

Thành công của 2 ca ghép là tín hiệu vui cho những người mắc bệnh hiểm nghèo không phải ra nước ngoài ghép tạng với chi phí đắt hơn nhiều lần.

Thanh Hằng
.
.
.