Ghép tạng từ người chết não: Hy vọng sống cho 10.000 bệnh nhân

Chủ Nhật, 30/05/2010, 14:49
Chỉ trong tháng 5, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành ghép gan, thận cho 7 bệnh nhân từ nguồn tạng người cho chết não. Thế nào là chết não? Trong trường hợp nào được phép lấy tạng từ người chết não? Khung pháp luật đối với việc lấy tạng từ người chết não cũng như việc thực hiện pháp lý khi tiến hành ghép tạng từ người chết não ra sao? Kỹ thuật ghép tạng của y học nước ta đang ở mức nào?

Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức- Hà Nội để biết rõ hơn vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa ông, việc Bệnh viện Việt Đức mới đây tiến hành ghép gan, ghép thận cho 7 bệnh nhân từ nguồn tạng người cho chết não đang là mối quan tâm đặc biệt của công chúng, đặc biệt là những người bệnh đang chờ ghép tạng. Dưới góc nhìn của người tổng chỉ huy các kíp mổ, ông đánh giá thế nào về việc làm này?

Nguyễn Tiến Quyết (N.T.Q): Trên thế giới, ghép tạng được tiến hành từ những năm 60 của thế kỷ trước. Ở nước ta, vào thời kỳ này, Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đã nghiên cứu, thử nghiệm nhưng do chiến tranh, điều kiện kinh tế, kỹ thuật nên việc này bị gián đoạn. Năm 1992, ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Quân y 103.

Năm 2004, ca ghép gan đầu tiên cũng được thực hiện ở bệnh viện này. Còn tại Bệnh viện Việt Đức, năm 2007 mới tiến hành ca ghép gan đầu tiên trên người cho sống. Tôi lưu ý là các ca ghép tạng này đều có sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài.

Năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ giao chúng tôi thực hiện đề tài cấp Nhà nước, "ghép tạng từ người cho chết não". Ở Mỹ, 80% ca ghép gan được lấy từ nguồn tạng người cho chết não. Còn ở một số nước khác, tỷ lệ này khoảng 40-50%. Ở nước ta, năm 2006, Luật Hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người đã được Quốc hội thông qua. Các nhà khoa học, y học và luật học cũng đã xây dựng hệ thống pháp lý lấy tạng từ người cho chết não.

Việc mới đây, Bệnh viện Việt Đức tiến hành ghép tạng cho 7 bệnh nhân từ người cho chết não sau khi có hành lang pháp lý chặt chẽ, hệ thống trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ thầy thuốc có đủ năng lực. Và quan trọng nhất là có nguồn tạng từ người cho chết não. Dù chúng ta có con người, phương tiện, hệ thống pháp lý nhưng nếu thân nhân của người chết não không đồng ý hiến tạng thì việc này không thể thực hiện được.

PV: Chết não là một khái niệm y khoa mà không phải ai cũng hiểu đúng, đề nghị ông cho biết rõ hơn?

Ông N.T.Q: Đúng là không phải ai cũng hiểu đúng, hiểu đủ về khái niệm chết não. Trong khi đó, hiểu rõ khái niệm này lại là cơ sở để việc ghép tạng từ người cho chết não thuận lợi hơn. Chết não được xác định khi: 1, Chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch máu não; 2, hôn mê sâu, thang điểm G 3 điểm và dưới 3 điểm (người bình thường 15 điểm), mất hết các phản xạ sống (như ho, nuốt...).

Bên cạnh đó, người chết não còn phải xác định tối thiểu một trong các điều kiện: Chụp mạch não không có máu lên não; siêu âm doppler xuyên sọ không có phổ mạch máu lên não; đo điện não đồ có kết quả là một đường thẳng; bỏ ống thở, bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra, việc xác định chết não còn được thực hiện bởi hội đồng gồm: Bác sỹ hồi sức, bác sỹ thần kinh, bác sỹ pháp y. Đặc biệt lưu ý là những người thực hiện ca ghép tạng hoàn toàn độc lập với việc xác định chết não.

PV: Việc tuân thủ quy chuẩn trong y khoa và pháp lý hẳn là rất quan trọng trong việc ghép tạng từ người cho chết não?

Ông N.T.Q: Chúng tôi luôn xác định, đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Bởi nó liên quan trực tiếp đến người được ghép tạng, thân nhân người chết não. Thân nhân của người chết não có vai trò quyết định, cho hay không cho tạng. Dẫu ai cũng biết rằng, đây là một việc làm hữu ích song không phải ai cũng dễ dàng vượt qua ràng buộc mang tính chất vô hình. Và rồi khi họ có nghĩa cử cao đẹp là đồng ý cho một phần cơ thể người thân của mình để cứu người thì chúng tôi vẫn phải tuân thủ các quy định về y học, pháp lý để đảm bảo khách quan, trung thực, không phụ tấm lòng nhân ái của người hiến tặng.

PV: Vậy các ông đã làm thế nào để thuyết phục thân nhân của người chết não cho tạng để ghép gan, thận trong các trường hợp nêu trên?

Ông N.T.Q: Ở nước ta hiện nay có 10.000 người cần ghép thận, 1.000 người cần ghép gan, tim. Với người bệnh suy thận, chi phí chạy thận nhân tạo rất tốn kém, mỗi tuần phải 3 lần chạy thận nhân tạo. Người bệnh còn có nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao. Nếu được tiến hành ghép thận, người bệnh sẽ được trở lại cuộc sống bình thường.

Còn với người bệnh suy gan, ung thư gan thì cơ hội sống khoẻ mạnh hầu như bằng không nếu như không được tiến hành ghép gan. Trong khi đó, mỗi năm ở Bệnh viện Việt Đức có từ 1.450 - 1.500 bệnh nhân tử vong mà nguyên nhân là tai nạn giao thông, tai nạn lao động (chiếm khoảng 70%). Trong số này, bệnh nhân chết não khoảng 50%. Việc lấy tạng của người chết não ghép cho các bệnh nhân suy gan, thận, ung thư gan... không chỉ giúp họ duy trì cuộc sống mà còn giúp họ sống khoẻ mạnh.

Để thân nhân của người chết não đồng ý cho tạng, trước hết chúng tôi phải giải thích để họ hiểu tính hữu ích của việc làm này. Người thân của mình chết đi mà một phần trong cơ thể đó vẫn sống trong người khác là một điều kỳ diệu mà khoa học ngày nay đã làm được. Hơn nữa, khi cái chết này lại hồi sinh một sự sống khác thì không có gì lớn lao và tốt đẹp hơn cả.

Thực hiện ca ghép gan.

PV: Thưa ông, tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân mới được ghép tạng giờ ra sao?

Ông N.T.Q: Tất cả đều tốt, đặc biệt là với bệnh nhân được ghép gan. Đây là trường hợp ghép gan đầu tiên từ người cho chết não nên chúng tôi phải rất thận trọng. Bệnh nhân bị ung thư gan, nằm trong số 1.000 người chờ ghép và may mắn đã mỉm cười với anh khi thân nhân của người chết não cho tạng. Cuộc phẫu thuật đã diễn ra trong vòng 5h20 phút (từ 0h45 phút ngày 21-5 đến 6h ngày 22-5), đây là quãng thời gian ngắn hơn dự liệu. Có thể nói rằng, thành công của ca ghép gan này còn ngoài mong đợi của chúng tôi.

PV: Ông có thể tiết lộ một chút về người chết não và thân nhân của họ?

Ông N.T.Q: Về nguyên tắc, chúng tôi không được tiết lộ những thông tin của người được ghép tạng và người cho tạng. Thế nên, tôi chỉ có thể nói sơ qua về một trường hợp rằng, đó là một thanh niên bị tai nạn giao thông. Người thân của anh đã đồng ý cho tạng sau khi Hội đồng xác định, anh đã chết não.

Giữa lúc đau buồn do vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của anh mà người thân lại có nghĩa cử cao đẹp này khiến chúng tôi rất xúc động. Nguồn tạng này giúp 2 bệnh nhân suy thận được ghép thận, 1 bệnh nhân ung thư gan được ghép gan. Bạn có thể hình dung, khi thân nhân của mình mất đi nhưng giúp 3 sự sống được hồi sinh sẽ thấy ý nghĩa lớn lao của việc làm này như thế nào.

PV: Tôi tin rằng tất cả chúng ta đều cảm phục và trân trọng nghĩa cử của người thân người chết não khi có quyết định giàu ý nghĩa nhân sinh như vậy. Thưa ông, Nhà nước có chính sách đãi ngộ những người thiện nguyện này chưa?

Ông N.T.Q: Hiện nay thì chưa. Cá nhân tôi nghĩ rằng, Nhà nước cần có chính sách đãi ngộ với họ cho dù, sự hiến tặng này là hoàn toàn tự nguyện. Không cần phải nhắc lại thì bạn cũng biết ý nghĩa của việc được ghép tạng, để nhiều người bệnh hơn nữa được cứu sống và sống khoẻ mạnh thì cần nhiều người cho tạng.

Thế nên, động viên, khích lệ người thân của người chết não cho tạng hiểu và đồng ý hiến tạng là tối quan trọng. Ngoài ra, cũng cần tuyên truyền để mọi người cùng hiểu và đồng hành với việc làm này. Đồng thời, Nhà nước cũng cần có chính sách đãi ngộ thân nhân người chết não xứng đáng, có thể đó là ưu đãi về khám chữa bệnh...

PV: Số lượng người chờ ghép tạng thì lớn, trong khi nguồn tạng hiến tặng lại quá ít ỏi, phải chăng 7 người mới được ghép tạng từ người cho chết não vừa qua là may mắn?

Ông N.T.Q: Đúng thế, họ là những người cực kỳ may mắn. Trong quá trình điều trị, chúng tôi có hồ sơ người bệnh cần và đang chờ ghép tạng. Khi có người cho tạng, chúng tôi sẽ căn cứ vào các chỉ số để đưa ra quyết định ghép. Nói điều này để thấy, càng nhiều người hiến tặng, thì cơ hội của người bệnh càng lớn. Khi đó, sự may mắn sẽ được nhân lên chứ không còn là quá hiếm hoi như hiện nay.

PV: Thưa ông, sau ghép tạng, cuộc sống của người bệnh sẽ thế nào?

Ông N.T.Q: Họ sẽ có cuộc sống, lao động bình thường. Đã có bệnh nhân của chúng tôi sau ghép thận đã quay trở lại làm lái xe... Tuy nhiên, họ cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như uống thuốc thải ghép. Với người ghép thận, chi phí mỗi tháng cho thuốc thải ghép khoảng 8 triệu đồng. Còn với người ghép gan, chi phí lại thấp hơn, chỉ với 2 triệu đồng.

Cái quan trọng nhất của thành tựu này là người bệnh được trở lại cuộc sống bình thường với cơ thể khoẻ mạnh. So với một số nước trên thế giới, chi phí ghép tạng ở nước ta thấp hơn nhiều. Với một ca ghép thận, chi phí khoảng 250 triệu đồng, ghép gan khoảng 1 tỷ đồng. Tôi rất vui mừng khi nước ta có đủ cơ sở vật chất, có những bác sỹ, kỹ thuật viên có tay nghề vững vàng để thực hiện việc này chứ không cần hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài như trước đây.

PV: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này. Tôi cũng tin tưởng, ngày càng có nhiều người tham gia vào cuộc hành trình để sự sống hồi sinh từ cái chết giàu ý nghĩa nhân sinh này.

Chết não được xác định khi: 1. Chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch máu não. 2. Hôn mê sâu, thang điểm sống G là 3 điểm và dưới 3 điểm (người bình thường 15 điểm), mất hết các phản xạ sống (như ho, nuốt...). Bên cạnh đó, người chết não còn phải xác định các điều kiện: chụp mạch não không có máu lên não; siêu âm doppler xuyên sọ không có phổ mạch máu lên não; đo điện não đồ có kết quả là một đường thẳng; bỏ ống thở, bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim.

Ngoài ra, việc xác định chết não còn được thực hiện bởi hội đồng gồm: bác sỹ hồi sức, bác sỹ thần kinh, bác sỹ pháp y. Đặc biệt lưu ý là những người thực hiện ca ghép tạng hoàn toàn độc lập với việc xác định chết não

Cao Hồng (thực hiện)
.
.
.