Vụ gia đình tố bác sĩ không chẩn đoán đúng khiến bệnh nhân tử vong:

BV Xanh Pôn xin lỗi gia đình bệnh nhân về thái độ của bác sĩ

Thứ Ba, 27/03/2018, 09:30
“Bệnh viện gửi lời xin lỗi tới gia đình về thái độ của BS Hòa; đã tiến hành phạt hành chính đối với BS Hòa về phong cách, thái độ không đúng với gia đình người bệnh, cắt thi đua năm 2018 và cắt trực 3 tháng” – ông Uông Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (BV Xanh Pôn) cho biết.


Ông Vũ Đình Lăng, 78 tuổi (trú tại số 57, ngõ 218, phố Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) đau bụng dữ dội được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (BV Xanh Pôn). 

Tuy nhiên, sau hơn 2 ngày tiêm và uống thuốc, bệnh tình của ông không thuyên giảm mà có diễn biến nặng, bác sĩ thông báo mổ để “thăm dò”, gia đình đã xin chuyển tuyến vì không biết ông bị bệnh gì. 

Nhưng lên tuyến trên, sau ca phẫu thuật, ông Lăng đã không qua khỏi. Cho rằng cái chết của ông Lăng là do BV Xanh Pôn không chẩn đoán bệnh kịp thời, gia đình ông đã làm đơn khiếu nại…

“Bố tôi chết oan”

Trao đổi với anh Vũ Đình Lân và chị Vũ Thị Hồng Tuyết (con của ông Lăng) ngày 23-3, họ đều cho rằng bố mình bị chết oan do trình độ chuyên môn kém của êkíp trực tại Khoa Cấp cứu (BV Xanh Pôn) từ chiều ngày 29-12 đến chiều 31-12-2017. Gần 3 tháng trôi qua, cái chết của ông Lăng là nỗi đau và ám ảnh của cả gia đình.

Theo trình bày của anh Vũ Đình Lân thì 14h ngày 29-12-2017, ông Lăng bị đau bụng quằn quại, gia đình đưa ông đến Khoa Cấp cứu (BV Xanh Pôn) đúng tuyến BHYT. Sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Viện cho ông Lăng chụp X quang, siêu âm ổ bụng. 

Nghi ông Lăng bị hội chứng dạ dày, BS chỉ định điều dưỡng tiêm cho ông 2 ống thuốc giảm đau Atropin 0,25mg và yêu cầu gia đình mua thêm 1 ống NoSpa 40mg để tiêm. Sau khi giảm đau BS chỉ định gia đình mua thuốc Nexium 40mg tiêm cho ông Lăng. Đến 19h, BS cho ông Lăng về nhà. Nhưng nửa đêm ông tiếp tục đau và sáng 30-12-2017 không chịu được đau đớn, ông lại được người nhà đưa vào Khoa Cấp cứu của BV Xanh Pôn. 

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nơi ông Lăng vào cấp cứu.

Tại đây, BS Cấn Huy Hùng cho ông chụp X quang, siêu âm ổ bụng, lấy máu xét nghiệm và tiếp tục tiêm giảm đau là Atropin 0,25mg và NoSpa 40mg. Đến 14h cùng ngày ông Lăng lại đau, BS tiếp tục kê đơn mua 2 ống giảm đau để tiêm. Vì không yên tâm khi thấy ông Lăng cứ hết thuốc giảm đau là lại đau bụng quằn quại, gia đình đã xin bác sĩ cho ông ở lại viện để theo dõi.

Đến 16h, BS Cấn Duy Hùng cho ông đi chụp cắt lớp vi tính có tiêm thuốc cản quang. Đêm hôm đó ông Lăng lên cơn sốt cao 39,5 độ, co giật. 6h sáng ngày 31-12, ông Lăng kêu đau, BS Nguyễn Minh Toàn cho ông đi chụp Xquang, siêu âm và ông liên tục kêu đau, gia đình đã báo cho bộ phận trực cấp cứu nhưng không có BS nào vào thăm khám. 

“Đến 9h, tôi vào gặp bác sĩ Hòa là người chịu trách nhiệm chính ca trực, tôi chưa trình bày xong BS đã cắt lời tôi và lạnh lùng nói: “Chúng tôi không có nhiều thời giờ để tiếp từng bệnh nhân, anh về phòng, khi nào cần thì chúng tôi gọi”. 

Cả nhà tôi đều vô cùng lo lắng và sốt ruột khi bố tôi đau đớn quá mà đến giờ này BS cũng không chẩn đoán được bố tôi bị bệnh gì. Bố tôi đau đến không chịu nổi, tôi chờ mãi không thấy ai đến khám, nhiều lần sang gặp BS Hòa nhưng BS đều gắt gỏng bảo tôi về phòng. Suốt từ sáng ngày 31-12 đến 11h trưa, bố tôi không được tiêm hay truyền bất kỳ loại thuốc nào”- anh Lân bức xúc chia sẻ.

Theo anh thì đến 14h BS Hòa gọi anh vào phòng cho biết bố anh phải mổ. “Tôi hỏi BS Hòa bố tôi bị bệnh gì, BS nói “Mổ thăm dò để xác định bệnh, khi nào xác định chính xác bệnh, bệnh viện sẽ trả lời gia đình sau”. Sau đó BS gây mê giải thích trường hợp của bố tôi nếu mổ có nhiều nguy cơ dẫn tới tử vong. Gia đình tôi rất lo lắng và muốn xin chuyển bố tôi lên tuyến trên nhưng BS Hòa không cho, buộc chúng tôi phải “tìm cách” xin BS Hòa thì mới được đồng ý, nhưng gia đình phải viết cam kết là tự nguyện” – anh Lân nhớ lại. 

Theo anh thì khi bố anh lên Bệnh viện Việt - Đức, bác sĩ hỏi các xét nghiệm của BV Xanh Pôn nhưng do bệnh viện không đưa cho gia đình bất cứ một cứ một giấy tờ nào lên phải làm lại tất cả các xét nghiệm, mất rất nhiều thời gian. Bố anh được chẩn đoán ngay là viêm phúc mạc phải tiến hành mổ cấp cứu. BS giải thích với gia đình là phải cắt bỏ một đoạn ruột do bị hoại tử. 

“Tôi hỏi vì sao bố tôi lại bị hoại tử ruột, bác sĩ nói do bố tôi để ở tuyến dưới quá lâu mà không xác định được bệnh, do vậy bị tắc mạch máu dẫn đến ruột không có máu nuôi dưỡng và bị hoại tử. Ngay trong đêm 31-12, bố tôi được phẫu thuật, phải cắt bỏ hơn 9m ruột non, cắt nửa đại tràng, đưa hai đầu làm hậu môn nhân tạo. Chẩn đoán sau mổ là ruột bị hoại tử do tắc mạch mạc treo. Nhưng bố tôi đã bị rơi vào hôn mê sâu và qua đời vào 12h ngày 2-1-2018”- anh Lân cho biết.

Cần thành lập hội đồng chuyên môn

Phóng viên Báo CAND đã có buổi làm việc với ông Uông Thanh Tùng, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (BV Xanh Pôn) về quy trình khám, cấp cứu cho bệnh nhân Lăng. 

Ông Tùng khẳng định, các bác sĩ của 3 kíp trực đã làm hết khả năng, bệnh nhân vào cấp cứu đã được làm tất cả các kỹ thuật cận lâm sàng cơ bản, theo dõi diễn biến bệnh, truyền dịch, đưa ra phương án điều trị. Tuy nhiên, do bệnh nhân cao tuổi, già yếu, tiền sử tai biến mạch máu não nên quá trình thăm khám và chẩn đoán cho bệnh nhân gặp nhiều khó khăn. 

Ông Tùng cũng cho biết, ngày 31-12 bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn và có chỉ định mổ cấp cứu vì thời gian theo dõi bệnh nhân đã trên 72 giờ nhưng gia đình lại yêu cầu chuyển tuyến. Tuy nhiên, theo gia đình nạn nhân thì họ chuyển tuyến là vì BS Hòa nói mổ “thăm dò” – nghĩa là chưa xác định bệnh. 

Giải thích vấn đề trên, ông Tùng cho biết, trong hình ảnh cận lâm sàng đã thấy bụng bệnh nhân có phản ứng bị viêm phúc mạc cho nên đã có chỉ định mổ. Nhưng do trong quá trình giải thích, BS Nguyễn Hoàng Hòa nói chưa thực sự rõ ràng gây bức xúc, làm gia đình chưa hiểu rõ về bệnh, còn thể hiện thái độ, phong cách chưa đúng mực với gia đình người bệnh. 

“Bệnh viện gửi lời xin lỗi tới gia đình về thái độ của BS Hòa; đã tiến hành phạt hành chính đối với BS Hòa về phong cách, thái độ không đúng với gia đình người bệnh, cắt thi đua năm 2018 và cắt trực 3 tháng” – ông Tùng cho biết.

Theo BV Xanh Pôn thì tắc mạch mạc treo là một bệnh khó chẩn đoán và điều trị, đặc biệt là trên bệnh nhân lớn tuổi, tiền sử tai biến mạch máu não và nhiều bệnh nội khoa khác như suy thận, rung nhĩ, vì vậy tiên lượng đối với bệnh nhân Vũ Đình Lăng là rất nặng và tỷ lệ tử vong là rất cao. 

Tuy nhiên, người nhà của ông Lăng không đồng ý với giải thích trên của BV Xanh Pôn và cho rằng ông bị chết là do trình độ của BS BV Xanh Pôn kém khi 3 ngày cấp cứu đã không chẩn đoán được bệnh. Việc giải thích của bệnh viện như trên là đổ lỗi hết cho BS Hòa để thoái thác trách nhiệm.

Vậy cái chết của ông Lăng có phải do việc chẩn đoán bệnh chậm hay không thì cần phải có hội đồng chuyên môn đánh giá sự việc. Thiết nghĩ, Sở Y tế Hà Nội cần thành lập ngay hội đồng chuyên môn để kết luận chính xác, khách quan, giải tỏa những nghi vấn của gia đình nạn nhân.


Trần Hằng
.
.
.