Đầu tư thế nào cho thể thao Việt Nam ở Olympic?

Thứ Tư, 04/08/2021, 07:17

Đoàn thể thao Việt Nam đã kết thúc Olympic Tokyo 2020 mà  không giành được bất kỳ tấm huy chương nào. Câu hỏi được đặt ra với những lãnh đạo ngành thể thao là chiến lược đầu tư cho vận động viên trọng điểm thời gian tới được tính toán ra sao?

Sau khi đoàn thể thao Việt Nam kết thúc Olympic Tokyo và không hoàn thành mục tiêu có huy chương, nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Nhưng trong đó, vấn đề nổi bật nhất mà Trưởng đoàn Trần Đức Phấn nhấn mạnh là do ảnh hưởng dịch COVID-19, điều đó khiến các vận động viên được kỳ vọng đã đánh rơi phong độ. Đặc biệt, khi các vận động viên phải tập chay, cách ly dài ngày và chấn thương đã khiến thành tích ở Olympic không tốt.

Đầu tư thế nào cho thể thao Việt Nam ở Olympic? -0
 

Quách Thị Lan (giữa) là vận động viên cuối cùng hoàn thành phần thi ở Olympic Tokyo 2020. Ảnh: Reuters

Nhưng, điều cơ bản nhất mà Trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận là: "Phải khẳng định rằng Olympic là đấu trường rất khó khăn với thể thao Việt Nam. Chỉ có số lượng rất nhỏ môn, nội dung và vận động viên Việt Nam có khả năng tranh chấp huy chương. Những tấm HCV, HCB của Hoàng Xuân Vinh hay một số huy chương khác trước đó như:  HCB Cử tạ của Hoàng Anh Tuấn, HCĐ Cử tạ của Trần Lê Quốc Toàn và HCB của Trần Hiếu Ngân (Taekwondo) chỉ là những điểm sáng cho thấy hiệu quả của quá trình đầu tư trước đó.

Tại Thế vận hội lần này, 18 suất tham dự Olympic đã phản ánh đúng tương quan về trình độ của thể thao Việt Nam tại Olympic. Các vận động viên của Việt Nam đến Olympic theo các con đường khác nhau: Nguyễn Huy Hoàng đến Olympic bằng chuẩn A và kết quả thi đấu của Huy Hoàng cũng đã thể hiện rõ điều đó. Một nhóm các vận động viên khác đến Olympic bằng con đường tích điểm và một số vận động viên khác đến Olympic bằng vé mời dành cho các môn không có vận động viên qua vòng loại như: Điền kinh, Bơi và Bắn súng. Điều đó cho thấy, khoảng cách của thể thao Việt Nam với đấu trường Olympic vẫn còn xa".

Từ những thất bại trong thời gian qua, rất nhiều chuyên gia và nhà báo thể thao đã đưa ra những phân tích, đánh giá về thực trạng nói chung của công tác đầu tư. Ngành thể thao dường như đã thiếu một chiến lược trong việc hoạch định rõ ràng những mục tiêu trọng tâm. Như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh phân tích thì, quá trình chuẩn bị của chúng ta cho Olympic lần này không nằm ở quãng thời gian bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nó phải thực hiện ngay từ sau Rio 2016, xa hơn là London 2012. Đó là minh chứng cho việc chuẩn bị chưa có chiến lược và chưa rõ ràng. Với những người nghiên cứu về thể thao như chúng tôi đều có quan điểm rằng, lần này khả năng các vận động viên giành huy chương gần như bằng 0.

Thực tế, thể thao Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho việc cạnh tranh huy chương ở Olympic. Những tấm huy chương trước đó mà chúng ta giành được do sự xuất thần của các vận động viên, mang tính thời điểm chứ không phải là một sự đầu tư có quy mô bài bản. Bởi lẽ, vận động viên được đầu tư quy mô bài bản nhất là Ánh Viên lại không đạt thành tích như kỳ vọng. Nói đúng hơn, những nhà quản lý đã để căn bệnh thành tích ở SEA Games chi phối quá nhiều khiến cho Ánh Viên đã không thể phát triển như khi còn ở dạng tiềm năng như 7 năm trước.

Hay như câu chuyện tay vợt Nguyễn Tiến Minh, 38 tuổi, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, 47 tuổi vẫn phải thi đấu? Đó là do ngành thể thao không có chiến lược để đào tạo vận động viên trẻ kế cận đạt đến trình độ để tranh tài Olympic.

Và như Trưởng đoàn Trần Đức Phấn chia sẻ thì: "Thời gian qua, sau kết quả thi đấu chưa thành công của một số vận động viên, một số cơ quan báo chí cũng như một số chuyên gia trong lĩnh vực thể thao đã góp ý, phân tích, đánh giá về vấn đề này, Đoàn thể thao Việt Nam xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp vì mục tiêu chung và sự phát triển của thể thao Việt Nam.

Tuy nhiên, việc giải quyết được bài toán đầu tư để làm sao có thể tranh chấp tại các đấu trường lớn như ASIAD hay giành huy chương Olympic, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, kể cả điều chỉnh các mục tiêu cho từng đại hội, quan điểm đầu tư, xây dựng kế hoạch, đề xuất các giải pháp và tổ chức thực hiện. Hy vọng sau 1-2 chu kỳ Olympic nữa, vận động viên của thể thao Việt Nam sẽ đến tham dự Thế vận hội với tư thế sẵn sàng tranh chấp huy chương".

Đó mới chỉ là hi vọng, bởi lẽ sau đây, tất cả sẽ còn chờ ngành thể thao báo cáo và xin ý kiến Bộ VHTTDL.  Nhưng vấn đề quan trọng được ông Phấn chỉ ra là: "Điều kiện đảm bảo cho vận động viên đỉnh cao Việt Nam thi đấu ở đấu trường Olympic còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ngân sách nhà nước có hạn, muốn phát triển thể thao không có cách nào khác phải xã hội hóa, vì vậy phải phát huy được sức mạnh của các liên đoàn thể thao quốc gia, Ủy ban Olympic Việt Nam".

Đây là vấn đề không mới, nhưng ngành thể thao chưa phát huy được  những nguồn lực xã hội. Đây cũng là khoảng trống của thể thao Việt Nam trong chiến lược hướng đến Olympic.

Đoàn thể thao Việt Nam về nước ngày 4/8

Theo thông tin từ Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo 2020 cho biết, thành viên còn lại của Đoàn thể thao Việt Nam gồm 26 người sẽ trở về nước trên chuyến bay của hãng hàng không Nhật Bản vào ngày 4/8. Dự kiến, thời gian chuyến bay đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) là khoảng 21 giờ 50 theo giờ Việt Nam.

Chuyến bay gồm Trưởng đoàn Trần Đức Phấn, các cán bộ và thành viên đội tuyển boxing, bơi lội, điền kinh, cầu lông, bắn cung.

Ngoài danh sách Đoàn thể thao Việt Nam, chúng ta còn có trọng tài Bùi Đình Cường (TDDC) và Nguyễn Phạm Duy Anh (cầu lông) là 2 thành viên tham gia cùng chuyến bay trên. Đây không phải thành viên thuộc Đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Tokyo 2020 mà tham dự với tiêu chuẩn của Ban tổ chức Olympic và di chuyển theo chuyến bay của Ban tổ chức, tuy nhiên do diễn biến phức tạp của COVID-19 cùng việc nhập cảnh vào Việt Nam phải theo quy định nên các trọng tài sẽ về cùng thành viên Đoàn thể thao ở ngày 4/8.

Theo tìm hiểu, địa điểm cách ly của Đoàn thể thao Việt Nam sẽ là tại khách sạn Silk Path (Hà Nội) để đảm bảo tốt công tác y tế, phòng trách COVID-19.  Olympic Tokyo 2020 vẫn đang diễn ra và kéo dài tới hết ngày 8/8.

Tại Olympic Tokyo 2020, chúng ta không có đoàn cán bộ lãnh đạo Ủy ban Olympic Việt Nam tới Tokyo như thông lệ, tuy nhiên Ủy ban vẫn cử thành viên của mình tham gia hỗ trợ Đoàn thể thao Việt Nam tại Nhật Bản và thành viên này cùng về nước với Đoàn trong cùng thời gian.(H.H)

Hưng Hà
.
.
.