Thể thao Việt Nam nhìn từ thất bại của Ánh Viên tại Olympic Tokyo

Thứ Bảy, 31/07/2021, 09:30

Thất bại của kình ngư Ánh Viên tại Olympic Tokyo 2020 một lần nữa đặt ra những dấu hỏi về công tác đầu tư vận động viên trọng điểm của ngành thể thao. Đó không chỉ là thất bại của giải đấu mà là cả quá trình.

Vận động viên Nguyễn Thị Ánh Viên đã chia tay Olympic Tokyo 2020 sau khi thất bại ở 2 nội dung 200m và 800m tự do nữ. Cô đều về cuối lượt bơi vòng loại và thành tích thậm chí còn kém so với những giải đấu trước đây. Đây là lần thứ 2, Ánh Viên thất bại ở một kỳ Olympic. Tại Rio 2016, thời điểm mà Ánh Viên nhận được nhiều kỳ vọng nhất, cô cũng không thể vượt qua vòng loại.

6-2.jpg -0
 Ánh Viên tại Olympic Tokyo 2020. Ảnh: AFP.

Câu hỏi được đặt ra, do trình độ của Ánh Viên đã chạm ngưỡng hay công tác đầu tư, định hướng của ngành thể thao có vấn đề? Thực tế, Ánh Viên được phát hiện sớm tài năng từ năm 16 tuổi. Cô đã được Tổng cục TDTT và thể thao Quân đội phối hợp đầu tư để tập huấn dài hạn tại Mỹ từ năm 2012 đến 2019. Trong suốt 7 năm đó, tổng số tiền mà Ánh Viên được đầu tư dao động trong khoảng 20-30 tỉ đồng.

Điển hình như năm 2018, để chuẩn bị cho ASIAD 18, nguồn kinh phí đầu tư cho Ánh Viên lên đến 350.000 USD (khoảng 8 tỉ đồng). Năm 2019, kinh phí ngành thể thao cấp cho bộ môn bơi là 270.000 USD, riêng khoản đầu tư cho Ánh Viên là 170.000-180.000 USD. Đó là sự ưu tiên rất lớn dành cho vận động viên này. Con số đầu tư cũng khủng nhất từ trước đến nay. Thế nhưng, cô vẫn không thể có được những thành công tương xứng với các khoản đầu tư.

Vậy kết quả thu được sau 7 năm tập huấn tại Mỹ với khoản đầu tư lớn là gì? Đó là số 25 tấm huy chương vàng được rải đều trong 4 kỳ SEA Games từ 2013 đến 2019. Thành tích của Ánh Viên được ghi nhận ở giải đấu “ao làng” mà cô đã lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Không ai phủ nhận SEA Games là sân chơi bước đệm để Ánh Viên ra biển lớn, tuy nhiên ngành thể thao đã quá lạm dụng Ánh Viên để làm làm tròn đáp số thành tích ở mỗi kỳ đại hội.

Thực tế, SEA Games 2015 tại Singapore được xem là kỳ đại hội đỉnh cao nhất của Ánh Viên khi cô giành 8 huy chương vàng, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Sau giải đấu đó, rất nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, ngành thể thao cần thay đổi chiến lược đầu tư, định hướng và phương pháp huấn luyện để Ánh Viên tập trung cho các mục tiêu lớn như ASIAD và Olympic. Thêm một vấn đề cũng được đưa ra là việc Ánh Viên gắn bó quá dài với 1 người thầy là huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn trong suốt quá trình tập huấn tại Mỹ có thực sự phù hợp? Thế nhưng, những người quản lý của ngành thể thao đã bỏ qua những ý kiến đóng góp đến từ giới chuyên môn. Họ đánh cược vào huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn với mô hình “1 thầy 1 trò”.

Thêm vào đó, áp lực thành tích khiến ngành thể thao chưa thể giảm tải gánh nặng cho Ánh Viên khi luôn đăng ký đến 10 nội dung ở những kỳ SEA Games kế tiếp. Và rồi Ánh Viên cứ mãi ngụp lặn trong “ao làng”. Thậm chí, có thời điểm, Ánh Viên rơi vào trạng thái trầm cảm khi đối mặt với những áp lực như huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn chia sẻ.

Phải đến sau giải vô địch thế giới 2019, Tổng cục TDTT mới có buổi làm việc với huấn luyện viên trưởng Đặng Anh Tuấn cùng Ánh Viên. Sau đó, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã thừa nhận rằng: “Ánh Viên chạm ngưỡng do tầm vóc con người và nhiều hạn chế khác. Hàng tuần, chúng tôi vẫn nhận được báo cáo về quá trình tập luyện, ăn ngủ nghỉ, điểm rơi phong độ của Ánh Viên từ huấn luyện viên trưởng nhưng phải thừa nhận, Ánh Viên đã chạm ngưỡng rồi”. Và từ đầu năm 2020, Ánh Viên không còn được tập huấn ở Mỹ nữa. Cô về nước và chỉ tập trung chủ yếu cho sân chơi SEA Games. Đó không khác nào một sự thừa nhận thất bại của ngành thể thao trong việc định hướng vận động viên. Ánh Viên là trường hợp đặc biệt mà rất lâu nữa thể thao Việt Nam mới có, nhưng sự đầu tư không đúng định hướng đã khiến cô không thể bơi từ “ao làng” ra sân chơi Olympic.

Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh chia sẻ: “Ánh Viên năm nay 25 tuổi (qua đỉnh cao). Trong nước, có những giải đấu Ánh Viên phải tham gia tới 25 - 27 nội dung. Còn tại SEA Games, Ánh Viên cũng phải chơi hơn 10 nội dung. Như vậy, chúng ta đang bị trải dài về thành tích chứ không biết cách tập trung cho Olympic”. Từ trường hợp của Ánh Viên có thể nhìn rõ về thực trạng của ngành thể thao Việt  Nam. Nếu cứ tiếp tục đầu tư theo kiểu nửa vời và bệnh thành tích ở sân chơi khu vực ăn vào máu, chúng ta sẽ không thể cải thiện được thành tích ở ASIAD hay Olympic.

“Các nhà làm thể thao phải căn cứ vào tình hình phát triển của khu vực và thế giới. Khi chúng tôi còn làm việc, đi sâu đến mức một số nội dung của một môn thể thao chứ không phải liệt kê một số môn. Khi đó, những môn được xác định cụ thể là cử tạ, điền kinh, taekwondo... và chọn được một vài nội dung trong đó. Ví dụ như Thái Lan có 10 Huy chương Vàng ở các kỳ thì có tới 5 cái thuộc về cử tạ, 4 cái của boxing và mới đây là taekwondo. Tôi biết, Thái Lan đã đầu tư hàng chục năm vào boxing, cử tạ và bắn cung... Malaysia lựa chọn nhảy cầu, cầu lông hay như Philippines chọn cử tạ và boxing. Họ nhắm vào đó để đầu tư trọng điểm. Chúng ta cần nhìn vào những đối thủ ngay sát để học và tìm ra vấn đề cho riêng mình”, chuyên gia Hồng Minh nói.

Hưng Hà
.
.
.