Khắc họa sinh động hình tượng người chiến sĩ CAND

Thứ Hai, 13/07/2015, 07:59
Đối với các đoàn nghệ thuật, việc tham gia các giải liên hoan nghệ thuật nói chung đã khó, nhưng việc tham gia Liên hoan Sân khấu (LHSK) toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND Việt Nam” lại càng khó hơn.


 NSND Hoàng Cúc, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, Ủy viên Hội đồng giám khảo của Liên hoan, đánh giá: “Cái khó là ở chỗ, đề tài chỉ khu biệt ở lực lượng Công an. Còn ở các cuộc thi khác, các đoàn nghệ thuật có thể thoải mái chọn lựa kịch bản, thể loại ở nhiều nội dung sao cho phù hợp nhất với họ. Tuy nhiên, cái thuận lợi mà liên hoan này có được, đó là đề tài về hình tượng người chiến sĩ CAND luôn hấp dẫn đối với người xem, và khơi dậy được sự đam mê trong diễn xuất đối với các diễn viên, nghệ sĩ”.

Đến lần thứ 3 tổ chức, LHSK toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND Việt Nam” đã là nơi quy tụ của nhiều kịch bản hấp dẫn nhất về đề tài lực lượng CAND. Vì thế, nó cũng là nơi góp mặt của những nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn, nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc nhất về chủ đề này.

Trung tướng, nhà văn Hữu Ước là tác giả có đến 3 kịch bản được các Đoàn nghệ thuật lựa chọn dàn dựng: “Phút giây định mệnh” (chuyển thể chèo: Trần Đình Văn, đạo diễn: NSƯT Xuân Sanh), Nhà hát Chèo Hưng Yên dàn dựng; Công ty cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn (Công ty Vân Tuấn) dàn dựng vở “Người đàn bà uống rượu” (đạo diễn Quốc Thảo). Còn trong buổi biểu diễn lúc 9h ngày 12-7, Đoàn Cải lương Thái Bình đã dàn dựng vở “Khoảnh khắc mong manh” (chuyển thể cải lương và đạo diễn NSƯT Xuân Vũ).

“Khoảnh khắc mong manh” là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nguyên tác kịch bản văn học của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước và NSƯT, đạo diễn Xuân Vũ.

Là một vị tướng với những trải nghiệm cuộc đời từ khi còn là một người lính trận, nhà văn Hữu Ước đã xây dựng trong tác phẩm của mình những nhân vật rất thật và sinh động với thực tế cuộc sống. Ở trong đó, chúng ta thấy những tên tội phạm sừng sỏ được hiện lên một cách đầy mưu mô, giảo quyệt. Chúng không từ một thủ đoạn nào, để đạt được mục đích của mình.

Bên cạnh đó, những người chiến sĩ Công an nhân dân, họ cũng rất đời thường, giản dị. Họ cũng bị vướng vào những tình tiết, những vụ việc khó xử giữa việc công và việc tư, giữa tình cảm gia đình và nhiệm vụ. Nhưng, vượt lên trên tất cả, tác giả đã thể hiện được phẩm chất của người chiến sĩ Công an, khi biết hi sinh những lợi ích của cá nhân mình, của gia đình mình cho việc chung, cho công lý xã hội, để kết quả cuối cùng là đem đến sự bình yên cho nhân dân. Còn cái hay của NSƯT, đạo diễn Xuân Vũ khi chuyển thể tác phẩm này của nhà văn Hữu Ước, đó là ông biết thêm thắt, biến tấu và đan xen vào những chi tiết, những hành động hợp lý. Ngoài ra, âm nhạc, ánh sáng, cách bài trí sân khấu… sao cho phù hợp với thể loại cải lương, để đem đến những hiệu quả cao nhất cũng được vị đạo diễn xử lý rất tinh tế.

Một cảnh trong vở diễn “Khoảnh khắc mong manh”.

Một nhà viết kịch đang khá ăn khách ở cả trong Nam, ngoài Bắc là tác giả Lê Chí Trung cũng có 3 vở được các nhà hát lựa chọn mang đến Liên hoan: “Nơi lấp lánh mặt trời” (đạo diễn: NSƯT Anh Tú) của Nhà hát Kịch Việt Nam; “Cho một ngày bình yên” (đạo diễn: Bùi Như Lai) do Nhà hát Tuổi trẻ dựng vở và “Phía sau tội ác” (Lê Chí Trung - Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Nguyễn Thành Chánh Trực) của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ TP Hồ Chí Minh.

Một điểm mới đáng lưu ý của LHSK lần này, đó chính là sự góp mặt của 2 tác phẩm không trực tiếp đề cập đến hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Một trong 2 tác phẩm ấy chính là vở chèo “Người chiến sĩ năm xưa”, tác giả nhà văn Chu Lai, đạo diễn NSND Lê Hùng, chuyển thể chèo Vũ Minh.

Đại tá, NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Đây là lần đầu tiên Nhà hát Chèo Quân đội tham gia Liên hoan NTSK “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, cũng là lần đầu chúng tôi kết hợp được giữa hai màu áo Công an và Bộ đội, trong một vở chèo mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Vở diễn này đánh dấu một cách đi mới trong hướng khai thác vở diễn, mang tính chiến đấu của Nhà hát Chèo Quân đội. Trước đây các vở chèo chủ yếu mang tính trữ tình, nội dung nhân văn. Trong vở này, chúng tôi đã đạt được các tiêu chí của liên hoan như tính hiện đại, tính thời sự…

“Người chiến sĩ năm xưa” nhắc lại một thời hào hùng bi tráng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta, trong cái khốc liệt của một vùng giáp ranh, giữa sự sống và cái chết, tình người, tình yêu, tình đồng đội vẫn nảy mầm, kết trái, nhưng cũng trong cái mong manh của sự sống, và cái chết ấy, lòng tham, thói đố kị, cũng đã nảy nở, len lỏi trong trái tim, của những kẻ ham muốn, thèm khát quyền lực…

Đại tá, NSƯT Quốc Trượng chia sẻ thêm: “Đây cũng là một khởi đầu mới mà chúng tôi muốn sẽ có một tiền lệ, để tham gia liên hoan ở những năm sau. Dù thực tế, hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kịch bản, đạo diễn tốt để phục vụ công chúng, cũng như cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân”.

Bên cạnh đó, điểm mới của LHSK lần này là sự tham gia của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa. Theo NSND Hồng Vân, Giám đốc Công ty Vân Tuấn: “Là đơn vị sân khấu xã hội hóa, nên các nghệ sĩ của đơn vị hầu như khó có cơ hội tham gia các LHSK do không có kinh phí. Vì vậy, chỉ khi có sự hỗ trợ của Bộ Công an, các nghệ sĩ mới có cơ hội dự Liên hoan. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ vừa thể hiện khả năng, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, đồng thời, còn có cơ hội khẳng định mình bằng việc giành huy chương, phần thưởng, để làm cơ sở cho việc xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND sau này”.

Theo đạo diễn Phạm Huy Thục, Phó Hiệu trưởng của Trường ĐHSKĐA TP Hồ Chí Minh và là người dàn dựng vở “Bông hồng vàng” dự LHSK lần này: “Dĩ nhiên số kinh phí được hỗ trợ không thể đủ cho dựng vở, nên chúng tôi vẫn đang tìm nguồn bù đắp. Nhưng xác định đây là cơ hội để làm nghề cho cả đạo diễn lẫn diễn viên, khẳng định tài năng, nên chúng tôi quyết định tham gia”.

Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật ca kịch Huế, nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Bình, cũng cho biết: “Nguồn kinh phí để hỗ trợ dựng mới vở diễn tham dự Liên hoan dù chỉ chiếm khoảng 50% tổng chi phí, nhưng với các nghệ sĩ của nhà hát, đó lại là nguồn động viên tinh thần quan trọng. Bởi từ trước đến nay, các đoàn tham gia các liên hoan hầu như đều phải tự lo kinh phí, chứ không được tạo điều kiện như vậy”.

Được tính điểm khi xét tặng danh hiệu

Qua 3 ngày biểu diễn và dựa theo danh sách dự thi của 20 đoàn với 27 vở diễn, LHSK lần này thể hiện sự phong phú của cuộc thi với nhiều loại hình sân khấu như: Kịch nói, cải lương, chèo, kịch hình thể… Mỗi một loại hình nghệ thuật sân khấu có những ưu điểm riêng, và việc hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân được tái hiện trong mỗi loại hình, đã mang đến sự mới lạ, linh hoạt cũng như hấp dẫn đối với phương diện tiếp cận, thưởng thức của người xem.

Một điểm đáng lưu ý, các giải thưởng cá nhân của LHSK lần này sẽ được Nhà nước tính điểm khi xét tặng các danh hiệu như Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú.

Cảnh Vũ
.
.
.