Khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”

Thứ Sáu, 10/07/2015, 19:29
Tối nay, Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III đang được tổ chức trang trọng, hoành tráng tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

 

Hòa trong khí thế lịch sử hào hùng của dân tộc hướng đến kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng CAND, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc, tối nay 10/7, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu cơ (Hà Nội), Bộ Công an phối hợp với Bộ VH-TT&DL và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III.

Đến dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam; Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban tổ chức Liên hoan NTSK toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III; Trung tướng Vũ Thuật, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục HC-KT CAND; nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch).

Dự buổi lễ còn có hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của 20 đoàn tham dự Liên hoan và đông đảo khán giả yêu thích các loại hình nghệ thuật sân khấu.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ  trưởng Bộ VH-TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái tặng cờ lưu niệm cho đại diện các đoàn nghệ thuật tham dự Liên hoan.

Chưa đến 19h, cung đường Huỳnh Thúc Kháng, phía trước Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ như chững lại bởi dòng người tấp nập, ùn ùn đổ đến. Ở khu vực mặt tiền của Nhà hát Âu cơ, những tấm Pano giới thiệu về liên hoan, về những vở diễn hấp dẫn đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của nhiều người dân. Bên trong sân khấu, từng chiếc ghế dần dần được lấp đầy bởi dòng người không ngừng tiến vào. Có lẽ, lâu lắm rồi, người ta mới lại thấy được sự nhộn nhịp, tươi vui ở một trong những trung tâm biểu diễn nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các tác giả, đạo diễn sân khấu và anh chị em nghệ sỹ đến với liên hoan Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III. Với sự đam mê nghệ thuật, các đoàn đã cố gắng tạo dựng nên hình ảnh đẹp của người chiến sỹ Công an nhân dân trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Thượng tướng Lê Quý Vương phát biểu khai mạc Liên hoan.

Đồng chí Lê Quý Vương khẳng định: “sau hai lần tổ chức Liên hoan, lần thứ Nhất năm 2005 và lần thứ Hai năm 2010, Đảng uỷ Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an càng thấy rõ hơn ý nghĩa, tác dụng to lớn của hoạt động văn hoá nghệ thuật, từ đó đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sớm có kế hoạch động viên, thu hút lực lượng sáng tác và các văn nghệ sỹ quan tâm xây dựng “Hình tượng người chiến sỹ CAND”.

Đây là dịp để tuyên truyền, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sỹ Công an qua hình thức NTSK, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn lực lượng Công an, từ đó tham gia tích cực cùng Lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”.

Được biết, sau khi có thông tin của Ban Tổ chức, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước đã chú trọng xây dựng kịch bản, dàn dựng các vở diễn về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” để vừa chuẩn bị tham dự liên hoan, đồng thời tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Vì vậy, liên hoan lần này đã có sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật với 27 vở diễn (trong đó có 23 vở dàn dựng mới), bằng nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng như kịch nói, ca kịch, dân ca, chèo, cải lương ….

Đặc biệt, Liên hoan lần này có sự tham gia của hai đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân, đem đến cho Liên hoan hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ”, là sự thể hiện sinh động trong mối quan hệ, sự gắn bó sâu sắc giữa Quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự của đất nước.

Trung tướng Trần Bá Thiều tặng hoa các thành viên Hội đồng giám khảo.

Liên hoan NTSK lần này nhằm tiếp tục phát huy kết quả đạt được của hai lần Liên hoan trước, là một trong những hoạt động tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm (Khoá VIII) về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”,Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị về “Phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong giai đoạn mới” và Nghị quyết số 33 Hội nghị Trung ương chín (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; góp phần làm tốt nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, xây dựng về tư tưởng, nhân cách và đạo đức của người Công an cách mạng “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”...

Khán giả háo hức đến với Liên hoan.
Nhà hát Âu Cơ đã không còn chỗ trống trong đêm khai mạc.

Đây cũng là dịp hội ngộ quý báu để những người làm nghệ thuật trong cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và đánh giá chất lượng hoạt động nghệ thuật về đề tài an ninh, trật tự và hình tượng người chiến sỹ CAND.

Một cảnh trong vở "Không phải là vụ án" của Đoàn Kịch nói CAND.

Ngay sau lễ khai mạc, Đoàn Kịch nói CAND đã mở đầu liên hoan với vở diễn “Không phải là vụ án”, của tác giả Vương Duy Biên, đạo diễn NSƯT Công Bảy.

Lịch biểu diễn của liên hoan

Ngày 11/7: 9h, vở “Trong cơn giông thấy nắng”- Nhà hát kịch Việt Nam; 20h, vở “Tình xưa” - Đoàn kịch nói Hải Phòng.

Ngày 12/7: 9h, vở “Khoảnh khắc mong manh” của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước do Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng. 20h, vở “Phút giây định mệnh” do Trần Đình Văn chuyển thể Chèo từ nguyên tác Kịch nói của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước.

13/7: 9h, vở “Thủ phạm là ai” – Nhà hát Tuổi trẻ; 20h, vở “Dư chấn” – Nhà hát kịch Việt Nam.

14/7: 9h, vở “Người trong biển lửa” – Nhà hát Tuổi trẻ; 20h, vở “Mảnh đời run rẩy” – Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, Thanh Hóa.

15/7: 9h, vở “Người thi hành án tử” – Đoàn Kịch nói Hải Phòng; 20h, vở “Cho một ngày bình yên” – Nhà hát Tuổi trẻ.

16/7: 9h, vở “Gió đại ngàn”- Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên; 20h, vở “Phía sau vụ án”- Đoàn Kịch nói Nam Định.

17/7: 9h, vở “Nguồn sáng phía chân trời”- Nhà hát Cải lương Hà Nội”; 20h, vở “Người chiến sĩ năm xưa”- Nhà hát Chèo Quân đội.

Ngày 18/7, vở “Thành Hoàng làng”- Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định; 20h, vở “Cơn lốc cuộc đời”- Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa”.

Ngày 19/7: 9h, vở “Quyết đấu giữa sương mù”- Đoàn Kịch nói CAND; 20h, vở “Không phải là vụ án”- Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế.

Ngày 20/7; 9h, vở “Cũng là tình yêu”- Đoàn Văn công Đồng Tháp; 20h, vở “Những người lính trận”- Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Ngày 21/7: 9h, vở “Chuyên án 292”- Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn; 20h, vở “Bông hồng vàng”- Nhà hát Thế giới trẻ- Trường ĐH SKĐA TP Hồ Chí Minh.

Ngày 22/7: 9h, vở “Phía sau tội ác”- Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh; 20h, vở “Người đàn bà uống rượu”, tác giả: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước- Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn dàn dựng.

Ngày 23/7: 9h, vở “Cát trắng như gạo”- Nhà hát Thế giới trẻ-Trường ĐH SKĐA TP. Hồ Chí Minh; 20h, vở “Kẻ máu lạnh”- Sân khấu CINEMA Sao Minh Béo.

24/7: 20h, bế mạc, tổng kết và trao giải.

Cảnh Vũ - Việt Hoàng - Trang Dũng
.
.
.