Khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III:

Tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ CAND trên trận tuyến thầm lặng

Thứ Bảy, 11/07/2015, 01:37
Tối 10/7, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội), Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) và Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam đã khai mạc Liên hoan nghệ thuật sân khấu (NTSK) toàn quốc “Hình tượng Người chiến sĩ CAND” lần thứ III.

Đến dự có Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL; ông Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam; Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng Ban tổ chức liên hoan; đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Bộ Công an; Bộ VH-TT&DL; Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam cùng hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn của 20 đoàn tham dự liên hoan và đông đảo khán giả yêu thích các loại hình nghệ thuật sân khấu.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương và Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái tặng cờ lưu niệm các đoàn tham gia hội diễn. Ảnh: Quang Cảnh.

20h chương trình mới bắt đầu, nhưng trước đó. Cung đường Huỳnh Thúc Kháng, phía trước Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ như chững lại bởi dòng người đến dự liên hoan. Ở khu vực mặt tiền của Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, những tấm Pano giới thiệu về liên hoan, về những vở diễn hấp dẫn đã thu hút sự chú ý, quan tâm đặc biệt của nhiều người dân. Bên trong sân khấu, từng chiếc ghế dần dần được lấp đầy bởi dòng người không ngừng tiến vào. Đâu đó quanh khu vực hành lang, những giọt mồ hôi hòa lẫn nụ cười trên khuôn mặt của từng người trong Ban Tổ chức niềm nở đón chào khách.

Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND và NSND Lê Tiến Thọ tặng hoa chúc mừng Ban giám khảo. Ảnh: Thiện Hoàng.

Bác Nguyễn Thị Thắm (62 tuổi, nhà ở quận Hai Bà Trưng) là người đã xem rất nhiều các vở kịch của 2 lần liên hoan trước. Hôm nay, bác Thắm cùng các con, cháu của mình thu xếp công việc gia đình từ trước, để có mặt kịp giờ khai mạc liên hoan. “Đối với tôi, hình ảnh người chiến sĩ Công an luôn ở trong tâm khảm. Các anh đã thức để canh cho dân ngủ, mang lại cuộc sống yên bình. Và khi hình ảnh đẹp ấy được đưa vào các loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu, tôi lại thấy nó như đẹp hơn. Vì vậy, tôi đã dành thời gian tối đa để thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật ấy cũng như cho các con, các cháu thấy được sự cao cả mà bình dị của hình tượng người chiến sĩ Công an” – Bác Thắm chia sẻ.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, thay mặt Đảng uỷ Công an Trung ương và Lãnh đạo Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương nhiệt liệt hoan nghênh, chào mừng các tác giả, đạo diễn sân khấu và anh chị em nghệ sỹ đến với Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ III. Với sự đam mê nghệ thuật, các đoàn đã cố gắng tạo dựng nên hình ảnh đẹp của người chiến sỹ CAND trong các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Một cảnh trong vở “Không phải là vụ án” của Đoàn Kịch nói CAND trong đêm khai mạc hội diễn.

Thứ trưởng Lê Quý Vương, khẳng định: “Sau hai lần tổ chức liên hoan, lần thứ nhất năm 2005 và lần thứ hai năm 2010, Đảng uỷ Công an Trung ương, Lãnh đạo Bộ Công an càng thấy rõ hơn ý nghĩa, tác dụng to lớn của hoạt động văn hoá nghệ thuật, từ đó đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với Bộ VH-TT&DL, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam sớm có kế hoạch động viên, thu hút lực lượng sáng tác và các văn nghệ sỹ quan tâm xây dựng “Hình tượng người chiến sỹ CAND”. Đây là dịp để tuyên truyền, khắc họa đậm nét hình ảnh người chiến sỹ Công an qua hình thức NTSK, làm cho nhân dân hiểu hơn, tin tưởng hơn lực lượng Công an, từ đó tham gia tích cực cùng lực lượng Công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự”.

Được biết, sau khi có thông báo của Ban Tổ chức, nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trong cả nước đã chú trọng xây dựng kịch bản, dàn dựng các vở diễn về “Hình tượng người chiến sỹ CAND” để vừa chuẩn bị tham dự liên hoan, đồng thời tổ chức biểu diễn phục vụ nhân dân. Vì vậy, liên hoan lần này đã có sự tham gia của 20 đoàn nghệ thuật với 27 vở diễn (trong đó có 23 vở dàn dựng mới), bằng nhiều loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng như kịch nói, ca kịch, dân ca, chèo, cải lương... Đặc biệt, liên hoan lần này có sự tham gia của hai đoàn nghệ thuật Quân đội nhân dân, đem đến cho liên hoan hình ảnh Anh bộ đội Cụ Hồ, là sự thể hiện sinh động trong mối quan hệ, sự gắn bó sâu sắc giữa Quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự của đất nước...

Đông đảo khán giả đến dự lễ khai mạc. Ảnh: Thiện Hoàng.

NSƯT Trần Quang Hùng, Giám đốc Nhà hát Cải lương Hà Nội cho biết: “Chúng tôi tham gia liên hoan lần này với tác phẩm “Nguồn sáng phía chân trời”, tác giả Phạm Văn Quý, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, và tôi làm đạo diễn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi tham gia Liên hoan NTSK tôn vinh “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”. Và dĩ nhiên, cũng là lần đầu tiên, Nhà hát Cải lương Hà Nội có một vở diễn đậm chất chiến đấu, nhằm tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ Công an trên mọi mặt trận”.

Theo Trung tướng Bùi Bá Định, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trưởng BTC Liên hoan, một trong những điểm đặc biệt của LHSK năm 2015 là có 2 đơn vị Quân đội tham gia, là Nhà hát Chèo và Nhà hát Kịch nói Quân đội với 2 vở diễn có nội dung không trực tiếp nói về hình tượng người chiến sĩ Công an, mà về hình ảnh anh bộ đội, nhưng lại làm rõ hơn mối truyền thống và quan hệ đặc biệt giữa Quân đội và Công an. Đây cũng là hoạt động sau khi Tổng cục Chính trị CAND và Tổng cục Chính trị QĐND đã ký kết chương trình phối hợp hoạt động giữa 2 lực lượng vũ trang.

Đại tá, NSƯT Quốc Trượng, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên Nhà hát Chèo Quân đội tham gia Liên hoan NTSK về “Hình tượng Người chiến sĩ CAND”, cũng là lần đầu chúng tôi kết hợp được giữa hai màu áo Công an và Bộ đội trong một vở chèo mang tính chiến đấu mạnh mẽ. Chúng tôi đã huy động cả hai đoàn của nhà hát với gần 100 diễn viên tham gia”.

Bên cạnh đó, NSƯT Xuân Vũ, Trưởng Đoàn cải lương Thái Bình cũng bật mí: “Đây là lần thứ 2 chúng tôi tham gia liên hoan, lần trước, chính bản thân tôi đã được Huy chương Vàng trong vở cải lương “Vòng xoáy” của tác giả Trung tướng, nhà văn Hữu Ước. Lần này tôi tiếp tục chuyển thể và đạo diễn tác phẩm “Khoảng cách mong manh” của nhà văn Hữu Ước. Kịch bản là một đề tài nóng bỏng mà các cấp ngành, địa phương không chỉ đặt ra trong hiện tại mà lâu dài trên mặt trận chống ma túy”.

Ngay sau lễ khai mạc, Đoàn Kịch nói CAND đã mở đầu liên hoan với vở diễn “Không phải là vụ án”, của tác giả Vương Duy Biên, đạo diễn NSƯT Công Bảy.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương:

Hội diễn cũng là dịp hội ngộ quý báu để những người làm nghệ thuật trong cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau và đánh giá chất lượng hoạt động nghệ thuật về đề tài an ninh, trật tự và hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Vì vậy, tôi đề nghị các nghệ sỹ của các đoàn nghệ thuật với nhiệt huyết, lòng đam mê nghệ thuật, với ý thức lớn lao vì sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc và tình cảm với người chiến sỹ Công an nhân dân, hãy đem đến cho khán giả, đến với đại chúng và cán bộ, chiến sĩ Công an những ấn tượng sâu sắc qua từng tính cách nhân vật, từng vai diễn và từng vở diễn, góp phần vào thành công chung của Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về "Hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân" lần thứ ba, có thể thấy đó là những điểm sáng, những bông hoa đẹp, thiết thực chào mừng các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước, của dân tộc, chào mừng Đại hội Đảng các cấp, trong đó có kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.


Lịch biểu diễn

Ngày 11/7: 9h, vở “Trong cơn giông thấy nắng”, tác giả Lê Chí Trung, đạo diễn: Nghệ sĩ ưu tú: Anh Tú - Nhà hát Kịch Việt Nam; 20h, vở “Tình xưa” – Đoàn Kịch nói Hải Phòng.

Ngày 12/7: 9h, vở “Khoảnh khắc mong manh” của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước do Đoàn Cải lương Thái Bình dàn dựng. 20h, vở “Phút giây định mệnh” do Trần Đình Văn chuyển thể Chèo từ nguyên tác Kịch nói của Trung tướng, Nhà văn Hữu Ước.

13/7: 9h, vở “Thủ phạm là ai” – Nhà hát Tuổi trẻ; 20h, vở “Dư chấn” – Nhà hát Kịch Việt Nam.

14/7: 9h, vở “Người trong biển lửa” – Nhà hát Tuổi trẻ; 20h, vở “Mảnh đời run rẩy” – Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, Thanh Hóa.

15/7: 9h, vở “Người thi hành án tử” – Đoàn Kịch nói Hải Phòng; 20h, vở “Cho một ngày bình yên” – Nhà hát Tuổi trẻ.

16/7: 9h, vở “Gió đại ngàn”- Đoàn Nghệ thuật Thái Nguyên; 20h, vở “Phía sau vụ án”- Đoàn Kịch nói Nam Định.

17/7: 9h, vở “Nguồn sáng phía chân trời” - Nhà hát Cải lương Hà Nội; 20h, vở “Người chiến sĩ năm xưa”- Nhà hát Chèo Quân đội.

Ngày 18/7, vở “Thành Hoàng làng” - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Nam Định; 20h, vở “Cơn lốc cuộc đời”- Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa”.

Ngày 19/7: 9h, vở “Quyết đấu giữa sương mù”- Đoàn Kịch nói CAND; 20h, vở “Không phải là vụ án”- Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế.

Ngày 20/7; 9h, vở “Cũng là tình yêu”- Đoàn Văn công Đồng Tháp; 20h, vở “Những người lính trận”- Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Ngày 21/7: 9h, vở “Chuyên án 292”- Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn; 20h, vở “Bông hồng vàng”- Nhà hát Thế giới trẻ - Trường ĐH SKĐA TP Hồ Chí Minh.

Ngày 22/7: 9h, vở “Phía sau tội ác” - Nhà hát Kịch sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh; 20h, vở “Người đàn bà uống rượu”, tác giả: Trung tướng, nhà văn Hữu Ước - Công ty Cổ phần Sân khấu và Điện ảnh Vân Tuấn dàn dựng.

Ngày 23/7: 9h, vở “Cát trắng như gạo” - Nhà hát Thế giới trẻ - Trường ĐH SKĐA TP Hồ Chí Minh; 20h, vở “Kẻ máu lạnh”- Sân khấu CINEMA Sao Minh Béo.

24/7: 20h, bế mạc, tổng kết và trao giải.

Cảnh Vũ
.
.
.