Hội thảo khoa học “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc”

Thứ Sáu, 21/12/2018, 15:47

Ngày 21-12, hội thảo khoa học quốc gia “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc” đã diễn ra tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức nhân kỷ niệp 74 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 5 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.



Hội thảo cũng là sự kiện nhằm tôn vinh và tổng kết những bài học từ đóng góp, ảnh hưởng to lớn của Đại tướng với tư cách là một là nhà yêu nước, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp ngời sáng trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng nền văn hóa Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Một trong số các hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trưng bày bên lề hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của hàng trăm tướng lĩnh, sĩ quan quân đội, các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ sĩ nổi tiếng khắp cả nước với hơn 60 tham luận công phu, tâm huyết, xúc động về Đại tướng. Các tham luận tập trung làm sáng tỏ 3 nội dung chính: Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần yêu nước, chủ nghĩa nhân văn, tư tưởng quân sự Việt Nam; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh; Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các nhà hoạt động giáo dục, văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ. 

Phát biểu tại hội thảo, TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam, ông Nguyễn Thế Khoa khẳng định: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc”  là một đề tài nghiên cứu khoa học rất rộng, khó, lớn. Trên khía cạnh văn hóa quân sự, như đánh giá của các chuyên gia quân sự hàng đầu trong và ngoài nước, Đại tướng là “Tư lệnh của mọi tư lệnh, chính ủy của mọi chính ủy”, “một trong những thiên tài quân sự lớn nhất mọi thời đại”. 

Hội thảo khoa học về "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với văn hóa dân tộc" tại Hà Nội ngà 21-12

Đại tướng là người đã tiếp thu và phát triển tư tưởng quân sự truyền thống Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn với tư tưởng quân sự hiện đại của thế giới để xây dựng  nên một hệ thống tư tưởng minh triết về chiến tranh nhân dân, kết hợp giữa quân sự với chính trị, ngoại giao, chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích, nghệ thuật lấy yếu thắng mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại… được cả thế giới khâm phục, học tập. 

Trong một thời gian khá dài thời trẻ, Đại tướng còn là một nhà báo tài năng, không những biên dịch, viết báo mà còn sáng lập báo, viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, từng là người thầy giáo dạy sử được yêu mến, là một trong hai người hiểu và viết về tư tưởng Hồ Chí Minh toàn diện, sâu sắc nhất, thực chất nhất, thuyết phục nhất. Nhưng, có lẽ đóng góp lớn nhất của Đại tướng cho văn hóa dân tộc chính là nhân cách văn hóa cao đẹp. 

Đó là người cộng sản trong sáng, rất mực yêu nước, thương dân, suốt đời dĩ công vi thượng. Đó là một tổng tư lệnh đại trí đại dũng, biết đau với từng vết thương, biết tiếc từng giọt máu của chiến sĩ. Đó là một vị tướng bách chiến bách thắng nhưng luôn khoan hòa khiêm cung. Đó là vị khai quốc công thần luôn kham nhẫn, giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực… Sau hội thảo, ban tổ chức sẽ tổng hợp, biên tập, bổ sung các tham luận để in thành sách, phát hành rộng rãi trong cộng đồng.

Phục vụ buổi hội thảo còn có một số hoạt động khác: Trưng bày một số hiện vật, hình ảnh về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện, trưng bày một số tác phẩm về Đại tướng do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, Nguyễn Đình Toán, Trần Định thực hiện…


Ngọc Nguyễn
.
.
.