ANTT lễ hội đầu năm: Nếu không thay đổi cách tổ chức, Công an cũng "bó tay"

Thứ Bảy, 21/04/2018, 08:34
Ngày 20-4, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Mậu Tuất 2018. 

Tại đây, nhiều vấn đề nóng của mùa lễ hội vừa qua đã được mang ra thảo luận, rút kinh nghiệm nhằm tìm ra hướng đi tích cực nhất cho công tác tổ chức mùa lễ hội tiếp theo.

Nhận định về những điều đã đạt được trong mùa lễ hội đầu xuân 2018, Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, các hoạt động lễ hội đầu năm diễn ra an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam. 

Từ lễ hội có quy mô cấp tỉnh, huyện đến các lễ hội phạm vi làng, xã... được tổ chức trang nghiêm, thành kính, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của nhân dân.

Còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh tại mùa lễ hội năm nay. Ảnh minh họa.

Cũng theo đánh giá của Cục Văn hóa cơ sở, các lễ hội mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ như: Lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) năm thứ ba không tổ chức chém lợn giữa sân đình; Hội Phết Đình Đông Lai (Vĩnh Phúc) diễn ra an toàn không có nội dung tổ chức cướp phết mà chỉ thực hành trình diễn nghi lễ; 

Hội Phết Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ) đã thay đổi hình thức tổ chức mới, chia đội và giới hạn khu vực chơi đảm bảo cho hoạt động lễ hội diễn ra an toàn; Lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) năm đầu tiên thay đổi hình thức cướp lộc, không xuất hiện cảnh tranh giành cướp giò hoa tre…

Tuy nhiên, ngoài những vấn đề tích cực, nhìn nhận trên bình diện chung, mùa lễ hội vừa qua vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn xảy ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy, giành lộc tại một số lễ hội. 

Đốt đồ mã, vàng mã vẫn còn nhiều tại các di tích, đền, phủ, gây ô nhiễm môi trường, lãng phí, nguy cơ hỏa hoạn. Bên cạnh đó, một số cơ quan còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật lao động, đi lễ hội trong giờ hành chính như: Lãnh đạo và công chức Kho bạc Nhà nước TP Nam Định, lãnh đạo và công chức Điện lực Bình Lục (Hà Nam)…

Cùng với đó, hiện tượng bày và đổi tiền hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích lễ hội như: Đền Sóc, Chùa Hương (TP Hà Nội), đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)... 

Mặt khác, một số lễ hội, di tích vẫn để xảy ra tình trạng bán hàng rong, ăn xin, gây ảnh hưởng tới mỹ quan di tích; công tác vệ sinh môi trường, ùn tắc giao thông, đặt tiền giọt dầu, thu gom tiền công đức tại một số di tích chưa kịp thời...

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho rằng, bên cạnh những hạn chế kể trên vẫn còn nhiều lễ hội có biểu hiện lệch lạc trong khai thác hoạt động lễ hội. Từ đó sinh ra việc nâng cấp quy mô, mở rộng phạm vi lễ hội, đưa nhiều nội dung không phù hợp, không có trong hồ sơ di tích-di sản. 

“Về nguyên tắc phải tôn trọng những giá trị truyền thống lễ hội. Không xuyên tạc, không bóp méo, không đưa vào lễ hội những hiện tượng lệch lạc... Nếu không quản lý và xiết chặt, về tương lai sẽ có hàng chục lễ phát ấn. Như thế là có tội với tổ tiên, với cộng đồng. Việc đưa những hiện tượng không đúng trong hồ sơ di tích – di sản là không đúng với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” - Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.

Nói về Hội Phết Hiền Quan, Chủ tịch huyện Tam Nông - Phú Thọ chia sẻ: “Hội Phết Hiền Quan vốn trước đây là đánh phết, trải qua quá trình được chuyển sang thành cướp phết. Vì hội cướp nên phải đông vui. Cướp phết là tất cả mọi người đều muốn mình may mắn, muốn chạm được, cướp được phết để lấy may. Lúc đầu chỉ cho 100 người cướp thôi nhưng khi ra sân ai cũng muốn cướp nên khó kiểm soát. Tuy nhiên, không có chuyện đánh nhau gây thương tích. Ban tổ chức (BTC) đã huy động 70 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động của tỉnh tăng cường, 50 Cảnh sát của huyện và rất đông dân quân tự vệ để bảo vệ an toàn các hoạt động trong lễ hội”.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng, nếu để Hiền Quan tiếp tục tổ chức lễ hội cướp phết mà không có phương án thay đổi cụ thể thì có đến 1.000 cán bộ, chiến sĩ Công an cũng không đảm bảo được vấn đề an ninh. Đặc biệt, dù tổ chức ở ruộng nhưng BTC không có phương án nào để người dân xung quanh không chạm vào phết.

Về hội chọi trâu Phù Ninh - Phú Thọ, bà Ninh Thị Thu Hương cũng bày tỏ rằng, trong 3 hội chọi trâu (Phù Ninh (Phú Thọ), Đồ Sơn (Hải Phòng) và Hải Lựu (Vĩnh Phúc) hiện nay thì chọi trâu Phù Ninh là đáng lo ngại nhất. Công tác tổ chức ở hội này chưa tốt khiến bản thân bà Hương ngồi dự mà không ít lần “thót” tim. Hàng rào rất đơn sơ, không có lối riêng dẫn trâu vào.

“Tôi theo 2 ngày ở Phù Ninh, công tác trật tự cực kỳ đáng báo động. Hôm đó con trâu số 3 đúng là trâu điên, tôi phải gọi điện cho Chủ tịch huyện đề nghị dắt ngay con trâu số 3 ra không thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Vấn đề vệ sinh môi trường bẩn khủng khiếp, khách đến xem hôm trước xả rác la liệt nhưng hôm sau vẫn chưa được dọn. Công tác đảm bảo an ninh phải xem lại. Tổ trọng tài không có kỹ năng gì cả, cứ chạy loăng quăng, không có biện pháp gì khống chế trâu chọi” - bà Hương khẳng định.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng nhấn mạnh, cả Hải Lựu và Phù Ninh cần sớm xây dựng đề án đổi mới mô hình tổ chức lễ hội chọi trâu ở địa phương mình. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tính truyền thống và mang lại những giá trị giáo dục thực sự cho cộng đồng thì phải xem xét dừng những hội này lại để đảm bảo lễ hội đi vào trật tự. 

Riêng về Hội chọi trâu Đồ Sơn, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cũng yêu cầu phải đổi mới phương thức tổ chức và có phương án chi tiết. Bộ VH-TT&DL sẽ thành lập hội đồng để thẩm định đề án này một cách kỹ càng nhất…

Cảnh Vũ
.
.
.