Thỏa thuận đổi tên nước giữa Macedonia và Hy Lạp: Cuộc tranh cãi dài 3 thập kỷ

Thứ Hai, 18/06/2018, 17:59

Hy Lạp có diện tích ~132.000 km2, gấp hơn 5 lần so với diện tích của Macedonia; GDP danh nghĩa bình quân đầu người của nước này cũng luôn gấp ít nhất 2 lần Macedonia. Vậy tại sao gần 30 năm qua Athens vẫn luôn phản đối người láng giềng khi Skopje xin gia nhập EU và NATO? Đó là một câu chuyện dài liên quan tới lãnh thổ và danh dự của những hậu duệ của Alexander Đại đế.

Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận lịch sử hôm 17-6. Ảnh: Reuters. 

Ngày 17-6 tại khu vực Prespes, biên giới giữa Hy Lạp và Macedonia, Ngoại trưởng hai nước này là Nikos Kotzias và Nikola Dimitrov đã ký kết thỏa thuận lịch sử giữa hai bên về việc đổi tên Macedonia từ Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia, trước sự chứng kiến của Thủ tướng hai bên và một số quan chức cấp cao Liên Hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU).

Các chuyên gia phân tích chính trị thế giới cho biết, tuy thỏa thuận này còn phải đệ trình và thông qua bởi quốc hội cũng như cần được trưng cầu dân ý, nhưng đây được coi là một trong những bước tiến lịch sử, góp phần thúc đẩy chấm dứt những tranh cãi kéo dài hơn ¼ thế kỷ về tên gọi của Macedonia và mở đường cho quốc gia Balka này gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Sự trùng hợp “nhạy cảm”

Macedonia là một quốc gia nhỏ bé với diện tích ~26.713km2, nằm ở Đông Nam châu Âu với thủ đô là Skopje. Macedonia tuyên bố độc lập vào ngày 8-9-1991 sau khi tách khỏi Liên bang Nam Tư, phía Đông – Tây – Nam – Bắc lần lượt giáp Bulgaria – Albania – Hy Lạp – Serbia và Kosovo.

Cộng hòa Macedonia trùng tên với vùng phía Bắc của Hy Lạp, nơi được coi là cái nôi của Macedonia cổ đại do Alexander Đại đế cai trị. 

Điều đáng lưu ý là tại phía Bắc của Hy Lạp, giáp với Macedonia là một vùng có tên gọi giống hệt với quốc gia Balka này. Vùng Macedonia của Hy Lạp được coi là cái nôi của Macedonia cổ đại cai trị bởi Alexander Đại đế, có thành phố lớn thứ hai đất nước là Thessaloniki sau Athens và sở hữu khu khảo cổ Philippi, nơi in đậm dấu chân của thánh Phaolo (người sáng lập nhà thờ Kito giáo đầu tiên trên lục địa châu Âu vào năm 49-50) được UNESCO công nhận danh hiệu Di sản thế giới.

Hy Lạp luôn lo ngại rằng sự trùng hợp nhạy cảm này có thể dẫn tới việc vùng Macedonia có nguy cơ bị rơi vào “yêu sách” của nước láng giềng, vì thế gần 30 năm qua, Athens vẫn luôn quyết tâm “veto” khiến Skopje chưa thể gia nhập EU và NATO như mong muốn.

Lật lại lịch sử gia nhập Liên Hợp quốc và hiến pháp của Macedonia sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự quan ngại sâu sắc của Hy Lạp. Khi chính thức được Liên Hợp quốc kết nạp vào năm 1993, khối này chấp nhận Macedonia sử dụng tên gọi Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia, nhưng nước này khẳng định đây chỉ là tên gọi tạm thời.

Ngoài ra, trong Điều 3 và Điều 49 Hiến Pháp Macedonia còn nêu rõ rằng biên giới Skopje có thể thay đổi được và Macedonia quan tâm tới quyền lợi và chỗ đứng của người thuộc dân tộc Macedonia ở các nước làng giềng.

Lịch sử không thể thay đổi

Nhà khảo cổ học Stephen Miller thuộc Đại học California, Berkeley cho biết, điều gì đã là lịch sử thì không thể thay đổi được. Vùng đất phía Bắc của Hy Lạp được gọi là Macedonia từ khoảng 3.000 năm trước, còn đất nước Macedonia bây giờ thực chất là một vương quốc có tên là Paionia, được cha của Alexander Đại đế chinh phạt và hợp nhất vào Hy Lạp cổ. Đến thời Alexander Đại đế, người của Paionia lại giúp Đại đế tấn công Ba Tư và có được phần lãnh thổ Hy Lạp cổ với ranh giới đến tận Ấn Độ ngày nay.

Hồi tháng 2 vừa qua, hơn 140.000 người Hy Lạp đã diễu hành đến quốc hội tại Athens để biểu thị "Macedonia là Hy Lạp". Họ cho rằng, quốc gia của họ là vùng đất của những vị thần và rất tôn sùng Alexander Đại đế, chính vì vậy không có cớ gì mà quốc gia láng giềng lại lấy tên gọi là Macedonia mà không phải là một cái tên khác. Do giáp với 5 quốc gia nên người dân của Skopje hiện nay chủ yếu là người Slavs hoặc Albania, số người thuộc tộc Macedonia chiếm rất ít.

Tượng Alexander Đại đế tại vùng Macedonia - Hy Lạp. 

Bà Anatasia Karakasidou, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Wellesley cho hay việc Cộng hòa Nam Tư cũ Macedonia đổi tên gọi đất nước thể hiện sự thiện chí của  nước này đối với người dân và đất nước Hy Lạp. “Tên gọi mới vừa khác biệt lại vừa không khác biệt. Về logic, mọi thứ cần rõ ràng trên giấy tờ và tên gọi mới này không khác mấy so với tên gọi cũ. Nhưng về mặt tình cảm, người Hy Lạp sẽ có cách nhìn hoàn toàn khác”.

Hiểu rõ được sự việc này, trong một phát ngôn gần đây, chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chia sẻ rằng, ông đã gọi thỏa thuận đổi tên nước của Macedonia là thỏa thuận giữa Athens và Skopje để tránh “động chạm”.

Ông Stoltenberg nói: "Thỏa thuận lịch sử giữa Athens và Skopje là minh chứng cho nhiều năm ngoại giao và sự cởi mở của hai nhà lãnh đạo giúp giải quyết tranh chấp đã ảnh hưởng đến khu vực quá lâu. Điều này sẽ đặt Skopje trên con đường trở thành thành viên NATO. Và nó sẽ giúp củng cố hòa bình và ổn định trên khắp vùng Balkans và phương Tây rộng lớn hơn".

Đồng thời ông Jens Stoltenberg và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều hoan nghênh thỏa thuận nêu trên và coi đây là hình mẫu cho các nước về cách thức giải quyết hòa bình và ổn định các tranh chấp trên khắp khu vực.

Được biết, nếu việc trưng cầu dân ý và đệ trình lên quốc hội được thông qua, Skopje sẽ tiến hành sửa đổi hiến pháp với tên gọi là Cộng hòa Bắc Macedonia vào cuối năm nay, đồng thời chỉnh lý sách giáo khoa lịch sử. 

Linh Đan (TH)
.
.
.