Tại sao Nga-Triều lại chọn Vladivostok là nơi gặp mặt thượng đỉnh?

Thứ Tư, 24/04/2019, 09:30
Với vị trí đặc biệt, thành phố Vladivostok ở vùng Viễn Đông Nga từng được xem là "cánh cửa sổ" bước ra thế giới bên ngoài của không ít người Triều Tiên.


Điện Kremlin ngày 23-4 chính  thức xác nhận Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ gặp mặt thượng đỉnh lần đầu vào ngày 25-4 tại thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông nước Nga.

"Cuộc họp sẽ tập trung vào giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cùng nhiều mặt hợp tác giữa hai nước", ông Yuri Ushakov, trợ lý chính sách đối ngoại của Điện Kremlin, phát ngôn với báo giới.

Lãnh đạo Nga-Triều sẽ gặp mặt ở Vladivostok vào ngày 25-4. Ảnh: ITN

Cùng ngày, Chosun Ilbo của Hàn Quốc đưa tin Kim Jong-un hôm nay lên tàu hỏa rời Bình Nhưỡng để tới Vladivostok trên hành trình dài 700 km, mất khoảng 10-15 giờ. Tờ báo này cũng tiết lộ Kim Yo-jong, em gái ông Kim, hôm qua đã tới Vladivostok bằng máy bay để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.

Vladivostok ở đâu?

Thành phố Vladivostok cách thủ đô Moscow khoảng 9.000km, nằm trên bờ Thái Bình Dương, giáp đường biên giới trên đất và trên biển với Triều Tiên, Trung Quốc và Nhật Bản. Từ xa xưa, vùng Vladivostok thuộc vương quốc Bohai (năm 698 - 926). Từ thế kỷ thứ 10, khu vực này do người Mông Cổ kiểm soát, sau đó là người Mãn Châu, Trung Quốc.

Trong hàng trăm năm kế tiếp, vùng đất này là nơi giao tranh giữa các tộc người rồi chìm vào quên lãng cho đến nửa sau thế kỷ 19. Tới khi Nga ký Hiệp ước Aigun về vùng lãnh thổ và thương mại với Trung Quốc vào năm 1858, Vladivostok chính thức nằm dưới quyền quản lý của Điện Kremlin.

Vị trí chiến lược của thành phố Vladivostok.

Sau đó, thành phố nhanh chóng được đầu tư xây dựng, dù nằm cách xa thủ đô thời bấy giờ hàng tháng đi đường. Trong tiếng Nga, Vladivostok có nghĩa là "người cai trị phương Đông". Người ta nói rằng cái tên của thành phố thể hiện rõ nhất khao khát mở rộng hơn nữa đế chế Âu – Á của Nga hoàng, đồng thời muốn biến Vladivostok thành tiền đồn nối nước Nga với hai miền Đông - Tây xa xôi.

Sau chiến tranh Nga – Nhật năm 1904, Vladivostok trở thành căn cứ hải quân mạnh nhất của Đế chế Nga, của Liên bang Xô Viết rồi của nước Nga ngày nay trên Thái Bình Dương. Từ những năm 1958 tới 1991, Vladivostok trở thành đại căn cứ quân sự bí mật lớn nhất của Liên Xô.

Tới năm 1992, gần một năm sau khi Liên Xô tan rã, Vladivostok được “mở cửa” trở lại. Gần 3 thập kỉ qua, với sự đầu tư chiến lược từ Tổng thống Putin, Vladivostok đã nhanh chóng trở thành thành phố cởi mở và tự do bậc nhất nước Nga và được đánh giá là một trong những vùng đất năng động nhất thế giới.

Vào năm 2012, với mong muốn giới thiệu hình ảnh mạnh mẽ về một cường quốc trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, Moscow từng chi tới 20 tỷ USD để đầu tư cải tạo Vladivostok cho hội nghị thượng đỉnh APEC.

Một góc thành phố Vladivostok. Ảnh: Thiện Minh

Đây được coi là chương trình xây dựng lớn nhất của nước Nga sau khi Liên Xô sụp đổ. Và bằng cách tỏ rõ sự quan tâm đến vùng Viễn Đông rộng lớn, nước Nga dường như muốn nhắm tới hai mục đích chiến lược: Trước tiên là để giữ vững chắc vùng biên giới phía Đông và thứ hai chính là nhằm phát triển hợp tác kinh tế với các nước Châu Á láng giềng.

Sợi dây gắn kết Nga-Triều

 Nếu đối với người Nga, Vladivostok đóng vai trò quan trọng trong việc trực tiếp kết nối quốc gia này với các nước ở khu vực Đông Bắc Á cũng như bên bờ Thái Bình Dương; thì đối với người Triều Tiên, thành phố Viễn Đông của Nga rõ ràng giống như cánh cửa sổ bước ra thế giới bên ngoài, vượt qua sự cô lập của phương Tây.

Theo các báo cáo do chính quyền Nga công bố, Vladivostok từng là nơi sinh sống và làm việc của ít nhất 15.000 lao động Triều Tiên, trước khi gói lệnh trừng phạt khắt khe nhằm vào Triều Tiên được siết chặt vào năm 2017.

“Họ là những người đặc biệt chăm chỉ và cẩn thận. Họ không nghỉ ngơi quá lâu, không thường xuyên hút thuốc lá hay né tránh nhiệm vụ”, một trang web của công ty tuyển dụng lao động Triều Tiên ở thành phố Vladivostok, Nga, viết về những người lao động đến từ Triều Tiên.

Người lao động Triều Tiên ở Nga. Ảnh: Sputnik

Theo ước tính do CNN công bố, phía Triều Tiên thu được ít nhất 120 triệu USD mỗi năm từ người lao động làm việc ở Nga, phần lớn là tại Vladivostok gửi về. Đó từng là nguồn thu quan trọng cho Triều Tiên, góp phần giúp quốc gia này phát triển kinh tế, xã hội.

Tháng 5-2017, Triều Tiên đã khai trương một chuyến phà đặc biệt nối cảng Rajin của nước này với thành phố Vladivostok của Nga để phục vụ công dân hai nước đi lại. Đây là một trong những chuyến phà cỡ lớn hiếm hoi của Triều Tiên nối nước này với các nước khác trong khu vực.

Các chuyên gia khi đó khẳng định việc mở tuyến đường đánh dấu nỗ lực mạnh mẽ của Bình Nhưỡng nhằm phát triển quan hệ thương mại và du lịch với nước láng giềng gần gũi.

Tháng 12-2017, Nghị quyết 2397 của Hội đồng bảo an LHQ được thông qua, yêu cầu các quốc gia thành viên LHQ phải cho hồi hương tất cả các công dân Triều Tiên có thu nhập tại nước mình không quá 24 tháng, tức là trước tháng 12-2019.  Trước khi đến hạn này, Nga vẫn chưa đưa ra tuyên bố nào chính thức, còn các quan chức của Bình Nhưỡng vẫn thiết tha đề nghị Moscow tiếp tục tuyển dụng lao động Triều Tiên.

Ria Novosti, trong khi đó, nói rằng, ngoài hợp tác về nhân lực và du lịch, Moscow và Bình Nhưỡng cũng từng theo đuổi một số dự án kinh tế chung, gồm khôi phục và mở rộng tuyến đường sắt dài 54 km giữa cảng Rajin của Triều Tiên và Khasan ở Nga.

Phà Mangyongbong nối Nga và Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Nga từ lâu thể hiện khao khát vận chuyển nguồn khoáng sản dồi dào như dầu mỏ và quặng tới các nền kinh tế lớn nhưng nghèo tài nguyên ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Rõ ràng, con đường đi qua Triều Tiên là đường ngắn nhất, thuận lợi nhất.

Từ phía Triều Tiên, việc mở một con đường nối với Nga là cơ hội hiếm có để phát triển kinh tế. Năm 2011, cha của ông Kim Jong-un là ông Kim Jong-Il, tới Siberia để thảo luận về các dự án đường ống dẫn khí và điện với Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, các dự án này đến nay vẫn chưa được thúc đẩy.

Rõ ràng, ngoài việc tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Triều Tiên chắc chắn hi vọng cuộc  gặp thượng đỉnh lịch sử với Tổng thống Vladimir Putin là cơ hội quan trọng mở ra các mặt hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác thương mại.

Bởi vậy, việc chọn thành phố Vladivostok làm nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh, ngoài lí do có thể rút ngắn đường di chuyển cho Chủ tịch Kim Jong-un, rõ ràng nó cho thấy mong muốn gắn kết thực sự của lãnh đạo Nga-Triều Tiên.

Thiện Minh
.
.
.