Những hình ảnh thảm khốc về thảm kịch chìm tàu ngầm Kursk cách đây 20 năm

Thứ Năm, 13/08/2020, 10:50
Kursk, chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon lớn nhất thế giới của Nga, đã chìm khi đang tập trận trên biển Barent cách đây đúng 20 năm, cướp đi sinh mạng của toàn bộ 118 thủy thủ trên khoang.
Khoảng 11h30 ngày 12/8/2000, trong khi đang tập trận bắn đạn giả trên biển Barents, hai vụ nổ lớn liên tiếp đã bất ngờ xảy ra bên trong chiếc tàu ngầm hạt nhân K-141 “Kursk” của Hải quân Nga. Vài phút sau, Kursk đã từ từ chìm sâu xuống đáy biển Barents. Bất chấp hàng loạt biện pháp cứu giúp được tiến hành nhanh chóng, người Nga đã không thể làm gì hơn, toàn bộ 118 thủy thủ và sĩ quan đã hy sinh.
Lần cuối cùng con tàu được nhìn thấy nổi lên ở cảng là khoảng 5 giờ sáng ngày 12/8/2000. Tại khu vực Severomosk, Hạm đội phương Bắc, con tàu đã chậm rãi tiến từ cảng Murmansk ra biển Barents trong một cuộc tập trận bắn ngư lôi giả. Tham gia cùng K-141 Kursk còn có một tàu khác thuộc lớp Typhoon và K-114 “Tula” (thuộc lớp Delta IV). 
Khoảng 11h30 ngày 12/8/2000, cả hạm đội nghe thấy một tiếng nổ từ bên dưới lòng biển, nguyên nhân ngay lập tức được xác định. Gần như ngay sau đó, người ta đã nhận được tin dữ: K-141 phát thông báo khẩn cho biết có tiếng nổ trong khoang phóng ngư lôi.
Sau 2 vụ nổ, các thủy thủ trên K-141 đã tập trung vào khu vực mà họ cho là an toàn nhất. Thuyền trưởng của tàu, Đại úy Dmitri Kolesnikov, dường như đã cố gắng viết tên những người sống sót. Họ cũng dùng nhiều cách để thoát ra ngoài, nhưng mọi nỗ lực đều thất bại vì áp suất nước quá lớn: Tàu đã chìm xuống độ sâu 108m.
Vì nhiều lý do, Nga ban đầu đã tự mình làm mọi thứ mà không chấp nhận đề xuất giúp đỡ từ phía Anh và Na Uy. Mãi tới ngày 20/8/2000, hơn một tuần sau tai nạn, Nga mới cho phép các tàu Na Uy tiếp cận hiện trường. Trong khi đó, Mỹ cũng đã âm thầm cử một hạm đội đến khu vực nhưng đã vấp phải sự phản đối của Nga vì để đảm bảo công nghệ chiến lược trên K-141 “Kursk”.
Vào thời điểm Na Uy xuất hiện, truyền thông vẫn hy trọng rằng một số thủy thủ còn sống sót trên tàu ngầm Kursk. Tuy nhiên, khi các thợ lặn Na Uy mở cửa thoát hiểm của con tàu, họ xác nhận rằng toàn bộ 118 thủy thủ trên tàu Kursk đã thiệt mạng. Tới năm 2002, gần hai năm sau thảm họa, chiếc K-141 mới  được trục vớt bởi 2 công ty của Hà Lan với chiếc xà lan khổng lồ Giant 4.  
Trong đúng 20 năm qua, rất nhiều giả thuyết khác nhau về tai nạn của chiếc tàu ngầm hạt nhân tối tân Kursk đã được đưa ra, nhiều người cho rằng thảm họa xảy ra do có lỗi trong phần thiết kế hay Nga đã vi phạm những quy định bảo dưỡng và cất giữ vũ khí. 
Có giả thuyết thì cho rằng tàu ngầm Kursk của Nga bị một tàu ngầm của Mỹ đang hoạt động trên biển Barents bắn nhầm và hai bên đã thương thảo để "ém chặt" vụ việc nhằm tránh một cuộc xung đột quân sự có thể đẩy cả thế giới vào cảnh đen tối.
Trong khi đó, theo kết luận cuối cùng của Ủy ban Điều tra của Chính phủ Nga, nguyên nhân của vụ chìm tàu là do một vụ nổ xảy ra trong khi tàu đang chuẩn bị phóng thủy lôi vào một mục tiêu giả định khi tập trận. Tuy vậy, không phải ai cũng hài lòng với kết luận này.
Theo hình ảnh từ những gì còn lại của con tàu, sự cố đã khiến con tàu gãy làm đôi, khiến nước nhanh chóng tràn vào các khoang kĩ thuật và làm hư hỏng mọi hệ thống kĩ thuật trên tàu. Tuy nhiên, khoang vũ khí, vốn có thể gồm một vài tên lửa hạt nhân, đã không bị hư hại. Trong ảnh là một quả tên lửa hiện đại vẫn còn nguyên vẹn bên trong một khoang chứa trên chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Nga.
Vào năm 2002, trong một buổi lễ tưởng niệm các sĩ quan và thủy thủ hy sinh trong tai nạn K-141 “Kursk”. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng xin lỗi toàn thể người dân và thân nhân của các sĩ quan, thủy thủ hy sinh trên chiếc K-141.
Ngày 22/8/2000, Tổng thống Putin ra sắc lệnh tuyên bố ngày 23/8 năm đó là ngày Quốc tang để tưởng nhớ 118 sĩ quan và thủy thủ đã hi sinh trên tàu ngầm nguyên tử Kursk. Ông Putin cũng đã cách chức nhiều lãnh đạo Hạm đội phương Bắc, trong đó gồm chỉ huy hạm đội, đô đốc Vyacheslav Popov.
Tai nạn của K-141 “Kursk” là một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Hải quân nước Nga và thế giới. Bên cạnh nỗi đau, nhiều người cho rằng đó là cả sự nuối tiếc cho một trong những phương tiện hạt nhân hiện đại bậc nhất trên thế giới. Thảm họa tàu ngầm hạt nhân Kursk cũng thúc đẩy hải quân Nga cải tổ quy trình và nâng cấp hệ thống đảm bảo an toàn trên các tàu ngầm của mình.
Dù vậy, có một điều mà người ta luôn chắc chắn, đó là những thủy thủ trên chiếc tàu ngầm xấu số đã hoàn thành nhiệm vụ tới giây phút cuối cùng, còn người Nga thì luôn nhớ đến họ như những anh hùng của Tổ quốc.
Thiện Nhân (Tổng hợp)
.
.
.