Nga có vội vã khi cấp phép vaccine Sputnik V ngừa COVID-19?

Thứ Tư, 12/08/2020, 11:11
Nga không phải quốc gia duy nhất tham gia cuộc đua chế tạo vaccine chống lại đại dịch toàn cầu COVID-19, song lại trở thành nước đầu tiên cấp phép cho một mẫu vaccine.

Khoảnh khắc Sputnik

Từ khi khởi phát cuối năm ngoái ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, đại dịch toàn cầu COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 750.000 người trong tổng số 20,5 triệu ca nhiễm. Ngày 11/8, mẫu vaccine đầu tiên trên thế giới chống lại dịch bệnh này chính thức được cấp phép tại Nga.

Trong bài phát biểu được cả thế giới quan tâm, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga là quốc gia đầu tiên phê duyệt mẫu vaccine ngừa dịch COVID-19. "Tôi biết vaccine hoạt động rất hiệu quả, tạo ra được miến dịch mạnh, và xin nhấn mạnh, nó đã vượt qua mọi khâu thẩm định cần thiết", ông Putin tuyên bố.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Theo lời nhà lãnh đạo Nga, một trong hai con gái của ông đã tiêm vaccine do các nhà khoa học Nga điều chế. Sau mũi tiêm đầu tiên cô sốt nhẹ, nhưng nhanh chóng khỏe lại. "Chỉ vậy thôi, sau mũi tiêm thứ hai, thân nhiệt tăng nhẹ. Mọi thứ đều ổn, cô bé thấy khỏe, mức kháng thể trong máu cao", Putin mô tả.

Kirill Dmitriyev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), cho biết vaccine do Viện nghiên cứu Gamaleya có trụ sở tại Moscow hợp tác với Bộ Quốc phòng Nga phát triển. Mẫu vaccine được đặt tên là Sputnik V, đặt theo tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 được phóng lên vũ trụ năm 1957.

"Vaccine Sputnik V của Nga ra đời, trở thành mẫu vaccine đầu tiên trên thế giới chống COVID-19 và gợi lại kí ức về sự kiện lịch sử nhân loại khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên lên vũ trụ, khởi động cuộc đua chinh phục không gian bao la của loài người. Và đó không chỉ là kỷ nguyên của các cuộc cạnh tranh mà còn là kỉ nguyên của hợp tác", Dmitriyev nói trên Sputnik hôm 11/8.

Nga không phải quốc gia duy nhất nỗ lực chế tạo vaccine ngừa COVID-19 và cũng không phải quốc gia đầu tiên tham gia cuộc đua này. Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/8 cho thấy thế giới có tổng cộng 168 vaccine COVID-19 đang được nghiên cứu. Trong đó, 28 loại đang được thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, các mẫu vaccine nói trên chưa có được bước tiến xa như Sputnik V.

Dmitriyev cho biết bí quyết để Nga "đi sau nhưng về trước" là việc ứng dụng các thành tựu sẵn có trong nghiên cứu các biện pháp điều trị các dịch bệnh như Ebola và MERS, vốn được cho là có nhiều điểm tương đồng với COVID-19.

Các nhà khoa học Nga phát triển vaccine COVID-19 thành công chỉ trong vòng vài tháng. Ảnh: Sputnik

Sputnik dẫn lời các chuyên gia Nga nói rằng công nghệ sản xuất Sputnik V dựa trên adeno virus, một loại rirus gây cảm cúm. Nhờ việc được điều chỉnh đúng cách, các protein trong Sputnik V đã sao chép các protein của SARS-CoV-2 dù không có thành phần nào của virus SARS-CoV-2 trong vaccine.

Khi được đưa vào cơ thể, chúng sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch tương tự như phản ứng do chính virus SARS-CoV-2 gây ra, nhưng không khiến cơ thể bị ảnh hưởng, từ đó xây dựng hàng rào miễn dịch chống lại COVID-19 trong trường hợp người được tiêm bị phơi nhiễm với virus trong thời gian hai năm.

Theo lời ông Dmitriyev, Nga đang thương thảo với các nước để sản xuất hơn 500 triệu liều vaccine COVID-19 trong 12 tháng đầu tiên. Đến nay, ít nhất 20 quốc gia đăng kí mua một tỷ liều vaccine do Nga điều chế. Một loạt quốc gia tại Châu Á, Trung Đông và Mỹ Latin đã đều tỏ ra quan tâm tới mẫu vaccine.

Cách đây vài tuần, khi Nga thông báo là quốc gia đầu tiên hoàn tất thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người với việc các tình nguyện viên đều xuất hiện kháng thể và khỏe mạnh sau khi tiêm, Dmitriyev từng tuyên bố: "Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi họ nghe thấy tiếng bíp của Sputnik, vaccine này cũng vậy… Nga có lẽ sẽ là một trong những nước đầu tiên sản xuất vaccine, dù hàng tỷ USD được đầu tư vào Mỹ và tất cả công ty dược đều nhắm đến mục tiêu này. Câu chuyện sẽ gây sốc một chút".

Vaccine của Nga có thật sự an toàn?

Sau thời điểm Tổng thống Putin thông báo Nga đã phê duyệt vaccine Sputnik V, một loạt ý kiến từ các quốc gia phương Tây và truyền thông đã dấy lên lo ngại về tính an toàn và hiệu quả thực tế của mẫu vaccine do Nga chế tạo. Scott Gottlieb, cựu quan chức cơ quan dược phẩm Mỹ thậm chí tuyên bố với báo giới rằng ông sẽ không dùng vaccine COVID-19 của Nga.

Hoạt động thử nghiệm vaccine được Nga tiến hành từ tháng 6/2020. Ảnh: ITN

"Tôi chắc chắn sẽ không dùng nó ngoài mục đích thử nghiệm lâm sàng vào lúc này. Nó dường như mới được thử nghiệm tối đa trên vài trăm bệnh nhân. Một số báo cáo còn cho hay nó được thử nghiệm với chưa đến 100 bệnh nhân", Gottlieb nói với CNBC và lí giải rằng vaccine của Nga có thể không phù hợp để chống lại COVID-19 tại những thời điểm khác nhau.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, trong khi đó, bình luận rằng, "vấn đề không phải là quốc gia nào có vaccine đầu tiên. Vấn đề là phải có một loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người dân Mỹ ". Azar thừa nhận Mỹ, nơi dịch COVID-19 gây ra cái chết của gần 168.000 người trong 5,3 triệu ca nhiễm và vẫn đang tăng mạnh từng ngày, đã chi hơn 9 tỷ USD cho 6 mẫu vaccine nhưng chưa thể cấp phép.

Giới chức Đức cũng nhanh chóng lên tiếng tỏ ra hoài nghi về chất lượng của mẫu vaccine do Nga điều chế, đồng thời nói rằng châu Âu sẽ chỉ cấp phép cho các loại thuốc khi nó chứng minh được hiệu quả sau quá trình thử nghiệm đầy đỷ. "An toàn của bệnh nhân là ưu tiên lớn nhất", người phát ngôn Bộ Y tế Đức nói. "Vẫn chưa có dữ liệu nào về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của vaccine Nga".

Cùng ngày, Times of India dẫn lời Thomas Bollyky, giám đốc chương trình y tế toàn cầu của tổ chức Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), thì cảnh báo, nếu vaccine không được thử nghiệm đầy đủ, nó có thể gây hại. "Nó có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe, hoặc thậm chí tạo cảm giác an toàn giả tạo hay thậm chí làm mất niềm tin vào tiêm chủng vaccine nói chung", Bollyky loan báo.

Dẫu vậy, theo Reuters, dù được đăng kí chính thức, song vaccine Sputnik V của Nga vẫn chưa hoàn tất toàn bộ quá trình thử nghiệm và nó cũng chưa đi vào sản xuất hàng loạt ngay mà phải chờ đến tháng 9 tới, trong khi việc tiêm chủng sẽ diễn ra giai đoạn đầu với các nhân viên y tế, giáo viên Nga, còn dân chúng sẽ chỉ tiếp cận chúng vào năm 2021.

Nga là một quốc gia có nền y tế mạnh mẽ. Các chuyên gia vaccine đều ý thức rõ ràng rằng hiệu quả và tính an toàn của vaccine chỉ có thể kiểm chứng thông qua tiêm chủng rộng rãi ngoài cộng đồng, bởi phản ứng miễn dịch có thể thay đổi theo độ tuổi, chủng tộc hoặc tình trạng sức khỏe hay các bệnh nền.

Ông Dmitriyev trao đổi cùng Tổng thống Putin. Ảnh: TASS

Nhiều chuyên gia bình luận, việc Nga cấp phép cho vaccine ở giai đoạn này cho thấy sự tự tin cao độ của Nga về mẫu vaccine mà nước này chế tạo, nhất là khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng ra đảm bảo cho nó, cùng việc con gái ông là một trong những người được tiêm. Trước đó, Giám đốc viện Gameleya và Giám đốc RDIF Dmitriyev đều xác nhận mình đã tiêm Sputnik V. Liệu một mẫu vaccine chưa chứng minh hiệu quả sẽ được chính những người tạo ra chúng sử dụng?

Đại diện RDIF cũng đã lên tiếng thông báo, giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ 3 với sự tham dự của hàng ngàn người với mẫu vaccine không bị bỏ lỡ mà sẽ tiếp tục được tiến hành từ ngày 12/8 ở một số quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arab Saudi và Philippines... Nếu không chứng minh được hiệu quả, mẫu vaccine sẽ không thể trụ lại.

Thông tin về hoạt động thử nghiệm của Nga đã được Philippines xác nhận. Ngày 10/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết ông rất tin tưởng vào vaccine của Nga và sẵn sàng trở thành người đầu tiên tiêm vaccine. "Khi vaccine tới Philippines, tôi tình nguyện tiêm nó công khai. Tôi sẽ là người đầu tiên tiêm thử", ông Duterte nói.

Trong khi đó, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic khi được hỏi về việc Nga trở thành quốc gia đầu tiên đăng ký vaccine ngừa COVID-19 đã nói: "Tôi muốn trở thành người đầu tiên dùng vaccine sau khi các chuyên gia của Serbia đánh giá". Theo lời ông Vucic, các chuyên gia Serbia sẽ sớm kiểm tra về độ an toàn và tin cậy với vaccine mới của Nga. "Điều quan trọng là vaccine xuất hiện càng sớm càng tốt vì nó sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế của Serbia", ông Vucic nêu.

Sau thông báo của Nga, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho hay đang thảo luận với cơ quan y tế Nga về quá trình thẩm định loại vaccine. "Chúng tôi đang tiếp xúc chặt chẽ với các cơ quan y tế Nga và thảo luận xem liệu WHO có thể thẩm định nó không. Đây là hoạt động cần thiết để đánh giá tính an toàn của vaccine", người phát ngôn WHo Tarik Jasarevic cho biết.

Vẫn chưa rõ phía Nga phản ứng ra sao với lời đề nghị của WHO. Trong một bài đăng trên Sputnik ngày 11/8, Giám đốc RDIF Dmitriyev kêu gọi các chính trị gia và truyền thông phương Tây dừng những tuyên bố nhằm phá hoại niềm tin vào caccine do Nga sản xuất. "Hãy ngừng khai hỏa đòn chính trị vào vaccine khi mà các nước đều đang đương đầu với đại dịch COVID-19", Dmitriyev nói.

Thiện Minh
.
.
.