Trước giờ phán quyết của trọng tài thường trực vụ kiện Biển Đông

Thứ Sáu, 01/07/2016, 09:14
Bất chấp việc Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tuyên bố sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông vào ngày 12-7 tới, chính quyền Bắc Kinh vẫn cho rằng, PCA không có thẩm quyền pháp lý để xét xử vụ kiện này và không tham gia vào quá trình tranh tụng tại tòa.


Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành một loạt nỗ lực về ngoại giao và tuyên truyền nhằm làm hạ thấp thẩm quyền của tòa.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi nói rằng: “Tòa PCA được thiết lập để ủng hộ những tuyên bố phi pháp của Philippines và không có thẩm quyền pháp lý để xét xử những vấn đề có liên quan”. Ông Hồng tuyên bố: “Liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ và phân giới trên biển, Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ một bên thứ 3 nào tham gia giải quyết tranh chấp hoặc áp đặt một giải pháp để giải quyết tranh chấp lên Trung Quốc”.

Trung Quốc đưa thuyền tới đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, Bắc Kinh tố ngược Manila đã “vi phạm luật pháp quốc tế” khi đưa vụ việc ra PCA. Truyền thông nhà nước Trung Quốc còn cho đăng tải nhiều bài viết, trong đó cảnh báo phán quyết của PCA càng khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bài xã luận bằng tiếng Anh trên hãng thông tấn Tân Hoa Xã có đoạn viết: “Manila đã không nhận ra vụ kiện như vậy chỉ càng khiến tình hình Biển Đông thêm rắc rối và không phù hợp với lợi ích của các bên liên quan”.

Vụ kiện “thậm chí còn làm phức tạp tình hình do khiến các bên liên quan tưởng rằng họ có thể thu lợi từ việc đơn phương tạo ra hỗn loạn”, theo Tân Hoa Xã. Và khi thời điểm PCA ra phán quyết ngày càng cận kề, Trung Quốc đã phát động một chiến dịch vận động, lôi kéo ngoại giao quy mô toàn cầu để thuyết phục các nước khác ủng hộ quan điểm không chấp nhận PCA ra phán quyết về cái gọi là “đường lưỡi bò” của họ.

Về phía PCA, qua xem xét đơn kiện của Philippines, Tòa đã bác bỏ luận cứ của Trung Quốc cho rằng vụ tranh chấp trên thực tế không thuộc quyền tài phán của PCA. PCA khẳng định, vụ kiện phản ánh “tranh chấp giữa hai nước liên quan tới việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)”, và vấn đề này thuộc thẩm quyền của PCA. PCA khẳng định thêm, việc Trung Quốc không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa, đồng thời quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.

Liên quan tới vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an khẳng định, lập luận của Trung Quốc là sai lầm khi cho rằng, PCA không đủ trách nhiệm để xử lý vụ kiện này và không tham gia.

Và nếu Trung Quốc phản đối phán quyết, nước này sẽ rơi vào tình huống pháp lý cực kỳ khó khăn. PCA mang danh nghĩa công pháp quốc tế. Khi Trung Quốc chống lại phán quyết của tòa này, tức là chống lại luật pháp quốc tế, chống lại lương tri của loài người, thì càng bộc lộ bản chất là một quốc gia thiếu trách nhiệm, chà đạp lên luật pháp.

Chia sẻ quan điểm này, ông Paul Reichler, luật sư chính của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc, khẳng định rằng nếu Bắc Kinh bác bỏ phán quyết do một tòa án của Liên hợp quốc đưa ra, họ “về cơ bản đã tự tuyên bố rằng mình là một quốc gia ngoài vòng pháp luật” không tôn trọng tinh thần thượng tôn pháp luật vốn là nền tảng cho trật tự quốc tế hiện nay.

Luật sư Reichler cũng dự đoán rằng, sau khi PCA ra phán quyết, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sức ép rất lớn từ các quốc gia láng giềng trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế, dù họ có dùng chiêu bài kinh tế lôi kéo được bao nhiêu quốc gia đưa ra những tuyên bố mà họ cho là “ủng hộ lập trường Biển Đông” của mình đi chăng nữa. Ông Reichler còn nhấn mạnh: “Rồi sẽ đến lúc người Trung Quốc nhận ra rằng việc tạo ra tình trạng hỗn loạn, vô thiên vô pháp chỉ là lợi bất cập hại”.

Không riêng gì Philippines, Trung Quốc còn luôn tìm cách đổ lỗi cho Mỹ và các quốc gia khác trong khu vực “làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông”, đồng thời cảnh báo những người lên tiếng chỉ trích họ đều sẽ phải gánh chịu hậu quả. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho rằng, các phản ứng này của Bắc Kinh sẽ không phát huy hiệu quả. Washington cũng bày tỏ ủng hộ đối với tuyên bố của PCA.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Anna Richey-Allen nhấn mạnh: “Phù hợp với chính sách lâu dài của chúng tôi, Mỹ ủng hộ giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, bao gồm việc sử dụng những cơ chế quốc tế hợp pháp như PCA”.

Liên quan tới việc xây dựng phi pháp các công trình tại Biển Đông, phía Trung Quốc bao biện rằng, việc xây dựng được xây dựng trên các rặng san hô “đã chết”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh đã tuân thủ nghiêm chỉnh các biện pháp bảo vệ môi trường trước khi triển khai các công trình này.

Những tuyên bố này của Trung Quốc vốn là nỗ lực nhằm làm dịu bớt những lo ngại về vấn đề môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia về môi trường đã chứng minh rằng, chính Bắc Kinh đã nạo vét làm cho san hô chết để rồi sau đó tiến hành xây dựng các công trình trên san hô chết, gây tác động xấu tới môi trường sinh thái Biển Đông.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, việc bất chấp luật pháp quốc tế, cải tạo đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo, rồi quân sự hóa chúng với sân bay, trạm radar tần số cao, hải đăng… đã giúp Trung Quốc giám sát chặt chẽ máy bay, tàu thuyền đi lại qua khu vực phía bắc eo biển Malacca và Biển Đông. Hành động này của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế, trực tiếp đe dọa đến an toàn, an ninh, hàng không hàng hải của Biển Đông – con đường hàng hải nhộn nhịp bậc nhất thế giới.

Bên cạnh đó, trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và quốc tế, việc Bắc Kinh hành động ở Biển Đông sẽ càng khiến cộng đồng thế giới không tin tưởng nước này khiến quốc gia này bị phơi bày bản chất tham vọng trước con mắt quan sát của cộng đồng thế giới; thức tỉnh quốc tế cảnh giác với lực lượng đang lên như Trung Quốc. Lịch sử thời kỳ đầu thế kỷ XX đã cho thấy quá trình nổi lên của những lực lượng trỗi dậy dễ phá vỡ trật tự, ổn định của thế giới.

Khổng Hà
.
.
.