Haiti 10 năm sau thảm họa động đất: Hy vọng nhiều để rồi tuyệt vọng

Thứ Hai, 13/01/2020, 15:39
Ngày 13-1 (giờ Việt Nam) đánh dấu một thập kỷ từ trận động đất kinh hoàng tàn phá Haiti, thế nhưng quốc đảo Caribbean này vẫn chưa thể gượng dậy từ đống đổ nát. 
Nhà thờ Port-au-Prince bị tàn phá trong trận động đất nhưng 10 năm sau vẫn chưa được tu sửa. Ảnh ShutterStock. 

10 năm trước, một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra ở Haiti, tàn phá thủ đô Port-au-Prince chỉ trong vài giây, 70.000 người thiệt mạng trong vòng một tuần và con số thương vong không ngừng tăng trong những ngày sau đó.

Sức tàn phá của trận động đất mạnh 7.0 độ Richter ngày 12-1-2010, chia đôi lịch sử quốc đảo này thành hai phần: Trước và sau động đất.

Phần “trước” là những trang lịch sử dài, từng chứng kiến chế độ độc tài, chiếm đóng và cả kháng chiến, sự bùng nổ của cuộc các mạnh nỗ lệ đánh bại quân đội của Napoleon Bonaparte. Và phần “sau” là một khoảng trống vượt ngoài sức tưởng tượng.

“Mẹ nghĩ họ đã thả một quả bom xuống Port-au-Prince”, đó là những gì mà Francoise Chandler, một nhân viên của UNICEF tại địa phương, nói với con gái mình sau cơn chấn động đầu tiên, khi cô vừa đón con từ trường về nhà. “Mọi thứ đều rung chuyển và có rất nhiều tiếng ồn. Tôi cứ ngỡ đó như sự kiện 11-9 ở Mỹ. Từng đám mây bụi bám đầy quanh xe của tôi”, Chandler cho biết.

“Mẹ ơi, chúng ta sẽ chết sao?” Chandler kể lại câu hỏi của cô con gái bé bỏng, nhưng lúc đó cô không trả lời, bởi chính cô cũng không biết số phận của hai mẹ con sẽ đi về đâu. “Nhưng nếu chết, chúng tôi sẽ chết cùng nhau”. Và sau đó, cô trấn an cô con gái.

Hy vọng và tuyệt vọng

Theo Cơ quan khảo sát địa chấn Mỹ, trận động đất kéo dài chưa đến 30 giây. Tuy nhiên, sự đoàn kết trong nước và giữa Haiti và cộng đồng quốc tế đã mang lại nguồn hy vọng nhất cho người dân khốn khổ của quốc đảo này.

“Thế giới đã sát cánh cùng Haiti. Không phải tất cả thế giới, nhưng tôi nghĩ rằng nếu bạn bật tivi, nếu bạn đọc báo, nếu bạn nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp tại nơi làm việc, thì có sự hỗ trợ và lòng trắc ẩn từ tất cả mọi nơi dành cho Haiti”, Sanjay Gutpa, phóng viên của CNN đưa tin từ hiện trường năm 2010.

Lực lượng cứu hỏa từ New York, những nhân viên cứu hộ từ Iceland, bệnh viện di động từ Israel, chó nghiệp vụ từ Trung Quốc và dầu từ Venezuela. Các tổ chức phi chính phủ tại nước này cũng đã vào cuộc. Chandler nhớ lại những ngày làm việc trong một căn lều ngoài trời một vài ngày sau trận động đất do văn phòng của cô đã bị phá hủy.

Người dân Haiti bước qua đống đổ nát từng là một nhà thờ địa phương vào ngày 12-1-2010. Ảnh Getty Images. 

Các nhà hảo tâm trên khắp thế giới cam kết hỗ trợ Haiti hàng chục triệu USD, và con số này cuối cùng lên đến 10 tỷ USD nhằm xây dựng lại đất nước này. Trận động đất rất mạnh, nhưng một nguyên nhân dẫn đến số thương vong khổng lồ là do những tòa nhà tại đây không hề vững chắc, dễ dàng bị đánh sập và chôn vùi người dân.

“Ngay sau trận động đất, tôi cảm thấy có rất nhiều hy vọng, bởi vì tôi nghĩ rằng việc vượt qua được thảm họa sẽ khiến mọi người trở thành nên tốt hơn”, Harold Prévil, bác sĩ sản khoa và người đứng đầu bệnh viện Sacre Coeur ở thành phố Milot, phía Bắc Haiti, cho biết. Tuy vậy, sau một thập kỷ, ông và nhiều người khác bày tỏ “vỡ mộng” và đã không còn đặt quá nhiều hy vọng.

Nhưng một thập kỷ sau, ông và nhiều người khác nói với CNN rằng họ hiện đang vỡ mộng và có ít hy vọng hơn cho đất nước của họ so với những gì đã xảy ra sau trận động đất.

Hôm 11-1, Tổng thống Haiti Jovenel Moise đã phải thừa nhận rằng đất nước dường như đang “giậm chân tại chỗ”. “Dù rằng đã có những nỗ lực để xây dựng lại đất nước sau trận động đất, vết sẹo gây ra bởi sự kiện bi thảm này vẫn còn”, ông Jovenel Moise cho biết. “Mười năm trôi qua, chúng tôi vẫn thiếu cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản để hỗ trợ người dân”.

Người dân Haiti sống trong “căng thẳng trường kỳ”.

Nhiều khu vực bị tàn phá trong trận động đất năm 2010 tại Haiti vẫn chưa được xây dựng lại, trong đó có cả trụ sở chính phủ là Cung điện Quốc gia. Và vẫn còn đó nhiều lo ngại rằng nhiều tòa nhà dù đã được xây dựng lại có đủ chắc chắn để bảo vệ người dân trong những trận động đất tiếp theo hay không.

Chật vật giữa cả những thảm họa thiên nhiên lẫn chính trị bất ổn trong thập kỷ qua, nhiều người dân Haiti dường như có ít khả năng có thể gượng dậy về tinh thần lẫn tình cảm, Marline Naromie Joseph, một nhà tâm lý học người Haiti, người đã làm việc tại tổ chức “Bác sĩ không biên giới” trong 12 năm cho biết. Cô đã ở tuyến đầu cấp cứu các nạn nhân sau trận động đất, trực tiếp cứu giúp những người bị thương nghiêm trọng, những đứa trẻ mất cha mẹ và đồng nghiệp đã chứng kiến sự kinh hoàng của trận động đất.

Joseph nhớ lại khi cô chứng kiến những thi thể đầu tiên được phát hiện trên đường phố ngày sau trận động đất, ám ảnh cô đến ngày nay. “Mặc dù không còn khung cảnh thê thảm đó, quá khứ về những ngày đen tối ấy vẫn đeo bám tôi như thể mới hôm qua. Tâm trí tôi không thể xóa đi những hình ảnh đó”. Một số bệnh nhân vẫn hồi tưởng về cảm giác mặt đất rung chuyển dưới chân khi họ đến thăm những khu vực cụ thể, Joseph cho biết.

Trận động đất biến thủ đô Port-au-Prince thành một trại tị nạn khổng lồ với hàng chục ngàn người vô gia cư. Ảnh Getty Images. 

Trong những năm qua, quốc đảo cũng khốn khổ với bão, lũ lụt và hạn hán. Nhưng bên cạnh thiên tai, Haiti cũng từng trải qua sự bùng phát của dịch tả, nạn tham nhũng trong chính phru cũng gây ra tình trạng bất ổn tại đây.

“Cuộc sống luôn có căng thẳng, nhưng sống với căng thẳng trường kỳ sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng với cơ thể. Cuối cùng, con người sẽ rơi vào tình trạng kiệt sức”, Joseph cho biết.

Đất nước vật lộn với nạn đói, lạm phát và khan hiếm nhiên liệu

Sự thất vọng tràn trề 10 năm sau thảm họa được khắc họa rõ nét với nền kinh tế suy kiệt và cả cơ sở hạ tầng yếu kém.

“10 năm sau thảm họa, tôi là một bác sĩ, một giám đốc điều hành của một cơ sở với 210 giường bệnh, nhưng mọi thứ không khả quan như bạn nghĩ. Người dân Haiti chưa từng có cơ một để làm mọi việc theo cách khác biệt hơn và tốt hơn”, Previl, giám đốc một cơ sở y tế tại Haiti cho biết.

Một vài thứ cũng đã được cải thiện. Hệ thống y tế tại Haiti đã được mở rộng từ trận động đất và theo một báo cáo của UNICEF, chưa có trường hợp tả mới nào được phát hiện từ tháng 2 năm ngoái. Tuy nhiên, cả Previl và Joseph đều khẳng định rằng những nguồn lực y tế tại nước này sẽ không đủ sức chống chọi nếu xảy ra một thảm họa như năm 2010.

Tiến sĩ Nirva Saint-Louis với một chân bị cắt bỏ sau trận động đất. 10 năm sau thảm họa, nhiều người dân Haiti vẫn sống chung cùng nỗi lo sợ đeo bám từ quá khứ. Ảnh ShutterStock.

Đất nước này hiện đang bị kìm kẹp bởi lạm phát tăng vọt, trong khi tình trạng thiếu nhiên liệu làm chậm các bánh răng của ngành công nghiệp và chính phủ. Theo một báo cáo mới đây của cơ quan cứu trợ thảm họa của Liên Hợp Quốc OCHA, giá tăng đồng nghĩa với việc ngay cả các nguồn cung cơ bản cũng nằm ngoài tầm với của người nghèo.

Chính vì thế, nạn đói giờ là mối đe dọa lớn với Haiti. 40% người dân Haiti sẽ đối mặt với thiếu an ninh lương thực trong tháng 3 này, cùng với đó, 1/10 người sẽ chịu cảnh thiếu an ninh lương thực ở mức khẩn cấp.

Cơn bão tham nhũng quét sạch niềm tin

Vào năm 2012, 6,4 tỷ USD trong số hơn 10 tỷ USD đã cam kết đã được giải ngân, theo báo cáo của Paul Farmer, một nhà nhân chủng học y khoa Harvard, từng là Phó đặc phái viên của Liên hợp quốc tại Haiti.

Cách mà chính phủ Haiti sử dụng những đồng tiền ủng hộ của quốc tế khiến cho nhiều người dân không bằng lòng và khiếu nại. Trong gần 2 năm qua, Haiti hứng chịu khủng hoảng chính trị, thậm chí có thời điểm dường như tê liệt cả đất nước, xuất phát từ sự bất mãn với chính phủ và cách chính phủ xử lý các cáo buộc tham nhũng.

Người biểu tình trên đường phố Port-au-Prince ngày 27-12-2019 đòi Tổng thống Jovenel Moise từ chức. Ảnh Getty Images. 

Các cuộc biểu tình nổ ra sau một đợt tăng giá nhiên liệu. Một báo cáo chính thức đã cáo buộc chính phủ trong quá khứ từng lãng phí hàng triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, trả tiền cao ngất ngưởng cho những hợp đồng xây dựng đường xá và nhà cửa nhưng sau đó bị bỏ bê. “Điều khiến tôi thất vọng rất nhiều là tôi từng hy vọng rằng người dân Haiti và quan chức có trách nhiệm đã có thể biến trận động đất thương tâm trở thành một cơ hội để đất nước vực dậy khá hơn”, Previl cho biết. “Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Những nhà lãnh đạo trở nên ích kỷ, họ vơ vét nhiều hơn. Vì vậy, thay vì nắm lấy cơ hội để thay đổi đất nước, họ khiến tình hình trở nên xấu đi”.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.