Haiti: Động đất lớn nhất trong hơn 200 năm qua

Thứ Năm, 14/01/2010, 09:00
Một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã xảy ra lúc 16h53 phút ngày 12/1 (theo giờ địa phương) làm rung chuyển Haiti. Trận động đất kéo dài hơn một phút với ba cơn dư chấn mạnh khoảng từ 5,1-5,9 độ richter, san phẳng dinh Tổng thống, phá hủy một bệnh viện ở Petionville, gây hư hại trụ sở của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều tòa nhà khác của chính phủ.

Tâm chấn của trận động đất nằm cách thủ đô Port-au-prince của Haiti 22km về phía Tây và Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra cảnh báo sóng thần đối với các quốc gia vùng ven biển Caribbea, trừ Puerto Rico và quần đảo Virgin.

Theo xác nhận của Đại sứ Haiti tại Mexico Robert Manuel, đến chiều 13/1, nhà chức trách Haiti vẫn chưa thể đưa ra con số chính xác về người thiệt mạng và bị thương sau trận động đất. Chỉ biết rằng, mặc dù tư dinh đã bị phá hỏng, song, Tổng thống Rene Preval vẫn an toàn.

Đại sứ Robert Manuel cho biết, ông chỉ được thông báo tin tức ngắn gọn như vậy vì liên lạc viễn thông ở Haiti vẫn bị mất trên diện rộng. Điều này cũng khiến các cơ quan cứu trợ quốc tế khó có thể có hình ảnh đầy đủ về thiệt hại khi những đợt dư chấn cũng rất mạnh tiếp tục làm rung chuyển quốc gia nghèo đói này, nơi nhà cửa không được xây dựng vững chắc. Ngoài ra, điện bị mất ở một số khu vực, tình trạng hoảng loạn, tâm lý hoang mang đang bao trùm khắp nơi.

Trong khi đó, Đại sứ Haiti tại Mỹ Raymond Joseph thì cho hay, ông đã nói chuyện với Chánh văn phòng Tổng thống Rene Preval ngay sau khi xảy ra động đất và được biết "các tòa nhà gần Phủ Tổng thống cũng bị xô nghiêng" và ông cũng không liên lạc điện thoại về Haiti được kể từ đó.

Sara Fajardo, phát ngôn viên của một tổ chức cứu trợ nhận định: "Phải có đến hàng nghìn người thiệt mạng". Một quan chức Pháp trả lời phỏng vấn hãng AFP khẳng định, hơn 200 người đã mất tích sau khi tòa nhà của khách sạn Montana - nơi tập trung phần lớn du khách nước ngoài bị sập đổ hoàn toàn.

Đây được coi là trận động đất lớn nhất kể từ năm 1770 tại vùng đất Haiti này. Ngân hàng thế giới (WB) cũng cho biết, văn phòng đại diện của họ đã bị phá hủy. Alain Le Roy, người đứng đầu lực lượng gìn giữ hòa bình tại New York (Mỹ)  tối 12/1 xác nhận, trụ sở của 9.000 thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cùng một số tòa nhà khác thuộc LHQ đã bị hư hại nặng nề.

Ông Alain Le Roy đã cố gắng liên lạc với những người phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ ở Haiti nhưng không được. Rất có thể, hàng nghìn thành viên lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng đang bị chôn vùi trong đống đổ nát.

Trận động đất lớn nhất trong hơn 200 năm qua ở Haiti đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho quốc gia này. Ảnh: AFP

Chưa hết, động đất còn gây ảnh hưởng tới phía Đông Cuba và CH Dominica, quốc gia có chung đường biên giới với Haiti trên đảo Hispaniola.

Công tác cứu trợ càng trở nên khó khăn khi đất nước gồm hơn 10 triệu dân này luôn trong tình trạng đói nghèo. Ước tính, khoảng 9 triệu người dân Haiti sống dưới mức nghèo đói. Chính trị không ổn định cũng làm cho xã hội Haiti bất ổn và hầu như không có một công trình xây dựng nào được coi là đạt chuẩn hoặc đủ sức chống chọi với trận động đất vừa xảy ra. Vì thế, cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Haiti.

Từ Washington, Tổng thống Barack Obama tuyên bố Mỹ vẫn theo dõi sát sao tình hình Haiti và sẵn sàng trợ giúp Haiti vượt qua thảm họa này. Venezuela cũng cử ngay một đội cứu trợ khẩn cấp gồm 50 nhân viên. Đoàn cứu trợ của Hội chữ thập đỏ quốc tế và tổ chức nông lương LHQ cũng đã cử 2 chuyến máy bay chở hàng cứu trợ tới Haiti. Anh, Canada, Australia, Pháp và một số nước Mỹ Latinh cũng đang khẩn trương tiến hành một loạt biện pháp nhằm hỗ trợ chính quyền Haiti trong lúc khó khăn

Sông Thương
.
.
.