Cuộc nổi dậy đầu tiên chống lại Israel của người Palestine

Chủ Nhật, 10/12/2017, 10:26
Những cuộc đụng độ liên miên giữa người Palestine và Israel trong những ngày qua dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột giống như phong trào nổi dậy Intifada lần đầu tiên mà người Palestine phát động chống lại Israel 30 năm trước.


Ngược lại lịch sử vào năm 1948, sau khi Anh kết thúc hơn 30 năm cai trị vùng đất Palestine, Liên Hợp Quốc đã ra một nghị quyết phân chia lãnh thổ của vùng đất này cho người Do Thái (Israel) và người Arab với nhà nước Palestine. Riêng khu vực Jerusalem được kiểm soát bởi Liên Hợp Quốc do tính chất đặc biệt của nó.

Vùng đất của người Palestine (màu vàng) bị "co lại" đáng kể so với phương án của Liên Hợp Quốc. Ảnh: ISRandPAL

Người Do Thái đồng ý với phương án của Liên Hợp Quốc và ra tuyên bố thành lập Israel. Nhưng 1 ngày sau, các nước Arab đã phát động cuộc chiến nhằm vào Israel vì họ cho rằng toàn bộ vùng đất này cần phải nằm dưới sự kiểm soát của mình. Mặc dù vậy, Israel không những không thất bại, họ còn giành quyền kiểm soát thêm nhiều phần lãnh thổ.

Tới năm 1967, trong cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và Ai Cập, Syria, Jordan. Israel thêm một lần chiến thắng. Lần này, họ đã giành quyền kiểm soát gần như toàn bộ vùng Palestine, đồng thời coi Jerusalem là thủ đô "không thể chia cắt" của mình.

Mặc dù người Israel kiểm soát gần như toàn bộ khu vực, nhưng người Palestine vẫn không từ bỏ ước mơ lập quốc tại nơi mà họ coi là quê hương và được Liên Hợp Quốc công nhận. Sự phẫn nộ của người Palestine với Israel vì vậy cũng tăng lên.

Tới ngày 8-12-1987, 4 người Palestine tại trại tị nạn Jabaliya ở Dải Gaza bị một xe tải của Israel cán chết. Vụ tai nạn đã làm bùng phát những cuộc đụng độ dữ dội giữa quân đội Israel và người biểu tình Palestine tại 8 trại tị nạn vào ngày hôm sau.

Thanh niên Palestine ném đá vào xe tăng Israel. Ảnh: AP

Thanh thiếu niên Palestine xuống đường biểu tình, đốt lốp xe, ném đá và bom xăng vào cảnh sát và quân đội Israel. Đây là lần đầu tiên người Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza tham gia xung đột trực tiếp với Israel kể từ sự kiện năm 1948. Người Palestine đặt tên cho phong trào nổi dậy của họ là Intifada.

Nhiều người Palestine coi Intifada là cuộc chiến hợp pháp trong phong trào giải phóng dân tộc khỏi sự chiếm đóng của nước ngoài. Đối với Israel, Intifada là một chiến dịch khủng bố.

Israel đáp trả cuộc nổi dậy bằng chính sách “Bàn tay sắt”: các lệnh giới nghiêm, bắt giữ hàng loạt, tra tấn và sau đó là trục xuất. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yitzhak Rabin ra lệnh “đập gãy xương” những người biểu tình trẻ.

Hình ảnh lính Israel dùng gậy đánh đập thanh thiếu niên Palestine khiến cộng đồng quốc tế lên án, dẫn đến việc Israel chuyển sang sử dụng đạn nhựa khi đàn áp người nổi dậy.

Tới năm 1993, với nỗ lực của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine đã đạt một thoả thuận lịch sử để chấm dứt cuộc xung đột trên.

Sau 6 năm giao tranh đẫm máu, gần 1.300 người Palestine bị giết bởi những người lính hoặc người định cư Do Thái, với gần 1/4 trong số đó dưới 16 tuổi. Khoảng 150 người Israel cũng thiệt mạng trong các vụ xung đột.

Thanh niên Palestine ném đồ vật về phía Israel trong cuộc biểu tình hôm 9-12. Ảnh: Reuters

Intifada thứ hai bùng phát khi lãnh đạo phe cánh hữu Israel Ariel Sharon viếng thăm nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa tại Đông Jerusalem ngày 28-9-2000, trong bối cảnh mọi đàm phán trước đó đều không thể tạo ra tiến triển nào cho việc thành lập nhà nước Palestine. 

Trong cuộc nổi dậy này, hàng nghìn người cả ở hai bên đã thiệt mạng, thương vong nhiều hơn cả Intifada lần thứ nhất. 

Tới hôm 6-12 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Tuyên bố này nhanh chóng kéo theo những cuộc đụng độ, với đỉnh điểm là việc quân đội Israel đã bắn chết 2 người Palestine hôm 9-12.

Theo giới quan sát, nếu các vấn đề liên quan đến Jerusalem không được tiếp cận đúng mức, nguy cơ về một cuộc xung đột giống như phong trào nổi dậy Intifada lần đầu tiên mà người Palestine phát động chống lại Israel 30 năm trước là hoàn toàn có khả năng.

Thiện Nhân
.
.
.